Doanh nghiệp trái cây như 'ngồi trên đống lửa' vì tắc biên và cảng biển

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc tắc đường, doanh nghiệp phải cho container quay đầu xả hàng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản có thể kéo dài đến sau Tết vì thị trường chưa mở cửa, cung vượt cầu.

Hàng nghìn container ùn ứ, doanh nghiệp lỗ nặng

Gần một tháng qua, những đoàn xe container ùn ứ ngày càng dài ngày trên đường quốc lộ, các bãi trung chuyển tại cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Tính đến ngày 27/12, khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn ùn ứ trên 4.000 phương tiện chở hàng xuất khẩu. Trong đó, phần lớn là hàng trái cây có thời gian sử dụng ngắn ngày, dễ dư hỏng như thanh long, mít, dưa hấu, xoài…

Chỉ có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Chi Ma vẫn đang thực hiện thông quan nhưng số xe được xuất là rất ít, khoảng 80-100 xe/ngày. Trong khi, cửa khẩu Tân Thanh, nơi tập trung hàng trái cây xuất khẩu vẫn "im hơi lặng tiếng", gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.

Thời gian thông quan kéo dài lên tới 20-30 ngày/chuyến thay vì 3-4 ngày như trước đây khiến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí phát sinh với xe lạnh chở nông sản, mất "cả chì lẫn chài" với xe nóng.

Trao đổi với người viết, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết: "Phần lớn hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc của chúng tôi đi theo đường biển. Song, cuối năm đường biển cũng tắc, thời gian vận chuyển kéo dài không kịp giao cho khách hàng.

Do đó, một số đơn hàng cần giao gấp, chúng tôi chuyển sang đi đường cửa khẩu. Nhưng, tắc vẫn hoàn tắc, đã muộn lại còn muộn hơn", ông Hiệp nói.

Muộn nhưng ông Hiệp vẫn cảm thấy may mắn vì phần lớn container thanh long đưa lên cửa khẩu của doanh nghiệp đều "thoát nạn", đã đến lượt thông quan sang nước bạn.

Số còn lại phải đưa về Hà Nội tiêu thụ tại các chợ đầu mối vì cho dù có xếp hàng chờ đợi cũng không kịp thông quan.

Trái cây 'xuất ngoại' tìm về thị trường nội địa, chờ hỗ trợ tiêu thụ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp không thu mua, nông dân lo lắng thanh long không có đầu ra, giá giảm mạnh. (Ảnh minh họa: VTV)

Ông Hiệp cho biết riêng giá vốn thanh long trắng mua ở tại vườn đã 17.000 – 18.000 đồng/kg nhưng đến lúc xả hàng chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg; giá thanh long đỏ mua vào 25.000 – 30.000 đồng/kg nhưng bán ra chưa được một nửa.

Những trái thanh long thuộc dòng "xuất ngoại", được dán tem truy xuất nguồn gốc nay lại phải xả hàng ở chợ, lề đường với giá rẻ như cho.

Phần tiền thu lại từ việc bán tháo trái cây không thể bù đắp cho chi phí xăng dầu, vận chuyển, trả công cho tài xế… Con số thiệt hại kinh tế của Hoàng Hậu khá lớn và chưa thể thống kê chính xác.

"Sự cố này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp trong khi sản lượng thanh long cho dịp Tết Nguyên đán còn khá nhiều, thời gian bảo quản tối đa 30 – 40 ngày.

Chúng tôi mong Chính phủ có thể hỗ trợ tiêu thụ, kết nối thị trường và làm những gì tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân", ông Hiệp nói.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sẽ càng điêu đứng khi phía Trung Quốc thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam trong 4 tuần do bị phát hiện có virus SAR-CoV-2, theo báo Thanh niên.

Trước sự cố tắc nghẽn cửa khẩu, Trung Quốc liên tục kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì bọc quả và thùng carton, gây khó khăn cho việc xuất khẩu mặt hàng này.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết 11 tháng năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc còn theo chiến lược "Zero COVID", đà tăng trưởng của ngành hàng này sẽ bị đe dọa bởi vận tải hàng hóa ở cả cảng biển và cửa khẩu đều gián đoạn, thời gian thông quan dài.

Cùng với những rào cản về kỹ thuật, thuế quan, xuất khẩu rau quả của của Việt Nam sang thị trường này sẽ khó khăn cho đến quý I/2022.

