Đến tận bây giờ, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất sơ khai, và Shark Dũng quyết không bỏ lỡ cơ hội

"Cá mập công nghệ" Nguyễn Mạnh Dũng nhận định thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất sơ khai, nhiều sản phẩm hay vẫn chưa xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là bảo hiểm vi mô.

Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam vào tối 23/10, Nguyễn Bảo Trọng kêu gọi 500.000 USD cho 15% cổ phần Công ty Miin Việt Nam do anh sáng lập. Miin là nền tảng bán bảo hiểm trực tuyến, với nhiều gói sản phẩm như bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm rủi ro.

"Việt Nam hiện có 60 triệu người tương đương 58% dân số chưa có bảo hiểm. Dung lượng thị trường bảo hiểm trong nước rất lớn sẽ là đại dương xanh cho các "shark" tha hồ bơi lội", Trọng phát biểu.

Thương vụ nửa triệu USD với Miin

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy nhận xét mô hình công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ trở thành xu thế. Ông và "cá mập công nghệ" Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị 500.000 USD đổi lấy 30% cổ phần. 

Sau quá trình thương lượng với Trọng, hai bên nhất trí đổi 25% cổ phần Miin lấy nửa triệu USD.

Nguyen Manh Dung

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc Quĩ đầu tư CyberAgent Ventures ở Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Phát biểu sau thương vụ, ông Nguyễn Mạnh Dũng nhận định rằng bảo hiểm là một thị trường rất lớn.

"Từng sống ở Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác, tôi nhận thấy qui mô của thị trường bảo hiểm nhân thọ rất lớn. Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất sơ khai. Nhiều sản phẩm hay vẫn chưa xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là những sản phẩm bảo hiểm vi mô", ông nói.

Ứng dụng công nghệ để xây dựng các nền tảng bảo hiểm đang trở thành xu hướng và nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc đã thành công với hướng này, dù họ mới chỉ đang ở giai đoạn phát triển sơ khai.

"Mọi doanh nghiệp trong mảng công nghệ bảo hiểm đều đang ở vạch xuất phát. Vì thế, ai có năng lực, đam mê, sự quyết liệt, có khả năng gọi vốn và triển khai ý tưởng, người ấy sẽ có cơ hội lớn để thành công", ông bình luận.

Nhận thấy Trọng là người rất tâm huyết với lĩnh vực công nghệ bảo hiểm, ông Dũng mới đồng ý cũng "shark" Thủy rót vốn cho nền tảng Miin. Theo ông, để có thể thành công nhanh và chắc, Miin không nên hướng tới phân khúc quá lớn.

"Miin chỉ nên tập trung vào một tập khách hàng nhất định. Trước mắt, họ nên hướng tới tầng lớp những người có thu nhập thấp", ông Dũng nhận định.

Mô hình kinh doanh bảo hiểm của Miin

Mua bảo hiểm của Miin, khách hàng sẽ đóng 2.000 đồng/ngày vào quỹ. Công ty sẽ dùng tiền đó để chi trả cho người gặp rủi ro. Số tiền còn lại được hoàn trả vào cuối năm cho người không có bồi thường.

Bao Trong

Nguyễn Bảo Trọng – nhà sáng lập Công ty Cổ phần Miin Việt Nam trên Shark Tank Việt Nam tối 23/10. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Hiện tại, Miin là đại lý cho Công ty bảo hiểm PTI. Không bán sản phẩm có sẵn của PVI, Miin chủ động đề xuất bán sản phẩm mới dựa trên nhu cầu tìm kiếm, mua bảo hiểm của khách hàng.

Chính thức ra mắt từ 1/2019 đến 5/2019, Miin bán được 4,6 tỉ đồng tương đương 320.000 hợp đồng bảo hiểm. Đến nay, công ty lỗ lũy kế 26%, nhưng sẽ đạt tăng trưởng 200% trong 12 tháng tới nếu kêu gọi vốn thành công.

Nhà sáng lập khẳng định, Miin khiến khách hàng tin rằng mua bảo hiểm sẽ hòa hoặc thắng vì được hoàn trả toàn bộ số tiền đã đóng nếu không phát sinh bồi thường. Ngoài ra, mức phí rất thấp và hình thức bồi thường trên trực tuyến cũng là những lợi thế giúp Miin thu hút người mua.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/den-tan-bay-gio-thi-truong-bao-hiem-viet-nam-van-con-rat-so-khai-va-shark-dung-quyet-khong-bo-lo-co-hoi-20191028081032229.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/