Điều chỉnh giá điện cần tránh gây 'sốc' cho xã hội

Để "tránh gây sốc" cho người dân khi điều chỉnh giá điện, một số ý kiến đề xuất có thể điều chỉnh 6 tháng một lần hoặc 2 năm một lần và cần luật hóa qui định điều chỉnh giá.

Theo thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tại hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam diễn ra ngày 5/11, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chủ nhiệm Đề án, cho biết Đề án Nghiên cứu đã cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đặc biệt là các đề xuất như: Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc thang…

Cụ thể, biểu giá bậc thang tăng theo mức tiêu dùng lũy tiến vẫn được sử dụng phổ biến đối với hộ sinh hoạt, các hộ tiêu thụ phải trả đầy đủ các chi phí của hệ thống điện, giá điện của các nước cũng luôn được điều chỉnh để đảm bảo phản ánh đúng chi phí cung ứng điện khi giá các nhiên liệu đầu vào thay đổi,…

Về các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho 4 hộ sử dụng điện gồm sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, với hộ sinh hoạt, Đề án đưa ra 3 phương án gồm cơ cấu biểu giá bậc thang 5 bậc, 4 bậc và 3 bậc. 

Bên cạnh đó, đề xuất luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện bằng các văn bản pháp lí của các cấp có thẩm quyền, công khai chu kì điều chỉnh giá. 

Thời điểm điều chỉnh nên lựa chọn theo mùa, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ đề xuất điều chỉnh là 1/3 và 1/9 hàng năm. 

Ngoài ra, có phương án điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.

Đồng tình với đề xuất luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng thị trường thay đổi hàng ngày. Do đó, giá điện cũng cần phải có qui luật thay đổi để tiệm cận được với thị trường. 

Hiện nay, ở Thái Lan, cũng đã qui định điều chỉnh giá điện 3 lần/năm. Việc tính toán mức giá điều chỉnh thực hiện theo biến đổi theo tỉ giá, nguyên liệu đầu vào,…

Ông Long cũng kiến nghị, việc tính giá điện bậc thang không chỉ gắn với sự công bằng của xã hội mà cần phải gắn với việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà. 

"Tác động của biểu giá bán lẻ đối với sự phát triển điện mặt trời mái nhà là rất rõ rệt. Cụ thể, nếu qui định bậc thang cuối ở mức rất cao, khi các hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ cắt được chi phí giá điện ở bậc thang này.

Cùng với đó là hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Khung giờ cao điểm chiều từ 13-16h, đây là khung giờ mà điện mặt trời phát được tốt nhất", ông Long chia sẻ.

Còn theo ông Trần Văn Bình cho rằng, đặc thù của ngành điện là giá thành biến động giữa các năm. Ví dụ, khi mưa nhiều, huy động thủy điện cao thì giá điện sẽ giảm và ngược lại.

Tuy nhiên, những năm qua, thời gian điều chỉnh giá điện thưa khoảng 2 năm/lần, nên mỗi lần điều chỉnh thường gây "sốc" cho xã hội. Do đó, nên luật hóa qui định điều chỉnh giá điện 2 lần/năm.

"Việc tính toán giá điện cũng cần phải tính đến mức phí khuyến khích năng lượng tái tạo. Thời gian qua, điện mặt trời tạo nên cơn sốt, bởi Chính phủ khuyến khích với mức giá mua điện 9,5 cents, hơn 2.000 đồng/kWh.

Trong khi đó, giá bán điện trung bình chỉ khoảng 1.700 đồng/kWh. Nếu đứng ở góc độ kinh doanh, EVN càng mua càng lỗ. Do đó, việc khuyến khích năng lượng tái tạo nhưng cần phải có cơ chế, không thể bắt ngành điện gánh", ông Trần Văn Bình nói.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng lâu nay, ngành điện vẫn bị động trong việc điều chỉnh giá điện, dù đã có qui định. Do đó, giá điện cần phải luật hóa và bắt buộc cơ quan nhà nước cũng như EVN phải tuân thủ. 

"Tôi đồng ý với cách tiếp cận 6 tháng thì điều chỉnh giá và khi điều chỉnh phải công bố rõ ràng. Dù đến thời điểm đó, giá điện không biến động cũng phải công bố để dư luận nắm rõ", PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dieu-chinh-gia-dien-can-tranh-gay-soc-cho-xa-hoi-20191106115722167.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/