Đóng 230 cửa hàng trong một năm giúp WinMart đạt điểm hoà vốn, doanh thu cán mốc 30.900 tỷ đồng

Đầu năm 2021, Masan Group đã đóng cửa 618 cửa hàng so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, kết thúc năm này, công ty cũng đồng thời mở thêm 388 cửa hàng WinMart+ mới.

Giảm 230 điểm bán

Ngày 19/1, CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 và năm tài chính 2021 dựa theo số liệu sơ bộ của ban điều hành, chưa kiểm toán. Doanh thu thuần hợp nhất của Masan trong năm 2021 đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm liền trước.

Xét riêng về mảng bán lẻ, WinCommerce (WCM) - đơn vị vận hành hai chuỗi WinMart/WinMart+, đóng góp 30.900 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm qua, tương đương với năm 2020. 

EBITDA của WCM năm 2021 đã cải thiện 2.334 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 1.100 tỷ đồng trong cả năm từ mức lỗ 1.234 tỷ đồng năm 2020. EBITDA được cải thiện liên tục trong cả năm 2021 đã giúp lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông đạt điểm hòa vốn vào nửa cuối năm.

Đóng 230 cửa hàng trong một năm giúp WinMart đạt điểm hoà vốn, doanh thu cán mốc 30.900 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng WinMart+ tại Hà Nội. (Ảnh: Vượng Phát).

Kết quả trên đạt được trong bối cảnh đầu năm 2021, Masan Group vận hành ít hơn 618 cửa hàng so với đầu năm 2020. Kết thúc năm 2021, đơn vị này cũng đã mở thêm 388 điểm bán. Như vậy, WCM đã đóng 230 cửa hàng sau một năm. 

Đây đều là những điểm bán hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi hoà vốn, chia sẻ với báo giới ông Danny Le - CEO Masan Group, cho biết mục tiêu năm 2022 của doanh nghiệp sẽ là tái mở cửa các điểm bán. Đồng thời từng bước triển khai nhượng quyền thương hiệu, mục tiêu 20.000 điểm nhượng quyền vào năm 2025.

Trước đó, WCM cho biết kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2021 nhờ vào các sáng kiến cải thiện lợi nhuận thương mại (gồm biên lợi nhuận gộp và các hình thức hỗ trợ khác từ các nhà cung cấp), tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và gia tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.

Biên lợi nhuận cao hơn từ nhà cung cấp do WinCommerce đã hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp giúp lợi nhuận thương mại cải thiện. Việc giảm chi phí vận hành cửa hàng đã giúp giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí thuê nhân viên và chi phí tiện ích.

Các sáng kiến về chuỗi cung ứng gồm các cải thiện luồng hàng hóa và tối ưu hóa các điểm phân phối đang hoạt động giúp giảm chi phí hậu cần. Mặc khác, lợi nhuận được cải thiện do chi phí tại trụ sở chính và khối văn phòng giảm tính theo % doanh thu nhờ vào doanh thu tăng trưởng.

Mô hình trung tâm thương mại mini

Có thể nói việc tích hợp nhiều sản phẩm dịch vụ vào WinMart+ sẽ được coi động lực tăng trưởng chủ chốt cho chuỗi bán lẻ này trong thời gian tiếp theo. Trước đó, các cửa hàng WinMart+ là nơi tích hợp hàng tiêu dùng nhanh Masan Consumer Holding, thịt có thương hiệu Masan MEATLife cùng dịch vụ tài chính Techcombank liên kết để tạo thành hệ sinh thái kinh doanh tổng hợp.

Đầu năm nay, Masan Group cũng đã lần lượt tích hợp thành công chuỗi đồ uống Phúc Long, nhà mạng Mobicast, dược phẩm Phano… qua đó mở rộng quy mô Point of Life, thúc đẩy quá trình chuyển đổi chuỗi giá trị tiêu dùng theo xu hướng hiện đại hóa, từ sản phẩm cho đến dịch vụ.

Để thực hiện chiến lược này, Masan đã chuyển đổi các cửa hàng WinMart+ và siêu thị WinMart thành các địa điểm trong nền tảng Point of Life, qua đó giúp doanh thu bình quân hàng tháng tính trên mỗi mét vuông của toàn hệ thống WinMart+ tăng.

Chia sẻ với phóng viên, ban lãnh đạo tập đoàn cho biết thời gian tới sẽ ưu tiên tăng tốc mở rộng mô hình trung tâm thương mại mini tại The CrownX để thúc đẩy lưu lượng khách hàng và gia tăng lợi nhuận cho các điểm bán.

Bên cạnh đó, Masan cũng đã triển khai những bước đầu tiên trong kế hoạch hợp tác 2.000-3.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống thành các đối tác nhượng quyền của Wincommerce. Đồng thời, phát triển chương trình khách hàng thân thiết và hệ thống thanh toán thông qua ví di động.

Tiềm năng từ chuyển đổi số

Để số hoá nền tảng bán hàng, Masan đã tiến hành thương vụ mua lại CTCP Mobicast – một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực mạng di động ảo, với thương hiệu Reddi. 

Doanh nghiệp này tin rằng yếu tố thay đổi cuộc chơi trong thời gian tới sẽ là cung cấp các giải pháp fintech bằng cách tận dụng cơ sở khách hàng thân thiết, trong đó mạng di động Reddi là nền tảng cốt lõi. Hiện nay, các giải pháp fintech như "mua trước trả sau" vẫn chưa đáp ứng đúng mức và đầy đủ cho đông đảo người tiêu dùng.

Ngoài ra, với quy định mới cho phép triển khai mobile money tại Việt Nam, Reddi có cơ hội mở rộng khách hàng đến nhóm người tiêu dùng chưa có tài khoản ngân hàng, hiện chiếm tỷ lệ lớn trong hơn 100 triệu dân số Việt Nam. Điều này giúp hiện thực hóa mục tiêu các sản phẩm của Masan ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong chi tiêu của người dân.

Bên cạnh mạng ảo Reddi, hồi cuối tháng 6/2021, Masan Group đã phát hành 5,5% cổ phần mới của CrownX cho nhóm các nhà đầu tư chiến lược (Alibaba và Baring Private Equity Asia) hồi cuối tháng 6/2021. 

Với sự hợp tác này, CrownX và Lazada - thuộc sở hữu Alibaba, sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm, thúc đẩy WinCommerce trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử này. 

Đồng thời, phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của WinCommerce. Công ty đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng trong tương lai.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-230-cua-hang-trong-mot-nam-giup-winmart-dat-diem-hoa-von-doanh-thu-can-moc-30900-ty-dong-2022011916204551.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/