Doanh nghiệp Việt không nên phung phí cơ hội trong thị trường in ấn, bao bì

Doanh nghiệp bao bì, in ấn đang đứng trước những áp lực về vốn, nguồn cung nguyên liệu để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Muốn đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường với số lượng lớn, thời gian ngắn, doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư dài hạn.

Ngành hấp dẫn nhưng mức cạnh tranh cao

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bao bì, in ấn Việt Nam khá hấp dẫn hiện nay. Cơ hội phát triển của ngành còn rất lớn trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất thế giới muốn đầu tư xưởng ở Việt Nam vì có những lợi thế về thị trường và nguồn nhân lực cạnh tranh.

Theo thống kê của Hiệp hội In Việt Nam, hiện TP HCM vẫn là trung tâm in lớn nhất cả nước với xấp xỉ 1.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 60% doanh thu và sản lượng trang in toàn ngành.

Lĩnh vực in nhãn hàng, bao bì là thế mạnh của TP HCM với hàng chục công ty in bao bì lớn có doanh số từ 200 tỉ đến 1.600 tỉ đồng/năm và hơn 500 công ty bao bì tư nhân có sản lượng thấp nhưng hoạt động cũng khá năng động. 

Xấp xỉ 70% nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nhiều năm vẫn hướng về công nghiệp chế biến chế tạo. Thực tế ấy khiến nhu cầu sử dụng bao bì và in ấn trong nước sẽ tiếp tục tăng.

Mặt khác, sự phát triển của bán lẻ, thương mại điện tử cũng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bởi trước khi sản phẩm đến với khách hàng, dù gần hay xa, to hay nhỏ đều được đóng gói, bảo quản kĩ càng, đảm bảo hàng hóa nguyên vẹn.

c9ea82eaad874bd91296

Công nghệ in ấn bao bì, đóng gói ngày càng trở nên tiên tiến, với mức tự động hóa cao. Ảnh: Huỳnh Như

Trong khi đó, yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, đòi hỏi bao bì không chỉ tiện lợi mà còn phải an toàn, thân thiện môi trường và thông minh. Do đó, thay đổi bao bì, cải tiến qui cách đóng gói là những cuộc đua không hồi kết và là sự sáng tạo không ngừng của các doanh nghiệp.

Mức độ cạnh tranh trong ngành cũng rất cao giữa các doanh nghiệp trong nước và với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nhiều loại bao bì cao cấp phục vụ cho các tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như P&G, Unilever đang chịu sự chi phối mạnh của doanh nghiệp FDI.

Xu hướng này càng rõ rệt trong những năm gần đây, với việc các doanh nghiệp FDI công nghiệp hỗ trợ (bao gồm ngành in) có xu hướng theo các công ty lớn đầu tư vào Việt Nam, đáp ứng chuỗi cung ứng. 

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung và những lợi thế về chính sách do Việt Nam gia nhập vào các FTA khiến làn sóng này càng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cũng đang dần mở rộng thị trường, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu trong nước.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội In TP HCM, cho biết, mỗi năm Mỹ xuất khẩu 6,1 tỉ USD và nhập khẩu 5,6 tỉ USD sản phẩm in ấn. 

Mỹ chủ trương nhập khẩu sản phẩm liên quan tới những lĩnh vực in có lợi nhuận thấp và sử dụng nhiều lao động. Trong 15 nước mà Mỹ nhập khẩu hàng in thì Trung Quốc chiếm tỉ trọng 47%. 

Trong khi đó, các nhà in Trung Quốc đã sang Việt Nam từ trước khi cuộc chiến thương mại xảy ra. Họ ra đi để tìm chính sách ưu đãi về thuế và nhân công giá rẻ của Việt Nam. 

Phần lớn nhà in Trung Quốc sẽ mở công ty tại các tỉnh phía Bắc để gần cảng Hải Phòng. Các khu vực mà họ hướng tới ở phía Nam là khu công nghiệp ở Tây Ninh, Bình Dương.

