Doanh nghiệp ngại ký hợp đồng xuất hàng vì cước vận chuyển tăng chóng mặt

Theo các doanh nghiệp khi cước vận chuyển tăng cao việc đàm phán hợp đồng mới gặp khó vì chi phí bị đội lên cao, đối tác từ các nước cũng khó chấp nhận mua hàng.

Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết vừa qua đơn vị nhận được phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình trạng các hãng tàu vận tải biển container tăng giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển container rất cao...

Theo Báo Chính phủ đưa tin, từ tháng 11/2020, hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước từ 2 - 10 lần (tùy theo chặng).

Trong đó, cước thuê container đi Anh tháng 10/2020 là 1.420 USD/container 20 feet, đến tháng 11/2020 tăng lên 5.420 USD/container 20 feet. Con số này tiếp tục tăng đạt mức 7.200 USD vào tháng 12/2020.

Cước thuê container từ Thái Lan về Việt Nam trước tháng 10/2020 là 60 USD/container thì đến tháng 11/2020 đã tăng lên 600 USD/container. 

Trong khi đó, cước thuê container từ Việt Nam đi Los Angeles (Mỹ) trước tháng 10/2020 mới chỉ khoảng 700 - 1.000 USD/container, đến tháng 11 đã tăng lên 5.000 USD/container…

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết các đơn hàng những tháng đầu năm 2021 tương đối nhiều nhưng vì giá gạo đang tăng cùng với cước phí vọt cao khiến doanh nghiệp khá dè dặt trong việc ký kết hợp đồng với đối tác.

"Không dám ký vì lượng gạo cuối vụ ít trong khi cước vận tải rất cao. Hiện Trung An đang có 10 container đang yêu cầu cấp công, lịch đóng hàng đã có nhưng hãng tàu vẫn chưa cấp nên hầu như các doanh nghiệp, không riêng Trung An đều bị ứ đọng hàng khiến doanh nghiệp không dám ký hợp đồng", đại diện Trung An chia sẻ.

Phân tích cụ thể hơn, ông Bình cho biết trước đây cước phí vận chuyển chỉ khoảng 2.000 USD/container nhưng hiện lên 4.000 USD, có khi lên 6.000 USD/container, tăng gấp 2-3 lần.

"Nếu tình trạng này còn kéo dài, đà thuận lợi của năm 2021 sẽ bị cản trở vì thực tế nhu cầu mua của khách hàng vẫn đang mua nhưng mình lại không đi hàng được, thậm chí khi cước tăng cao người mua họ sẽ không chấp nhận được.

Đơn cử như khách hàng châu Âu đang có nhiều đơn hàng nhưng hai bên vẫn đang đàm phán với nhau vì cước phí tăng lên hàng nghìn USD như vậy khiến họ dừng lại, không mua nữa", ông Phạm Thái Bình cho hay.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, tình hình cước vận tải hiện nay đang khiến cho mặt hàng gạo đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên cao khiến nhiều đối tác không muốn mua.

Ông Nam cho biết các đơn hàng của Intinmex cũng đang gặp vấn đề ở khâu vận chuyển vì giá cước tăng khiến hàng hóa bị delay (trì hoãn), dồn ứ tại cảng. Và việc giá cước vận tải tăng phi mã là tình hình chung trên toàn cầu do các hãng tàu đang lỗ nặng buộc phải tăng giá hoặc cắt giảm số tàu hoạt động trên các tuyến.

Không chỉ doanh nghiệp gạo đang than thở mà với ngành thủy sản cũng đang chung cảnh ngộ. Theo báo Tiền Phong, tại buổi lễ xuất khẩu lô tôm đầu tiên năm 2021 chiều ngày 5/1, ngay cả "vua tôm" Minh Phú cũng phải "đau đầu" vì giá cước tăng chót vót.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Cty Minh Phú, cho biết đối với container loại 20 feet, giá cước từ Việt Nam đi thị trường châu Âu vào thời điểm tháng 6/2020 là 1.200 - 1.500 USD/container nhưng hiện đã tăng lên 7.000-8.000 USD/container. 

Còn container loại 40 feet tăng từ 1.500 - 1.800 USD/container lên 8.000 - 10.000 USD/container.

Doanh nghiệp ngại ký hợp đồng xuất hàng vì cước vận chuyển tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Cước phí vận chuyển hàng hóa tăng cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong xuất khẩu. (Ảnh minh họa).

Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng can thiệp và có biện pháp hỗ trợ, tác động để giảm giá cước.

Đồng thời, có thể bổ sung thêm hãng tàu, nếu các tàu hiện vẫn cứ tiếp tục giữ mức giá như hiện tại, vì việc giá cước tàu biển tăng đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và các ngành hàng khác nói chung.

Trước thực trạng này, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hãng tàu vận tải biển container hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 146/2016/NĐ-CP. 

Cung cấp thông tin về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển gửi về Cục Hàng hải Việt Nam.

Bên cạnh việc công khai, minh bạch giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, các hãng tàu cũng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tại của thị trường trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các hãng tàu có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm việc tăng giá vận chuyển container, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay.

"Sẽ phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các hàng tàu và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo đúng quy định pháp luật", Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-ngai-ky-hop-dong-xuat-hang-vi-cuoc-van-chuyen-tang-chong-mat-20210106115708716.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/