Dòng vốn từ Hàn Quốc đang rời khỏi 'chảo dầu nóng' Trung Quốc tới Việt Nam

Các công ty Hàn Quốc vốn đổ xô vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc vì nhân công rẻ trong những năm 2000 đang chuyển hướng đầu tư sang thị trường Việt Nam, nơi cung cấp chi phí thậm chí thấp hơn và ít rủi ro về chính trị.

Dòng vốn từ Hàn Quốc đang rời khỏi chảo dầu nóng Trung Quốc tới Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.


Hàn Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có nhiều sự khác biệt nhưng giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng mạnh, gấp 34 lần kể từ năm 2000. Các nhà sản xuất lớn nhất của Hàn Quốc, bắt đầu với Samsung, đã đổ hàng tỉ USD vào các nhà máy Việt Nam như một sự thay thế cho Trung Quốc. Các nhà bán lẻ và ngân hàng đang cũng đang nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng Việt Nam, theo Nikkei.

"Hàn Quốc đã là một từ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam trong nhiều năm qua….Nó nổi tiếng về văn hóa và giải trí, thời trang và đầu tư", Cao Trần Phương Chi, một nhân viên bán lẻ tại TP HCM cho biết.

Dòng vốn từ Hàn Quốc đang rời khỏi chảo dầu nóng Trung Quốc tới Việt Nam - Ảnh 2.

Tỉ trọng thương mại giữa hai nước qua các năm.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia đã nở rộ đến mức Việt Nam là điểm xuất khẩu số 3 của Hàn Quốc trong hai năm liên tiếp vào năm 2018, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc. Và dự kiến sẽ vượt Mỹ  vào năm 2020.

Năm 2014, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước đầu tư trực tiếp nước ngoài tích lũy lớn nhất tại Việt Nam và duy trì vị trí này cho đến thời điểm hiện tại.

Dòng vốn từ Hàn Quốc đang rời khỏi chảo dầu nóng Trung Quốc tới Việt Nam - Ảnh 3.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam qua các năm.

"Nhiều nước ASEAN chịu ảnh hưởng của Nhật Bản, nhưng Việt Nam là một ngoại lệ… Nó có mối quan hệ đặc biệt với Hàn Quốc", Lee Tae-joo, Chủ tịch Viện Phát triển Định chế tại Seoul nói.

Điều này phần lớn là nhờ các nhà sản xuất Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics. Samsung đã đầu tư khoảng 9,5 tỉ USD vào Việt Nam kể từ năm 2007, sản xuất hơn 150 triệu điện thoại thông minh tại các nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

LG thì sản xuất các thiết bị tại Hải Phòng. Vào tháng 4, công ty này tuyên bố rằng họ sẽ chuyển các dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh của mình từ Pyeongtaek, bên ngoài Seoul, đến Hải Phòng vào cuối năm nay, tăng sản lượng điện thoại thông minh Việt Nam hàng năm lên 11 triệu chiếc.

Điện thoại đã là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam kể từ năm 2013. Quan trọng hơn, đầu tư của Hàn Quốc đã tạo ra một hệ sinh thái sản xuất hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tới.

Dòng vốn từ Hàn Quốc đang rời khỏi chảo dầu nóng Trung Quốc tới Việt Nam - Ảnh 4.

Nguồn: Nikkei

"Có khoảng 7.000 công ty Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, cung cấp việc làm cho hơn 700.000 công nhân và đóng góp khoảng 30% vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam", Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam cho biết. 

Samsung đã hợp tác với 35 nhà cung cấp nội địa "cấp 1" vào năm 2018 (vào năm 2014 là 4 nhà cung cấp). Năm nay, họ đang tìm nguồn cung ứng từ 42, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 50 vào năm 2020.

Rời chảo dầu nóng chính trị Trung Quốc, dòng vốn Hàn Quốc đang tìm tới Việt Nam

Đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với chi phí nhân công rẻ, thậm chí rẻ hơn Trung Quốc và ít rủi ro về chính trị.

Mức lương trung bình của công nhân sản xuất Việt Nam là 3,812 USD vào năm ngoái, chỉ bằng khoảng một phần ba trung bình của công nhân Trung Quốc là 10,520 USD, theo Viện nghiên cứu Hyundai. 

Đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh kiểm soát các công ty Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhiều nhà đầu tư đang hướng đến Việt Nam.

Lotte là một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi tranh chấp quốc phòng. Vào năm 2016, công ty này đã đồng ý để cung cấp đất cho hệ thống chống tên lửa - một phần của một sân golf ở Seongju. Ngay sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh trừng phạt Lotte về các vi phạm an toàn hỏa hoạn và các vấn đề khác, khiến họ phải bán hầu hết 99 cửa hàng giảm giá Lotte Mart ở Trung Quốc.

Hiện tại, có 14 Lotte Marts tại Việt Nam, một trong số đó nằm trong Trung tâm Lotte 65 tầng Hà Nội, nơi cũng có một cửa hàng bách hóa và khách sạn. 

Đương nhiên không thể so sánh qui mô thị trường tiêu dùng giữa Việt Nam và Trung Quốc khi dân số Trung Quốc là khoảng 1,3 tỉ người, gấp 10 lần dân số Việt Nam. Tuy vậy, Lotte đang đầu tư rất nhiều vào TP HCM và Hà Nội. Nó đã rót vào 1,8 nghìn tỉ won (1,5 tỉ USD) vào năm 2016 và dự định sẽ chi thêm 1,2 nghìn tỉ won vào năm 2024.

Dòng vốn từ Hàn Quốc đang rời khỏi chảo dầu nóng Trung Quốc tới Việt Nam - Ảnh 5.

Số lượng các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam qua các năm.

Các tổ chức tài chính Hàn Quốc cũng nhảy vào Việt Nam khá sớm

Bourse Korea Exchange là một trong những tổ chức đã giúp Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) thành lập và hoạt động cách đây hai thập kỉ. Hiện tại, họ đang phát triển hệ thống công nghệ thông tin cho HOSE và HNX.

Ngân hàng Shinhan của Hàn Quốc là ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tài sản 3,7 tỉ USD mặc dù qui mô của nó vẫn còn nhỏ so với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng tư nhân có tài sản lớn nhất với khoảng 18,2 tỉ USD (số liệu từ quí I/2019).

"Việt Nam là một động lực tăng trưởng mới đối với chúng tôi bởi vì chúng tôi không thể mong đợi nhiều lợi nhuận ở nước chúng tôi", Lee Sang-hoon, một Giám đốc của Shinhan Bank cho biết.

Tỉ lệ lãi ròng của các ngân hàng tại Việt Nam (2,7%) gấp khoảng hai lần so với các ngân hàng tại Hàn Quốc (1,63%) vào năm 2017, theo công ty nghiên cứu Việt Nam Biinform và Dịch vụ giám sát tài chính của Seoul.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-von-tu-han-quoc-dang-roi-khoi-chao-dau-nong-trung-quoc-toi-viet-nam-20190515153953646.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/