Doanh nghiệp ô tô trở lại đường đua

Giới phân tích cho rằng năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam có thể tiếp tục phục hồi. Nhận định này đưa ra dựa trên cơ sở sau quý III/2021 ảm đạm, ngành ô tô đang trở lại đường đua tăng trưởng với doanh số bán hàng hàng tháng liên tục đi lên.

Doanh nghiệp ô tô trở lại đường đua - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy VinFast. (Ảnh: VinFast).

Động lực từ chính sách

Các chuyên gia cho rằng, chính sách ưu đãi từ Chính phủ là động lực chính cho sự phục hồi của ngành xe hơi vào năm 2022. Vào ngày 15/10/2021, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để giảm thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo dự thảo, thuế trước bạ ô tô sẽ giảm 50% từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng năm 2020, thời điểm chưa thực hiện giảm lệ phí trước bạ, lượng xe bán ra chỉ đạt khoảng 107.183 chiếc. 

Tuy nhiên, sau khi áp dụng giảm lệ phí trước bạ, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường 6 tháng cuối năm 2020 đạt 189.451 chiếc, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Các chuyên gia từ CTCP Chứng khoán VNDirect kỳ vọng chính sách ưu đãi của Chính phủ sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của ngành ô tô vào năm 2022.

Trước đó, dịch COVID-19 "phủ bóng đen" lên thu nhập của các công ty niêm yết xe hơi trong quý III/2021. Các công ty ô tô niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 nhờ các nhà sản xuất ô tô tung ra nhiều mẫu xe và bản nâng cấp mới và thực hiện nhiều chính sách khuyến mại để thu hút nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của các công ty trong quý III/2021 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Sự bùng phát của dịch COVID-19 trong quý III/2021 khiến nhiều tỉnh và thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. VAMA ước tính có hơn 200 đại lý ô tô thuộc các thành viên VAMA đã đóng cửa trong tháng 8 và tháng 9/2021. 

Tuy nhiên, ngoại trừ CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh - Haxaco (mã: HAX), lợi nhuận ròng của các công ty ô tô niêm yết vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2021 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021.

Theo giới phân tích, thị trường ô tô Việt Nam có thể tiếp tục phục hồi trong năm 2022. VAMA cho biết trong tháng 10/2021, toàn thị trường có 29.797 xe được bán ra, tăng 120% so với tháng 9/2021; trong đó, xe du lịch đạt 19.865 chiếc, tăng 138%.

Tháng 11/2021 tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc của thị trường ô tô trong nước khi hầu hết các mẫu xe đều có doanh số tăng trưởng cao so với tháng trước đó.

Theo báo cáo của VAMA, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 11 đạt 38.656 xe, bao gồm 27.764 xe du lịch; 10.280 xe thương mại và 612 xe chuyên dụng; trong đó, doanh số xe du lịch tăng tới 40% so với tháng 10.

Crossover và SUV lên ngôi

Dòng xe cao cấp 5 chỗ hoặc 7 chỗ (Crossover/SUV) đang trở thành xu hướng mới khi được khách hàng lựa chọn thay thế cho dòng xe sedan (loại xe với khung gầm liền khối, 4 cửa, có 4 chỗ hoặc hơn và quan trọng nhất là có vùng cốp xe chứa đồ tách rời với khoang hành khách) bởi sự năng động, tiện nghi, đa dụng cho việc di chuyển trong nội thành cũng như ngoại thành.

Theo các nhà sản xuất xe hơi Mỹ, doanh số bán xe Crossover/SUV tại Đông Nam Á tăng hơn 7% mỗi năm, trong khi doanh số xe sedan giảm 4% kể từ năm 2011.

Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, sự gia tăng nhu cầu về Crossover/SUV đến từ tính linh hoạt của dòng xe này. Crossover/SUV có thiết kế và cấu trúc thân xe tải và khoảng gầm cao, động cơ mạnh mẽ cho khả năng đa địa hình, nội thất rộng rãi cho 5-7 người bao gồm cả hành lý.

Trong khi đó, xe điện (EV) sẽ trở thành phương tiện phổ biến trong tương lai không xa. Nhiều quốc gia đã đề ra kế hoạch chấm dứt xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, Anh và Nhật Bản đã công bố kế hoạch cấm bán xe chạy xăng và dầu diesel vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với đề xuất trước đó. Trong khi Thái Lan cũng miễn thuế cho một số nhà sản xuất xe điện và pin và đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 Đông Nam Á vào năm 2030.

IHS Markit - công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) dự báo doanh số EV toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 56,3% so với năm 2021, đạt tăng trưởng doanh thu kép 51,6% trong giai đoạn 2015-2022.

Hơn nữa ngày 24/3/2021, VinFast đã chính thức công bố nhận đơn đặt hàng mẫu xe điện đầu tiên mang tên VF e34 với mức giá 690 triệu đồng. Về chi phí vận hành, người dùng VF e34 phải trả phí pin hàng tháng với mức phí 1,45 triệu đồng/tháng cho quãng đường tối đa 1.400 km.

Chi phí vận hành của VFe34 (bao gồm cả cho thuê pin và sạc) tương đương với chi phí tiêu thụ của xe chạy bằng xăng trong cùng phân khúc (7,8 lít/100km), trong khi giá cả và tính năng vượt trội hơn so với xe chạy xăng.

Các chuyên gia cho rằng, xe điện của Vinfast sẽ tạo ra một xu hướng mới cho thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2022-2023 khi các mẫu EV khác dự kiến sẽ ra mắt tại thị trường Việt Nam ở nửa đầu năm 2022 như Kia EV6, Mercedes Benz EQB, Mercedes Benz EQE, Mercedes Benz EQS.

Tuy vậy, giới phân tích cũng chỉ ra những rủi ro, đó là sự bùng phát của dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các công ty ô tô niêm yết. Thực tế, do ảnh hưởng dịch COVID, Haxaco báo lỗ ròng kỷ lục trong quý III/2021, lên tới hơn 33 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm 2020, doanh nghiệp lãi tới hơn 51 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 2 Haxaco báo lỗ quý trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, trước đó quý II/2017 đã ghi nhận khoản lỗ theo quý đầu tiên của Haxaco là hơn 7 tỷ đồng. Dù vậy, thời gian tới, giới phân tích cho rằng, Haxaco sẽ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi từ Chính phủ khi hầu hết các mẫu xe của doanh nghiệp này đều được lắp ráp tại Việt Nam.

Với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (mã: VEA), quý III/2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VEAM giảm 52% xuống còn 750 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 1.575 tỷ đồng. 

Nguyên nhân lợi nhuận giảm được ban lãnh đạo công ty lý giải là do lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ sở hữu của VEAM tại công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh tương ứng 51% tức 717 tỷ đồng.

Thực tế, tăng trưởng lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ sự đóng góp của các công ty liên doanh, liên kết. VEAM hiện góp vốn liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu tại Việt Nam là Toyota Vietnam, Honda Vietnam và gián tiếp nắm cổ phần tại Ford Vietnam.

Dù vậy, VNDirect cho rằng, Toyota Cross và Toyota Raize là những động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của VEAM trong năm 2022, nhờ vào xu hướng sử dụng ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với CUV và xe điện hybrid.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-o-to-tro-lai-duong-dua-20220118082340739.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/