Doanh thu tháng 2 từ thị trường Mỹ của Vĩnh Hoàn tăng 221%

Hai tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn (bao gồm cả Sa Giang) đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với tổng doanh thu đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước nhờ đà tăng của tất cả các thị trường. Trong đó, thị trường Việt Nam và Mỹ ghi nhận tăng trưởng tới ba chữ số. 

Doanh thu tại thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu (58%) với 627 tỷ đồng, tăng 221% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu sản phẩm, doanh thu từ cá tra đạt 785 tỷ đồng, tăng 160% so với tháng 2/2021. Sản phẩm khác ghi nhận mức tăng đột biến 852% lên 118 tỷ đồng. Sản phẩm phụ tăng 29%, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 18%, bánh phồng tôm tăng 87% trong khi sản phẩm giá trị gia tăng giảm 38%.

Lũy kế hai tháng đầu năm, doanh thu Vĩnh Hoàn (bao gồm cả Sa Giang) đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tháng 2 của Vĩnh Hoàn tăng 137%, thị trường Mỹ gấp 3,2 lần cùng kỳ - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh tháng 2 của Vĩnh Hoàn (bao gồm cả Sa Giang). (Nguồn: Vĩnh Hoàn, Việt hoá: H.K).

So với tháng 1, tổng doanh thu tăng lên 30% do sản phẩm cá tra tăng 61% cùng sản phẩm khác tăng 66% trong khi các sản phẩm khác ghi nhận sự giảm sút. 

Xét về thị trường, doanh thu tháng 2 tăng nhờ thị trường Mỹ tăng 89%, Trung Quốc tăng 170% so với tháng trước, bù đắp một phần bởi thị trường châu Âu (giảm 44%), Việt Nam (giảm 5%) và thị trường khác (giảm 8%).

Thời gian gần đây, giá cá tra liên tục đã liên tục leo thang trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khi nhiều hộ nghỉ nuôi do lỗ liên tục, đứt vốn.

Báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá chi phí cho các loại thủy sản đạt mức cao mới do chi phí năng lượng, thức ăn chăn nuôi, nhân công và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Và giá đầu vào tăng cao dự kiến sẽ vẫn duy trì trong ít nhất nửa đầu năm 2022.

Tại Việt Nam, việc ngăn chặn COVID-19 năm trước đồng nghĩa với việc tăng trưởng ngành chậm lại và khó khăn trong chuỗi sản xuất và cung ứng, có nghĩa là nông dân ngừng việc thả nuôi mới cho đến quý IV/2021, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt trong nửa đầu 2022.

Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng giá nguyên liệu cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 sau đó giảm dần vào nửa cuối năm 2022 sau khi nguồn cung được đáp ứng.

Giá nguyên liệu cao tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu đàm phán với khách hàng của họ ở mức giá bán cao. Do đó, các nhà xuất khẩu có thể tự cung cấp nguyên liệu sẽ là người hưởng lợi lớn nhất nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng như Nam Việt (Mã: ANV) hay Vĩnh Hoàn (Mã: VHC).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-thu-thang-2-tu-thi-truong-my-cua-vinh-hoan-tang-221-20220316081843688.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/