'Doanh nghiệp bị phạt nếu lợi nhuận quí IV tăng mạnh là bất hợp lí'

Điểm mới ở Nghị định 126 qui định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quí đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế phải nộp theo quyết toán năm và nếu nộp thiếu sẽ bị tính lãi chậm nộp đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều và bị coi là "bất hợp lí".

Ngày 5/12 tới đây, Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lí thuế chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên ngay trước thềm nghị định được thực thi thì một số qui định lại gây tranh cãi. 

Theo khoản 6, Điều 8 Nghị định 126 qui định: “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quí đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quí đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý III đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”. 

Ví dụ: Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế tương ứng trong bảng dưới đây (thuế suất 20%)

Đvt: tỉ đồng
Quí I110
Quí III110
Quí III130
Quí IV220
Số thuế tạm nộp ba quí đầu năm = (110+110+130) x 20%70
Số thuế TNDN cả năm (110+110+130+220) x 20%114

Nếu quí IV thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đột biến lên 220 tỉ đồng thì số thuế phải nộp cả năm là 114 tỉ đồng. Số thuế TNDN tạm nộp 3 quí đầu năm là 70 tỉ đồng và chỉ bằng 61% tổng số thuế TNDN phải nộp theo năm. 

Do đó, doanh nghiệp phải tính tiền lãi chậm nộp là 15,5 tỉ đồng (=75%x114 - 70) với mức tính lãi là 0,03%/ngày. Cứ chậm nộp một ngày thì doanh nghiệp sẽ mất khoảng 4,65 triệu đồng/ngày.

Qui định này vấp phải nhiều phản ứng bức xúc từ phía doanh nghiệp. Bởi nhiều doanh nghiệp có đặc thù là doanh thu và lợi nhuận tập trung cao điểm vào quí IV hàng năm như các công ty hàng tiêu dùng, bất động sản, dệt may,... Do đó, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ cao sẽ bị phạt. 

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín, lí lịch của doanh nghiệp khi bị liệt vào danh sách “không tuân thủ chính sách thuế”. 

Theo qui định cũ ở khoản 6 Điều 4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP thì “trường hợp tổng số bốn lần tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quí IV của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán”. 

Điều này có nghĩa là theo qui định cũ đến tháng 1 năm sau, nếu doanh nghiệp tạm nộp thiếu số thuế thì mới bị tính tiền chậm nộp còn theo qui định mới đã đẩy thời gian nộp thuế sớm 3 tháng.

Trao đổi với người viết, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia), Giám đốc Hãng tư vấn AFA Research & Education cho biết về bản chất thì hai nghị định hàng quí vẫn phải tạm nộp thuế nhưng qui định mới đẩy thời gian nộp tạm thuế lên trước 3 tháng.

Thuế - Ảnh 2.

Ông Phan Lê Thành Long. (Ảnh: AFA Research & Education)

Rất nhiều doanh nghiệp có điểm rơi lợi nhuận vào quí IV như xây dựng, bất động sản. Ba quí đầu doanh thu của các doanh nghiệp này ít nhưng vẫn phải tạm nộp tới 75% thuế TNDN cả năm. 

Ở qui định cũ thì mức thuế TNDN tạm nộp là 80% thuế TNDN cả năm nhưng lại nộp khi hết quí IV. 

Ông Long lật ngược vấn đề lại, nếu ba quí đầu kinh doanh tốt nhưng quí IV doanh nghiệp xảy ra biến cố nào đó như dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh sa sút, đình trệ tức là doanh nghiệp có thể nộp thừa thì nhà nước có trả lãi cho phần nộp thừa đó không.

Do đó, ông Long nhận định khoản 6, Điều 8 Nghị định 126 là bất hợp lí.

Ông Long chia sẻ các qui định, thủ tục hành chính cần phải thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có thể phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu cho thuế.

Cũng có ý kiến cho rằng việc áp dụng điểm mới ở Nghị định 126 nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc dồn doanh thu vào quý IV để chiếm dụng thuế nhà nước.

Ông Long cho hay vấn đề này là "một người đau bụng, cả nhà uống thuốc". Nếu doanh nghiệp phát hành hoá đơn chậm thì bên thuế sẽ xử lí việc phát hành hoá đơn chậm. Ông Long nhấn mạnh không thể vì vấn đề này mà đưa ra qui định bất hợp lí được.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-bi-phat-neu-loi-nhuan-qui-iv-tang-manh-la-bat-hop-li-2020112611023818.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/