Đế chế SoftBank của tỉ phú 'liều ăn nhiều' Masayoshi Son có thể gặp nguy vì WeWork

Masayoshi Son, nhà sáng lập nên đế chế đầu tư trị giá 15,2 tỉ USD vào các startup công nghệ như Alibaba Group Holding, đang đặt cược vào bản thân nhiều hơn bao giờ hết, ngay cả khi đế chế của ông xuất hiện nhiều dấu hiệu thương tổn.

1400x-1-2

Masayoshi Son

Nhà sáng lập SoftBank Group đã thế chấp 38% cổ phần tại SoftBank để thực hiện vay nợ từ 19 ngân hàng, bao gồm cả Credit Suisse Group AG và Julius Baer Group, theo hồ sơ pháp lý tháng 6/2019. Con số này cao hơn mức 36% tại thời điểm đầu năm 2019 và gấp 3 lần so với thời điểm tháng 6/2013.

"Chiến lược này cho phép ông ấy vay tiền mà không gây ảnh hưởng đến công ty", Michael Puleo, Phó Giáo sư về tài chính tại Trường Kinh doanh Dolan thuộc Đại học Fairfield ở Connecticut, cho hay. "Thế nhưng, rủi ro đổ vỡ đang leo thang. Nếu giá cổ phiếu xuống đủ thấp thì ông ấy sẽ bị call margin và chuyện này có thể rất tốn kém".

Thế mới biết ông Son có thể gây ảnh hưởng đến SoftBank và Quĩ Vision (100 tỉ USD) ra sao. 

Cổ phiếu của SoftBank Group biến động mạnh trong khoảng thời gian gần đây vì WeWork, startup kì lân về cho thuê văn phòng, trì hoãn đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). 

Quyết định trì hoãn IPO được đưa ra sau khi WeWork bị thị trường định giá thấp hơn nhiều so với con số 47 tỉ USD – tổng số vốn mà SoftBank đã đầu tư vào trước đó trong năm nay. 

Điều này khiến nhà đầu tư "há hốc mồm" vì kinh ngạc và từ đó, kéo cổ phiếu SoftBank có lúc rớt 5% trong tuần này. Tài sản ròng của ông Son "bốc hơi" 770 triệu USD. Dù vậy, cổ phiếu SoftBank vẫn còn tăng khoảng 27% từ đầu năm.

Ông Son (62 tuổi) cũng đang đặt cược lượng cổ phần ở Quỹ Vision – một quĩ chuyên đầu tư vào các startup công nghệ. Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp thì ông ấy sẽ được tưởng thưởng hậu hĩnh, còn nếu không thì sẽ chịu thua lỗ nặng nề. 

Vốn hóa thị trường ngày càng giảm của Uber Technologies và những khó khăn tại WeWork có thể làm giảm bớt tỷ suất lợi nhuận 62% của Quĩ Vision mà SoftBank ghi nhận vào tháng 3/2019.

"Xuất hiện nguy cơ ở những công ty trao quyền quyết định mọi thứ cho nhà sáng lập bất kể là có vay nợ hay không", Robert Pozen, Giảng viên cấp cao tại Trường Quản lí MIT Sloan ở Boston, nhận định.

"Và khi các nhà sáng lập vay nợ quá nhiều bằng cách thế chấp cổ phiếu, họ có thiên hướng đưa ra những quyết định có rủi ro cao hơn", ông nói.

Kế hoạch chi trả

Kế hoạch thù lao của SoftBank cũng có dính dáng đến rất nhiều nợ. Ông Son cho bản thân ông vay khoảng 3 tỉ USD để đầu tư vào Quĩ Vision đầu tiên, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg

Việc sử dụng khoản vay đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân có thể gia tăng rủi ro cho ông Son vì ông khó có thể tự cứu mình nếu tình hình chuyển xấu, ông Pozen cho hay. 

Khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu sẽ tạo ra lợi nhuận khi các thương vụ thành công, nhưng mặt khác, họ sẽ phải hứng chịu thua lỗ nặng nề nếu các thương vụ thất bại. 

Các nhân viên của Quĩ Vision, bao gồm những nhân viên ngân hàng và nhà đầu tư có tên tuổi, nhận được lương cơ bản và tiền thưởng, nhưng chỉ nhận được thù laokhi có lợi nhuận.

Vẫn còn chưa rõ SoftBank sẽ ghi nhận khoản thù lao bao nhiêu trong báo cáo định kỳ kế tiếp. Lượng cổ phiếu mà ông Son đã thế chấp – hiện có vốn hóa thị trường là 9 tỉ USD – đã bị Bloomberg loại trừ ra khỏi công thức tính toán tài sản ròng của ông Son. Nữ phát ngôn viên của SoftBank Hiroe Kotera từ chối nhận định.

SoftBank đang định cho các nhân viên vay đến 20 tỉ USD để mua cổ phần trong quỹ đầu tư vốn mạo hiểm thứ hai, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg. Ông Son có thể chiếm hơn 50% tổng quĩ đầu tư của nhân viên, họ cho biết.

Ellison, Musk

Việc thế chấp cổ phiếu dần trở thành cách thức phổ biến để các nhà sáng lập huy động vốn mà không phải bán ra cổ phiếu. 

Trước đây, Larry Ellison đã thế chấp cổ phiếu Oracle để tài trợ cho phong cách sống xa hoa của bản thân. Khoảng 27% cổ phần Oracle của ông, trị giá hơn 16 tỉ USD, hiện đang được thế chấp để vay nợ. Elon Musk cũng thế chấp khoảng 40% cổ phần tại Tesla, theo hồ sơ pháp lý tháng 5/2019.

Dù vậy, vay nợ bằng cách này luôn đi kèm với rủi ro. "Nếu giá cổ phần thường giảm đang kể, ông Musk có thể bị một hoặc nhiều định chế ngân hàng buộc bán ra cổ phiếu Tesla để thực hiện nghĩa vụ trả nợ nếu ông ấy không thể trả nợ bằng cách khác. 

Việc bán cổ phiếu thế chấp (trong trường hợp bị call margin) có thể khiến cổ phiếu đó giảm giá thêm", Tesla cảnh báo trong hồ sơ pháp lý.

Ông Son, vị tỉ phú nổi danh liều ăn nhiều và từng mất 70 tỉ USD khi bong bóng dot-com vỡ, có lẽ cũng không bối rối trước tình cảnh này. 

Ông nói với các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông tháng 6/2019 của SoftBank rằng danh mục đầu tư của SoftBank có thể tăng 33 lần lên 200.000 tỉ Yen (tương đương 1.800 tỉ USD) trong 20 năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/de-che-softbank-cua-ti-phu-lieu-an-nhieu-masayoshi-son-co-the-gap-nguy-vi-wework-20190919151226503.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/