Xu hướng chất lượng, tốc độ, trình độ tự động hoá cao là những yếu tố cần thay đổi

Phó Chủ tịch Hiệp hội In TP HCM nhấn mạnh, bao bì, nhãn mác và đóng gói có vai trò rất quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. 

Do đó, việc cập nhật công nghệ hiện đại cũng như xu hướng sử dụng vật liệu nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng luôn đặt ra với doanh nghiệp hoạt động trong ngành.

"Nếu dừng lại ở công nghệ cũ, năng suất thấp, chất lượng không đáp ứng thì thị trường in cao cấp tại Việt nam hoàn toàn là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhu cầu đầu tư thì cần, dừng đầu tư thì doanh nghiệp tụt hậu. Những doanh nghiệp có vốn nên duy trì tiến độ đầu tư cùng với việc nâng cao chất lượng quản lí doanh nghiệp", ông Tuấn Anh nói.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt buộc phải có cách nhìn nhận mới, phải đặc biệt tập trung đầu tư công nghệ mới, hoàn chỉnh, triển khai công nghệ một cách có hiệu quả, hợp lí để từ đó tiết kiệm chi phí, năng lượng, đồng thời an toàn cho môi trường. 

Đặc biệt, đối với ngành in ấn, quản lí lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm và xử lí rác thải cũng là một điều kiện cần thiết khi doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

308-73

Nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại ngày càng tăng theo thị hiếu của người tiêu dùng. Ảnh: Huỳnh Như

Bên cạnh đó, về vấn đề đầu tư công nghệ, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn lần thứ 19 (VietnamPrintPack) diễn ra từ ngày 16 đến 19/10 tại TP HCM được xem là nơi hội tụ của các doanh nghiệp và công nghệ đầu ngành, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nhà cung cấp và đối tác trong toàn bộ chuỗi dây chuyền cung ứng.

Với trên 600 gian hàng của hơn 375 đơn vị từ 10 quốc gia và khu vực, triển lãm sẽ trưng bày hàng loạt sản phẩm, công nghệ và giải pháp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp in ấn và bao bì như máy cán, máy dán giấy, máy in nhãn, máy làm hộp, máy sản xuất bìa cứng, máy đóng sách, máy in offset, máy dập nổi và nhiều sản phẩm khác.

Ngoài ra, với vấn đề nguồn vốn đầu tư, TS Bùi Doãn Nề cho rằng, đối với các doanh nghiệp in qui mô vừa và nhỏ cần xem xét lại thị trường, rà xét hạng mục đầu tư, nên đầu tư theo hướng chuyên môn hoá.

Trong lúc khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng trên 20% thì đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp sẽ khó khăn và khó thu hồi vốn. Bài toán các doanh nghiệp đang áp dụng là co cụm, rà soát chi phí, tăng cường đào tạo nội bộ, giữ vững thị trường truyền thống nhằm giảm bớt sức ép trong cán cân thanh toán.

Đồng thời tăng cường liên kết trong Hiệp hội in, giảm cạnh tranh bằng phá giá công in, giảm nợ khó đòi. Khắc phục bài toán đầu tư giai đoạn này, liên doanh liên kết và chuyên môn hoá là hướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp và khai thác triệt để lợi thế của mỗi doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội In TP HCM cũng gợi ý các doanh nghiệp ngành in cần tăng cường hơn nữa quảng bá hình ảnh và thương hiệu ra thị trường thế giới.

Tìm hiểu "luật chơi" quốc tế một cách kĩ lưỡng, từng bước đưa các thiết lập chuẩn mực vào sản xuất, phát triển, nghiên cứu sản phẩm cũng như chuẩn hoá qui trình sản xuất, phấn đấu được đánh giá công nhận đạt chuẩn của các tổ chức chứng nhận quốc tế có uy tín…

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-viet-khong-nen-phung-phi-co-hoi-trong-thi-truong-in-an-bao-bi-20191008113854037.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/