Đòn bẩy cho sự thay đổi của TP HCM

Hạ tầng mở lối, cùng chính sách thu hút dòng vốn đầu tư đã làm thay đổi mạnh bộ mặt đô thị TP HCM từ năm 2010 tới nay.

don bay cho su thay doi cua tp hcm TP HCM nhận sai vì điều chỉnh quy hoạch chưa xin phép Thủ tướng
don bay cho su thay doi cua tp hcm Tồn kho bất động sản giảm mạnh, còn 24.000 tỷ đồng
don bay cho su thay doi cua tp hcm
Diện mạo đô thị TP HCM đang dần chuyển mình

Nhận diện đòn bẩy

Theo đánh giá của giới kiến trúc sư, bộ mặt đô thị TP HCM bắt đầu thay đổi từ đầu năm 2000, nhưng dấu ấn thay đổi mạnh mẽ nhất đến từ những năm 2010, khi những công trình lớn, cũng như những chính sách phát triển Thành phố bắt đầu được hoạch định rõ ràng.

Cụ thể, năm 2011, điểm nhấn lớn của TP HCM là đường hầm sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) chính thức đi vào vận hành. Hầm khởi công xây dựng từ năm 2004, được khánh thành tháng 11/2011 với số vốn hơn 8.101 tỷ đồng. Hầm được thiết kế gồm 6 làn xe, từ cầu Calmette chìm xuống đáy sông Sài Gòn và nối với phía Thủ Thiêm có tổng chiều dài 1.490 m.

Hầm nằm dười đáy sông, cách mặt nước 24 m, mặt cắt ngang rộng 33,3 m, cao 8,9 m, bề dày đáy và nắp 1,5 m, bề dày vách hai bên 1 m. Tốc độ xe lưu thông trong hầm đạt 60 km/giờ. Hầm có thể chịu được động đất 6 độ richter, có tuổi thọ 100 năm và là hầm hiện đại nhất Đông Nam Á.

Đặc biệt, hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án Đại lộ Đông - Tây. Bên cạnh việc giải toả áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường mới qua hầm rút ngắn thời gian từ trung tâm TP HCM về các tỉnh miền Tây lẫn miền Đông, tạo nền tảng phát huy giao thương liên tỉnh.

Tiếp đó, tuyến đường nội đô đẹp nhất TP HCM với 12 làn đường được cũng khánh thành và đưa vào hoạt động.

Tuyến đường Phạm Văn Đồng có tổng chiều dài gần 13,7 km chạy từ Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) tới Linh Xuân (quận Thủ Đức), đi qua nhiều quận, huyện của TP HCM với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD. Sau 5 năm thi công, ngày 28/9/2013, đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến ngã tư Bình Triệu dài khoảng 4,7 km đã được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, tuyến đường nội ô đẹp nhất Sài Gòn này góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho các con đường xung quanh, đặc biệt giúp người dân không còn phải khổ sở với cảnh ùn tắc tại cầu đường sắt Bình Lợi cũ nối quận Thủ Đức với quận Bình Thạnh do mặt đường lưu thông rất hẹp.

Tới tháng 2/2015, một điểm nhấn về giao thông nữa của TP HCM là đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng chính thức đưa vào hoạt động. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km, có tổng vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng.

Dự án được tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Tuyến cao tốc này đưa vào hoạt động đã mở cửa khu vực phía Đông TP HCM, người dân có thể lưu thông nhanh về Đồng Nai, Vũng Tàu hoặc Bình Thuận thuộc khu Đông Nam Bộ.

Trước đó, năm 2010, TP HCM cũng thông xe tuyến cao tốc đầu tiên của Thành phố mang tên TP HCM - Trung Lương. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 61,9 km với 4 làn xe ô tô, vận tốc thiết kế 120 km/giờ với tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng.

Dự án được đánh giá là cú huých lớn trong chiến lược phát triển kinh tế của TP HCM khi là điểm nối giữa TP HCM với các tỉnh Tây Nam bộ. Trong đó, việc đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc này đáp ứng cho khoảng 50.000 lượt ô tô qua lại mỗi ngày, thời gian từ TP HCM đi Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như trước đó.

Ngoài ra, những tuyến đường như Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ thuộc khu Đông TP HCM; tuyến đường Kinh Dương Vương, Quốc lộ 1A mở rộng, Trường Chinh, Cộng Hòa của khu Tây TP HCM; Tuyến Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt thuộc khu Nam, cũng được xây mới và đưa vào hoạt động, đã tạo đà phát triển cho TP HCM với hệ thống giao thông mới hiện đại hơn.

Không chỉ giao thông, chính sách giãn dân, cải tạo môi trường sống, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư cũng được TP HCM tiến hành. Chẳng hạn, hệ thống kênh ô nhiễm nhất TP HCM là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, năm 2012 đã được cải tạo thành công.

