Doanh thu dệt may khởi sắc, triển vọng phục hồi đã sáng hơn

VITAS dự báo xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ. Và thực tế, kết quả đạt được trong những tháng đầu năm đã cho thấy những điểm sáng tích cực của ngành hàng.

Xuất khẩu tăng kéo doanh thu dệt may tăng trở lại

Ngay từ đầu năm 2021 Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã dự báo rằng xuất khẩu dệt may năm nay sẽ phục hồi tích cực trở lại bởi động lực từ nhu cầu thị trường cũng như việc các nước đưa vắc-xin vào tiêm chủng rộng rãi. 

Và thực tế 5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Việc xuất khẩu tăng trở lại đã tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may. 

Chẳng hạn Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (Mã: TNG) có doanh thu 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 1.742 tỷ đồng, tăng thêm 423 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 32% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cho biết đơn hàng đã xuống chi tiết hết đến quý II/2021 và đang triển khai nhanh hơn đơn hàng thực hiện cuối quý III, quý IV. Theo kế hoạch, TNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.798 tỷ đồng và 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, lần lượt tăng 7% và 15% so với thực hiện 2020.

Hay với CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) đã đạt doanh thu thuần 567 tỷ đồng trong quý I/2021, lợi nhuận sau thuế tăng 35% so với cùng kỳ năm trước đạt 70 tỷ đồng. Đây là mức lãi trong quý cao nhất của doanh nghiệp 10 năm trở lại.

STK đặt kế hoạch kinh doanh năm nay là 2.358 tỷ đồng và 248 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 33,5% và 72% so với thực hiện 2020. Với kết quả này, sau ba tháng đầu năm, STK đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu năm và 28% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, Mã: VTG) doanh thu quý I đạt 3.755 tỷ đồng, thực hiện được 22% chỉ tiêu năm; tương ứng lãi trước thuế 216,5 tỷ đồng; thực hiện 31% mục tiêu 2021.

Vinatex lên kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 17.365 tỷ đồng, tăng 17% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 700 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 18%. Như vậy, kết thúc quý I, Tập đoàn đã hoàn thành 21,6% kế hoạch doanh thu và gần 31% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (Mã: TCM) cũng đề ra mục tiêu doanh thu năm nay đạt 4.218 tỷ đồng, tăng 20%; lãi sau thuế 290 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm trước.

Tính đến hết tháng 4/2021, doanh thu của TCM đạt hơn 53 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020, lãi khoảng 3,4 triệu USD, gần gấp đôi cùng kỳ.

Đại diện TCM cho biết doanh nghiệp đã nhận đầy đủ đơn đặt hàng đến cuối tháng 7 và đang nhận đơn đặt hàng cho những tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, để đón đầu nhu cầu lớn, TCM cũng đôn đốc tiến trình đầu tư nhà máy Vĩnh Long, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Tương tự Tổng công ty CP May Việt Tiến (Mã: VGG), sau một năm kinh doanh suy giảm vì đại dịch thì quý I/2021 đã có cải thiện đáng kể khi doanh thuần đạt 1.453 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4%, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 5,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 20,7 tỷ đồng.

Năm 2021, VGG đặt mục tiêu tổng doanh thu 8.090 tỷ đồng, tăng 14% so với 2020; lợi nhuận trước thuế tăng 5%, đạt 180 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 18% kế hoạch doanh thu và gần 4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.

Kỳ vọng dệt may phục hồi về trước dịch

Báo cáo của CTCP chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng kết quả tăng trưởng này là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam với mức tăng 84% so với cùng kỳ, trong khi EU tăng 52% so với mức thấp vào tháng 4/2020 (sự thiếu hụt nguồn cung vải từ Trung Quốc, khiến các đơn đặt hàng bắt đầu bị hủy).

Điểm sáng của ngành dệt may trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay là hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021.

"Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28,5% trong tháng 12/2020 xuống 23,6% trong tháng 3/2021. Thị phần của Việt Nam tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ.

Nhìn vào dữ liệu lịch sử một năm từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, thị phần bị mất của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi chính", báo cáo của SSI Research nêu.

Doanh thu dệt may khởi sắc, triển vọng phục hồi đã sáng hơn - Ảnh 1.

FTAs được cho là động lực thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam. (Ảnh: STK)

Bên cạnh đó, do xác định thị trường phục hồi, cùng sự trợ lực từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, các doanh nghiệp dệt may đều đang có những chiến lược đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng các cam kết từ những FTA này.

Điển hình với STK, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra ngày 22/4, đại diện doanh nghiệp cho biết công ty vừa thông qua phương án đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex tại Tây Ninh, với chi phí đầu tư 120 triệu USD, trong đó 75 triệu USD giai đoạn I và 45 triệu USD giai đoạn II.

Dự án Unitex tập trung vào lĩnh vực sợi tái chế và sợi chất lượng cao, với tổng công suất 60.000 tấn/năm. Giai đoạn I có công suất 36.000 tấn được khởi công năm 2021, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023. Giai đoạn II với công suất 24.000 tấn được thực hiện trong năm 2023-2025.

Khi 2 giai đoạn của dự án đi vào hoạt động, STK sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ 2 tại Việt Nam, với tổng công suất 120.000 tấn/năm.

Giống như STK, TCM dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà máy Vĩnh Long 2 ngay trong năm nay, với công suất gần 9 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. 

Doanh nghiệp này cho biết việc đầu tư tăng năng lực cung ứng là tất yếu, bởi tất cả các nhà máy của TCM đều hoạt động với công suất tối đa 33 triệu sản phẩm/năm. Với dự án mới, TCM kỳ vọng sẽ giúp doanh thu mảng may mặc tăng lần lượt 22% và 27% trong năm 2022-2023.

Tương tự, trong kế hoạch đầu tư, Vinatex sẽ tiếp tục triển khai dự án đầu tư nhà máy sợi Nam Định – giai đoạn 2 tổng mức đầu tư 635 tỷ đồng, giải ngân năm 2021 dự kiến 277 tỷ đồng.

Với việc gia tăng đầu tư như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng trong tương lai gần ngành này sẽ chủ động được phần cung thiếu hụt, từ đó tận dụng tốt các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho biết ngành dệt may trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi.

"Đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. 

Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa", Bộ Công Thương cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-thu-det-may-khoi-sac-trien-vong-phuc-hoi-da-sang-hon-20210608111037661.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/