Đồng Nai đưa ra nhiều phương án xây cầu Cát Lái

Chiều 6/1, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị trong tỉnh bàn vấn đề xây dựng cầu thay phà Cát Lái (xây cầu Cát Lái, nối quận 2 – Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch – tỉnh Đồng Nai).

Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1094/TTg-CN đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái.

Sau đó, ngành chức năng Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất các nội dung liên quan đến dự án; Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai đề xuất 2 phương án vị trí xây cầu.

Phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Phương án vị trí 2, cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Cả 2 phương án vị trí nêu trên, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm: 6 làn xe và 8 làn xe; bề rộng cầu tương ứng 6 làn xe là 27m, 8 làn xe gần 35m. 

Tổng mức đầu tư của dự án từ 7.200 tỷ đồng đến hơn 9.000 tỷ đồng (tương ứng với vị trí và làn xe). Nguồn vốn thực hiện dự án lấy từ vốn ngân sách, đầu tư theo hình thức BOT, BT.

Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, hiện cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh chưa đồng thuận với 2 phương án vị trí xây cầu Cát Lái do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai đề xuất. 

Bởi nếu theo 2 phương án này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gặp khó khăn khi phải thực hiện điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định; việc kết nối cầu với các tuyến đường gây nguy cơ ùn tắc giao thông.

Tại buổi làm việc, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, xây dựng cầu Cát Lái rất cần thiết.

Dự án giúp kết nối giao thông trực tiếp giữa đô thị Nhơn Trạch với quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh); kết nối các tuyến cao tốc và hệ thống cảng sông, cảng biển; tách luồng xe liên vùng, góp phần giảm ùn tắc, áp lực giao thông cho các luồng xe container ra vào cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). 

Khi có cầu Cát Lái, đô thị Nhơn Trạch có điều kiện phát triển, giá trị thu được từ đất tăng mạnh.

Ông Cao Tiến Dũng đề nghị, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai bổ sung thêm phương án xây cầu Cát Lái với quy mô 4 làn xe, cầu được thiết kế cho xe xe máy và ô tô con, xe tải nhỏ. 

Bởi hiện nay và tương lai, tại khu vực này, xe container, xe tải nặng đã có nhiều đường lưu thông như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, đường vành đai 3.

Ông Cao Tiến Dũng giao Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai hoàn thiện hồ sơ, cuối tháng 2/2020 trình Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai các phương án xây cầu Cát Lái. 

Sau đó, tỉnh Đồng Nai sẽ họp bàn với Thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất các vấn đề liên quan đến dự án. Quan điểm của Đồng Nai là để Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn phương án (4 làn, 6 làn hoặc 8 làn) và vị trí xây cầu; Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý phương án nào, Đồng Nai sẽ thực hiện theo phương án đó.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-nai-dua-ra-nhieu-phuong-an-xay-cau-cat-lai-20200106201942974.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/