Ông Hiệp lo lắng: "Năm 2022 sẽ thật ảm đạm khi xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, thị trường chiếm 30-40% lượng hàng của Hoàng Hậu gặp nhiều bất lợi. Còn các thị trường khác như châu Âu, Mỹ… cũng khó khăn không kém vì giá cước, thời gian vận chuyển cao đều tăng.

Nông dân hết tiền, doanh nghiệp hết vốn trong khi giá vật tư, phân bón tăng phi mã, giá nông sản giảm 50%. Cứ đà này, tỷ lệ người dân bỏ nông nghiệp rất cao".

Trái cây 'xuất ngoại' tìm về thị trường nội địa, chờ hỗ trợ tiêu thụ - Ảnh 2.

Nhiều điểm hỗ trợ nông sản tự phát ở Hà Nội. (Ảnh: Vietnamnet)

Chia sẻ với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết đầu mối Trung Quốc thông tin cửa khẩu có thể đóng cửa vào ngày 25/1.

Trường hợp, những xe hàng không kịp thông quan buộc phải quay đầu, đưa về tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

"Chỉ riêng tiền hàng, thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có thể lên đến 2.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển trung bình 100 triệu đồng/xe", ông Nguyên nói.

Vị này cũng cảnh báo xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khó ít nhất trong 3-6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022 vì các thuỷ thủ, nhân viên hải quan Trung Quốc sẽ về quê nghỉ Tết, cửa khẩu sẽ tạm nghỉ cho đến khi người lao động hết cách ly và quay trở lại làm việc.

Trái cây rớt giá, nông dân cần hỗ trợ tiêu thụ

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc tắc đường, doanh nghiệp dừng thu mua, nông dân vùng ĐBSCL lo "sốt vó" vì hàng nghìn tấn nông sản chưa có đầu ra.

Chia sẻ với người viết, bà Ngô Tường Vy, Phó TGĐ Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu cho biết doanh nghiệp không có xe hàng nào đang ùn ứ ở cửa khẩu. Tuy nhiên, việc tắc cửa khẩu cũng khiến sức mua giảm, khách hàng ngừng hoặc tạm hoãn các đơn đặt hàng.

"Điều tôi lo nhất là doanh nghiệp không thể mua được hàng cho nông dân trong khi các mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều tập trung vào vụ Tết.

Lượng lớn trái cây sẽ dồn về thị trường nội địa, cung vượt quá cầu khiến giá mít, thanh long, dưa hấu… sẽ rớt mạnh", bà Vy nói.

Hiện, giá các loại trái như thanh long, mít, dưa hấu… giảm giá 20 - 30%. Chia sẻ với báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chủ vườn trái cây ở Tiền Giang cho biết giá mít giảm mạnh, có thời điểm giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Thanh long ruột trắng hiện giảm khoảng 8.000 đồng/kg, ruột đỏ khoảng 15.000 đồng/kg.

Đại diện Vinafruit cho rằng nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh giúp giải phóng một phần hàng hóa song đối với các mặt hàng có sản lượng lớn, khó chế biến như mít, thanh long, dưa hấu không tránh khỏi việc rớt giá.

"Khó khăn nhất sẽ là thời điểm sau Tết vì hàng hóa vẫn chưa thể xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ nội địa trở lại mức bình thường trong khi cung vượt quá cầu.

Do đó, các bộ ngành và người tiêu dùng cần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản vào thời điểm này", ông Nguyên nói.

Trước cảnh nông sản được mùa mất giá, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao không chế biến sâu hay xuất khẩu thị trường khác?

Phản hồi về điều này, ông Nguyên cho biết doanh nghiệp muốn đưa vào bảo quản lạnh, chế biến cần đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đó là chiến lược của của doanh nghiệp, không phải chuyện ngày một ngày hai.

Bên cạnh đó, mỗi thị trường xuất khẩu lại có tiêu chuẩn chất lượng riêng. Do đó, doanh nghiệp không thể đem trái cây theo tiêu chuẩn Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản.

Đại diện Vinafruit khuyến cáo doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin với chủ hàng Trung Quốc để chuẩn bị và điều tiết hàng hóa. Ngoài ra, nông dân không nên tăng diện tích, sản lượng vào giai đoạn này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-trai-cay-nhu-ngoi-tren-dong-lua-vi-tac-bien-va-cang-bien-20211229223354181.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/