Điều gì đang chờ đợi ngành ngân hàng trong năm 2023?

Các chuyên gia của SSI cho rằng xu hướng chính sách sẽ là yếu tố cốt lõi tiếp tục định hướng hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2023, với tâm điểm vẫn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng năm 2023, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng xu hướng chính sách sẽ là yếu tố cốt lõi tiếp tục định hướng hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2023, với tâm điểm vẫn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản.

Theo đó, một trong những quy định chính có thể tác động đến triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng là việc thông qua dự thảo sửa đổi Nghị định 65.

Với quyết tâm chính trị nhằm hỗ trợ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, có khả năng quá trình tái cơ cấu và lành mạnh hóa thị trường TPDN sẽ được thực hiện theo cách thức có thể đạt được tình trạng “hạ cánh mềm”, tất nhiên với điều kiện cần những hỗ trợ hơn nữa về mặt chính sách.

Do đó, trong kịch bản cơ sở, công ty chứng khoán đưa ra giả định thị trường TPDN sẽ hạ cánh mềm trong năm 2023 với việc Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được ban hành. Điều này sẽ giúp cho cả ngân hàng và các chủ đầu tư bất động sản có thêm thời gian giải quyết vấn đề của mình. 

 Nguồn: các ngân hàng, SSI Research.

Yếu tố thuận lợi sẽ đến từ các chính sách hỗ trợ thanh khoản và xu hướng lãi suất ổn định

Trong kịch bản cơ sở, SSI giả định hoạt động tái cấu trúc thị trường TPDN sẽ được diễn ra với tốc độ thích hợp để duy trì sự ổn định của hệ thống, tình hình thanh khoản có thể không bị căng thẳng như trong giai đoạn tháng 10 - 11/2022 do quan điểm hài hòa hơn từ các nhà hoạch định chính sách. Theo đó, mặt bằng lãi suất có thể sẽ không tăng mạnh trong năm 2023.

Nhóm phân tích cho rằn các yếu tố hỗ trợ thanh khoản và lãi suất VND sẽ đến từ giải ngân đầu tư công mạnh hơn, qua đó một phần lượng bị ứ đọng của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng (khoảng 380.000 tỷ đồng tại ba ngân hàng quốc doanh) sẽ được giải tỏa; cân đối cung và cầu ngoại tệ tốt hơn và chương trình cấp bù lãi suất được đẩy mạnh.

Mặt khác, các yếu tố tiêu cực sẽ bao gồm áp lực tăng lãi suất USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện thêm một số đợt tăng lãi suất nữa; số dư huy động vốn đang thấp hơn dư nợ tín dụng vào cuối năm 2022; một số yêu cầu về các tỷ lệ an toàn hoạt động (LDR, MLTL,…) và lượng TPDN đến hạn trong năm 2023.

Theo đó, ước tính khoảng 185.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng) sẽ đến hạn trong năm 2023, phần lớn trong số đó đến hạn vào tháng 1, tháng 5- tháng 8 và tháng 12. Điểm thú vị là con số này đã giảm 24% trong năm tuần qua do hoạt động mua lại mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp.

Nhìn chung, xu hướng chính sách sẽ là yếu tố quyết định xem cán cân nghiêng về phía tích cực hay tiêu cực. Với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65 sửa đổi, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Fed kết thúc thì lãi suất VND trong nước mới có thể hạ nhiệt, có thể là trong nửa cuối năm 2023. Khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động có khả năng thu hẹp so với năm 2022, lần lượt ở mức 12-14% và 10-12%.

 Nguồn: các ngân hàng, SSI Research.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dieu-gi-dang-cho-doi-nganh-ngan-hang-trong-nam-2023-202311715337582.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/