DN viễn thông 'nhảy' vào thị trường thanh toán, ngân hàng có lo?

Khi các công ty viễn thông tham gia vào thị trường thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile money) sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng.

Tại kỳ họp tháng 3/2019 Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nghiên cứu và xây dựng phương án theo hướng thí điểm các nhà mạng viễn thông thực hiện dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile money).

Theo đánh giá, việc cho phép tài khoản viễn thông di động thanh toán mua hàng hóa sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng.

DN viễn thông nhảy vào thị trường thanh toán, ngân hàng có lo? - Ảnh 1.

Dự kiến quy định hạn mức giao dịch cho Mobile Money là 10 triệu VNĐ/tháng. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về sức ép cạnh tranh khi các công ty viễn thông tham gia vào thị trường thanh toán, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng xu thế các công ty viễn thông tham gia là xu thế tất yếu không thể tránh khỏi. Với mạng lưới thông tin của công ty viễn thông rộng khắp và đầy đủ thông tin khách hàng, họ hoàn toàn có thể cung cấp các dịch vụ tài chính, đặc biệt là tài chính toàn diện cho người dân.

“Ngân hàng chúng tôi nhận thấy phải đi cùng nhau, muốn phát triển phải cùng hợp tác. Ngân hàng có mở rộng nhiều liên kết với công ty viễn thông, song hành cùng công ty viễn thông để cung cấp tài chính tốt nhất cho người dân, bao gồm những thanh toán đơn giản như tiền điện, tiền nước, phí và những thanh toán phức tạp hơn như đầu tư tài chính. Công ty viễn thông có lợi thế là cơ sở thông tin khách hàng đầy đủ, rộng khắp đó là cơ sở để khai thác”, bà Yến cho hay.

Còn bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối Bán lẻ kiêm Giám đốc chiến lược Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cho rằng, dù nhà mạng tham gia nhưng ngân hàng vẫn có những lợi thế riêng biệt.

“Ngân hàng có 2 lợi thế lớn nhất đó là cơ sở vật chất của ngân hàng trong việc tiếp cận khách hàng, cung cấp dịch vụ trọn vẹn, cái này thì không có một công ty nào khác có thể có được.

Điểm mạnh thứ hai là sự tin dùng của người dân. Các ngân hàng đã có tiếng, người dân quen đến tận ngân hàng để thanh toán và làm các dịch vụ khác trong cuộc sống hằng ngày. Độ trung thành của người tiêu dùng đối với mảng banking vẫn chắc chắn, vững chắc để ngân hàng tự tin dựa trên tập khách hàng vốn có của mình để có thể đầu tư thêm công nghệ mới nhất vào nhằm tăng thêm sự tiện lợi cho người dân”, bà Hương phân tích.

Mặt khác, bà cũng cho rằng, các công ty viễn thông cũng có thế mạnh nhất định đó là công nghệ. Họ có tập dữ liệu tốt và có một số chính sách họ không bị ràng buộc nhiều như ngân hàng.

Ví dụ, với ngân hàng khi tiếp cận khách hàng sẽ có một số yêu cầu như khách hàng phải đến tận trụ sở ngân hàng để xác thực thông tin khách hàng, không thể làm online được, điều đó để bảo vệ tín dụng ngân hàng, hệ thống ngân hàng, ngân hàng phải đi theo, có quy trình chặt chẽ.

Tuy nhiên, bà Hương khẳng định, độ đồng bộ các sản phẩm và công nghệ tích hợp để đưa ra gói sản phẩm toàn vẹn cho khách hàng thì ngân hàng vẫn đang duy trì ưu thế tốt nhất.

Cũng theo bà Hương, trước đây ngân hàng tiếp cận với công ty viễn thông ở mức rất cơ bản là cùng nhau hợp tác để khai thác dữ liệu của họ nhưng khi cả hai bên cùng có dịch vụ để quản lý dòng tiền thì sẽ có nhiều cơ hội để công ty viễn thông tận dụng. Ngân hàng có thể tận dụng công nghệ mới và dữ liệu của công ty viễn thông, việc hợp tác này có lợi cho nền kinh tế.

“Phía ngân hàng cho rằng càng nhiều nhà cung cấp thì càng mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng và càng cạnh tranh, ngân hàng càng hoàn thiện hơn”, bà Hương cho hay.

Nói về khó khăn của ngân hàng khi tiếp cận khách hàng, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân ngân hàng HD bank cho biết, theo quy định của NHNN thì hiện nay đa phần khách hàng muốn mở tài khoản đều phải đến trụ sở ngân hàng để xác thực thông tin. Tuy nhiên, trụ sở ngân hàng thương mại lại thường không nằm đầy đủ ở các huyện, xã.

“Theo quy định, tại mỗi tỉnh, mỗi ngân hàng chỉ có 1 chi nhánh, 3 phòng giao dịch, trong khi có tỉnh địa bàn rộng, mười mấy huyện nên việc di chuyển, xác thực là khó khăn. Do đó có chăng NHNN nên quy định thêm về phương thức xác thực đảm bảo không có sự gian lận. Ví dụ hệ thống xác thực chứng minh thư nhân dân, chúng ta có thể tìm đối tác trung gian, nơi vùng sâu, vùng xa chưa có ngân hàng.

Đối với khách hàng đã có giao dịch tại ngân hàng nào đó rồi, họ muốn mở tài khoản của ngân hàng khác thì NHNN cho phép mở trực tuyến, nguồn tiền của khách hàng đến tài khoản mới có thể bắt buộc phải đến từ tài khoản cũ. Tôi nghĩ việc đó là xác thực, không thể nào gian lận được”, ông Quốc Anh kiến nghị.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dn-vien-thong-nhay-vao-thi-truong-thanh-toan-ngan-hang-co-lo-20190609140702065.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/