Doanh nhân bán thảo dược giải rượu lâm nguy vì câu nói 'uống rượu để say nên không cần mua thuốc giải rượu'

Sản phẩm tốt nhưng quá mới ở thị trường Việt Nam cùng tâm lí "uống rượu là để say" nên anh Nguyễn Văn Mết gặp khó khăn lớn khi thuyết phục những người hay nhậu nhẹt mua sản phẩm.

Từng là giám đốc tài chính của một công ty phân phối bia, rượu, Nguyên Văn Mết liên tục phải gặp gỡ, giao lưu với khách hàng để tạo quan hệ hoặc kí hợp đồng. Rượu là một phần tất yếu trong những cuộc gặp ấy. 

"Vì uống rượu nhiều nên sau một thời gian, trí nhớ của tôi giảm sút, cơ thể luôn mệt mỏi, dễ nổi mề đay. Khi khám sức khỏe định kì, bác sĩ kết luận men gan của tôi quá cao và đề nghị tôi ngừng uống rượu, bia ngay lập tức", anh Mết kể.

Khởi nghiệp đầy hứng khởi rồi nhận trái đắng sớm

Đúng lúc ấy, một người bạn trở về Hàn Quốc tặng Nguyễn Văn Mết mấy chai thảo dược giải rượu của tập đoàn chăm sóc sức khỏe CJ Healthcare bên Hàn Quốc để anh dùng thử. Sau khi uống, Mết thấy dễ chịu hơn. Men gan của anh giảm dần tới mức ổn định. Mỗi khi buộc phải tiếp khách, anh uống thảo dược giải rượu trước khi nhậu.

Nguyen Van Met

Anh Nguyễn Văn Mết, giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Phân phối Thực phẩm Met. Ảnh: Met Foods

Khi cơ thể khỏe mạnh hơn xưa nhờ thảo dược, Mết chợt nghĩ: Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu, bia lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, tỷ lệ đàn ông uống chất có cồn rất lớn so với nhiều nước khác. Số lượng doanh nghiệp sản xuất, phân phối rượu, bia rất lớn, nhưng người tiêu dùng hầu như không thấy doanh nghiệp bán chất giải rượu. Vì thế, Mết quyết định kinh doanh thảo dược giải rượu mà anh đang sử dụng.

Sau khi gặp tổng giám đốc tập đoàn CJ Healthcare, Mết quyết định trở thành nhà phân phối độc quyền của thảo dược giải rượu do tập đoàn sản xuất tại Việt Nam. Anh thôi việc và thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Phân phối Thực phẩm Met (Met Foods) vào năm 2014. CJ Health cam kết rằng tập đoàn sẽ chi trả 50% chi phí cho hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm ở Việt Nam nên Mết mạnh dạn đầu tư showroom, kho bãi, phương tiện vận tải. Anh cũng liên hệ với các bạn hàng ở mọi tỉnh, thành phố trên cả nước để thuyết phục họ nhập hàng.

Vì tin tưởng những đối tác lâu năm ở những tỉnh, thành phố, Mết cho họ nợ tiền hàng và chỉ thu tiền sau khi bán. Song rất nhiều đối tác không chịu trả tiền khiến anh tổn thất vài trăm triệu đồng. Không thể hi vọng vào các đối tác cũ, anh tự tuyển nhân viên kinh doanh, song đội  ngũ nhân viên kinh doanh cũng hoạt động không hiệu quả vì sản phẩm quá mới, và cũng vì một tâm lí rất "trái ngang" của dân nhậu.

"Dân nhậu thường nói: Mục đích của nhậu là để say, nên uống thuốc giải rượu là sự lãng phí", anh Mết nói.

Chẳng thể dựa vào đội ngũ bán hàng của công ty, Mết tự đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà thuốc để giới thiệu sản phẩm, song phần lớn họ từ chối hợp tác với anh.

uong bia

Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn đối với các hãng bia, rượu. Ảnh: saigoneer.com

Hơn một năm trôi qua từ khi công ty ra đời, doanh số đạt vài nghìn chai, nhưng số chai mà Mết tự bán đã chiếm tới 80% số đó.

Doanh số lẹt đẹt, hàng ế chất đầy trong kho. Đến giữa năm 2016, số tiền đầu tư ban đầu đã lên tới gần 20 tỉ đồng. Nợ nần chồng chất, còn CJ Health có vẻ mất kiên nhẫn và có ý định cắt hợp đồng phân phối độc quyền với Mết.

"Tôi rơi vào tâm trạng cùng cực. Kinh doanh bết bát, gia đình lục đục vì tôi không thể dành nhiều thời gian cho vợ, con. Ý tưởng bỏ trốn để thoát nợ hay thậm chí tự tử từng nảy ra trong đầu tôi", anh nói.

Giải pháp của các nhà điều hành doanh nghiệp

Bà Vũ Thị Mai, giám đốc Công ty Đồ gỗ mĩ nghệ Hướng Mai, nhận định Met Foods cần tận dụng những kênh truyền thông hiệu quả nhất, chẳng hạn như đài truyền hình VTV1, để tiếp cận hàng chục triệu người trong thời gian ngắn và quảng bá sản phẩm.

Song ông Nguyễn Ngọc Thắng, giám đốc công ty Thiết bị nội thất Minh Phương, lại nghĩ Met Foods không thể quảng bá sản phẩm trên những kênh truyền thông hàng đầu bởi tình hình tài chính của công ty đang trong tình trạng thê thảm.

"Quan điểm của tôi là giám đốc Mết phải hướng vào phụ nữ để truyền thông sản phẩm, vì phụ nữ luôn lo lắng cho sức khỏe của chồng", ông Thắng nói.

Bùi Quang Cường, giám đốc công ty Phát triển Giải pháp Doanh nghiệp iViet, cũng nghĩ rằng anh Mết phải tăng cường truyền thông để người tiêu dùng cuối cùng nhận thức rằng họ nên uống chất giải rượu để bảo vệ sức khỏe bản thân.

"Anh Mết đã sử dụng những công cụ truyền thông đẩy để có thể đưa sản phẩm vào các cửa hàng, hiệu thuốc, siêu thị. Nhưng anh ấy lại chưa sử dụng những kênh truyền thông kéo để tạo ra nhu cầu của người sử dụng. Vì thế, hàng tồn đọng ở các cơ sở phân phối vì người tiêu dùng chưa biết tới sản phẩm", anh Cường lập luận.

Giám đốc điều hành hệ thống Anh ngữ Interlink, anh Vũ Duy Hiển, nhận định anh Mết đã bỏ qua một công cụ rất quan trọng là mạng xã hội.

"Với quảng cáo trên Facebook, người bán có thể hướng tới những khách hàng mục tiêu với những tiêu chí rất cụ thể như độ tuổi, khu vực sống", anh Hiển nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nhan-ban-thao-duoc-giai-ruou-lam-nguy-vi-cau-noi-uong-ruou-de-say-nen-khong-can-mua-thuoc-giai-ruou-20190630083300707.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/