Từ một con kênh chết, ô nhiễm môi trường nặng nhất Thành phố, sau 10 năm cải tạo với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) là 293,94 triệu USD (tương đương 5.252 tỷ đồng) và vốn đối ứng ngân sách là 3.348 tỷ đồng, đã biến con kênh chết đen ngòm trở lại màu xanh của sự sống.

Tiếp đó, năm 2015, con kênh ô nhiễm Tân Hóa - Lò Gốm cũng chính thức được hồi sinh sau khi chính quyền TP HCM thực hiện thi công mở rộng, nắn dòng chảy, xây tường kè, đắp bờ kênh, nạo vét bùn và cải tạo rộng từ 6 - 20 m. Trên toàn tuyến, 12 cầu được xây mới, 11,5 km đường giao thông, chỉnh trang 4 khu cảnh quan với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc bộ mặt đô thị và đời sống người dân đang thay đổi nhờ vào chính sách phát triển bền vững của Chính phủ và chính quyền TP HCM. Đơn cử như chính sách phát triển Thành phố theo hình thức đa cực, giãn dân với việc đưa dân ra vùng ven, kết hợp phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh lân cận. Thêm vào đó, việc chọn khu Đông làm tâm điểm cho khu đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo để thu hút nhân tài giúp TP HCM phát triển kinh tế, giáo dục, cũng tạo động lực cho Thành phố. Ngoài ra, TP HCM cũng hứa hẹn có thêm sức bật nhờ cơ chế phát triển đặc thù để xây dựng Thành phố duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

don bay cho su thay doi cua tp hcm
Những công trình hạ tầng đang tạo điểm tựa để TP HCM phát triển thành siêu đô thị. Ảnh: Gia Huy

Với sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng, cùng chính sách thông thoáng, dài hạn, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chảy mạnh vào TP HCM khi Thành phố luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong nhiều năm qua. Riêng năm 2017, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD, cao nhất từ 2009, trong đó TP HCM chiếm 18,1% tổng vốn đăng ký, dẫn đầu cả nước.

Làn sóng khởi nghiệp cũng trở nên sôi động với việc chỉ 7 tháng đầu năm 2018, TP HCM đã có gần 21.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 248.987 tỷ đồng. Ngoài ra, có 483 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 486,53 triệu USD được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ…

Sẽ còn nhiều cú huých cho TP HCM phát triển

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, sẽ còn nhiều đòn bẩy về chính sách có tác dụng đưa TP HCM phát triển từ nay tới năm 2020, như 7 chương trình đột phá mà Thành phố đang tích cực triển khai với đích đến là năm 2020. Trong đó, chính sách giãn dân, giảm ùn tắc giao thông, chính sách cải tạo đô thị… sẽ tạo ra thêm sự phát triển mới cho TP HCM.

Thêm vào đó, việc các đô thị vệ tinh chính thức được xây dựng, hệ thống giao thông kết nối, cùng với việc phát triển đô thị thông minh, sẽ giúp TP HCM có thêm nhiều dư địa để phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, TP HCM cũng đang xây dựng thêm các khoảng không gian xanh đa chức năng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng bằng hệ thống vận tải xe buýt nhanh, tàu điện ngầm, tăng cường hệ thống tài chính đô thị, cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Đặc biệt, người đứng đầu UBND TP HCM cho rằng, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố. Nghị quyết này sẽ tạo động lực mới, giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ những điểm nghẽn, giải quyết các thách thức trong bối cảnh TP HCM đang có sự phát triển chậm lại ở một số mặt, không còn thể hiện được sự vượt trội so với cả nước.

Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho biết, TP HCM sẽ mời các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực theo chính sách thu hút mới được HĐND Thành phố thông qua để nghiên cứu, đề xuất cho Thành phố tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách mới vượt trội hơn quy định hiện nay và phù hợp với đặc thù của một số đô thị đặc biệt.

“Mặt khác, Thành phố còn tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm, hình thành hệ thống kết nối giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…

Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính giữa các cơ quan nhà nước và trong nội bộ từng cơ quan gắn với phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử phục vụ tốt nhất quá trình triển khai đô thị thông minh”, ông Phong nói.

Bên cạnh đó, ông Phong cho biết, Thành phố đang tìm mọi cách gọi vốn ngoại hỗ trợ giải những bài toán khó như tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường...

Đánh giá về những nỗ lực của TP HCM trong thời gian qua và những kỳ vọng phát triển của Thành phố trong thời gian tới thông qua những chính sách đòn bẩy, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, TP HCM đã trải qua một cuộc cách mạng kinh tế và đã có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn.

Những khó khăn này đến từ việc thiếu nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong tham gia thông qua hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP).

Trong đó, cơ chế đặc thù mà Quốc hội thông qua cho TP HCM thực hiện, Quy hoạch Vùng TP HCM mở rộng năm 2030 tầm nhìn năm 2050, cộng với các chính sách mở và nền tảng mà TP HCM đã đạt được trong thời gian qua, sẽ là đòn bẩy cho Thành phố phát triển tốt hơn trong những năm tới.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/don-bay-cho-su-thay-doi-cua-tp-hcm-80444.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/