Doanh nghiệp kín tiếng duy nhất được sản xuất pháo hoa tại Việt Nam

Tại Việt Nam, do đặc thù quản lí súng đạn, chất gây nổ nên đến nay chỉ duy nhất một doanh nghiệp được Chính phủ cấp phép sản xuất pháo hoa.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về "Quản lí, sử dụng pháo", có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, qui định các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ như: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc khánh, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ…

Đáng chú ý, điểm mới của Nghị định 137/2020/NĐ-CP qui định "cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, khai trương,…"

Điểm mới này đã sáng cửa cho thị trường sản xuất, kinh doanh pháo hoa trong nước phát triển. 

Tuy nhiên, theo qui định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 137, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Điều đó có nghĩa là, ngoài tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp tư nhân hiện nay chưa được phép kinh doanh pháo hoa.

Doanh nghiệp duy nhất được phép sản xuất pháo hoa

Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hoá chất 21 (nhà máy Z121) thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là đơn vị duy nhất được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao sản xuất, cung ứng pháo hoa nổ, pháo hoa phục vụ cho các trường hợp được phép bắn pháo hoa nổ.

Hoá chất 21 hiện nay là doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp thuốc nổ, phụ kiện nổ phục vụ ngành công nghiệp khai thác và xây dựng.

Đồng thời cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất pháo hoa, hỏa thuật phục vụ các dịp lễ hội trên cả nước và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào…

Doanh nghiệp kín tiếng duy nhất được sản xuất pháo hoa tại Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân trong một dây chuyền sản xuất pháo tại Nhà máy Z21. (Ảnh: Z121).

Tiền thân Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 là Nhà máy Z21 được ra đời vào ngày 7/9/1966 trong lúc cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất.

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Nhà máy tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ nền kinh tế quốc dân, với các mặt hàng chính là Kíp nổ đốt, Kíp nổ điện phục vụ công nghiệp khai thác mỏ, xây dựng, giao thông vận tải.

Năm 1996, Nhà máy hoá chất 21 mở rộng dây chuyền sản xuất, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất kíp nổ vi sai điện và kíp nổ vi sai phi điện.

Năm 1997, Hoá chất 21 bắt đầu xây dựng dây chuyền sản xuất pháo hoa qui mô lớn. Sản phẩm pháo hoa của doanh nghiệp ngoài phục vụ nhu cầu trong nước còn được xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản và Mỹ.

Năm 2001, doanh nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất thành công pháo hoa tầm thấp. 

Năm 2015, Hoá chất 21 đã hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất pháo hoa và kho chứa vật tư quốc phòng hiện đại, đáp ứng sản xuất pháo hoa cung cấp cho trị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, Hoá chất 21 đang sở hữu hơn 100 nhà xưởng lớn nhỏ, trong đó có khoảng 60 nhà sản xuất pháo hoa. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, mỗi nhà xưởng đều xây cách xa nhau và nằm tách biệt sau những ụ đồi được phủ kín bởi loại cỏ đặc biệt nhập khẩu từ Nhật Bản.

Sau hơn 50 năm thành lập và phát triển, Nhà máy hoá chất 21 đã hai lần đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kì đổi mới.

Nền công nghiệp sản xuất pháo hoa tỉ đô

Theo Forbes, năm 2019, tổng doanh thu xuất khẩu pháo hoa trên toàn thế giới đạt 994,2 triệu USD. 

Trong đó, các quốc gia châu Á có giá trị xuất khẩu pháo hoa cao nhất thế giới, với các lô hàng trị giá 819,6 triệu USD, chiếm 82,4% tổng lượng pháo hoa tiêu thụ trên toàn cầu.

Đứng ở vị trí thứ hai là các nhà xuất khẩu châu Âu với 14,5%.

Các quốc gia xuất khẩu pháo hoa lớn nhất trên thế giới có thể kể đến như Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu đạt 799 triệu USD; Hà Lan 60,7 triệu USD; Brazil 22,9 triệu USD; Đức 16,6 triệu USD và Ba Lan là 14,5 triệu USD.

Tại Việt Nam, kể từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.

Chỉ thị nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam.

Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu và tiêu huỷ và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, cho đến nay, Hoá chất 21 là công ty đầu tiên và duy nhất độc quyền được phép sản xuất, kinh doanh và phân phối pháo hoa tại thị trường Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-kin-tieng-duy-nhat-duoc-san-xuat-phao-hoa-tai-viet-nam-20201204151626558.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/