ĐBQH: Nằm ngoài luật, tiền ảo là mảnh đất 'màu mỡ' cho tội phạm rửa tiền

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ, ngày càng có nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Tuy nhiên, đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý tiền ảo.

 

Thảo luận về việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền tại hội trường Quốc hội sáng 1/11, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định thì nêu vấn đề về việc tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp. 

 

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định (Ảnh: Quốc hội).

Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Ban soạn thảo cầm xem xét bổ sung một số hình thức đối tượng cụ thể trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp.

Đặc biệt khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận thì tại Việt Nam gần đây đã xuất hiện cái hình thức mua bán Bitcoin. Vì thế, nếu không quy định cụ thể thì sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng. 

 

Từ năm 2017, Bộ Tư pháp cũng đã đề cập vấn đề về tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý.

Do đó, để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền bao quát các hoạt động mới phát sinh, đại biểu Thuỷ đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận về các loại hình này. Luật quy định rõ hình thức quy định thống nhất, thế không thống nhất ở mức độ nào.

Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi, đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới và các dịch vụ chuyển tiền để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố. 

Thực hiện giao dịch bất động sản 100% qua ngân hàng

 Đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An (Ảnh: Quốc hội). 

 

Đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thì đề xuất cần nâng cao quản lý trong lĩnh vực bất động sản bởi đây là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Đại biểu Thái Thị An Chung đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.  

Bên cạnh đó, đại biểu Chung cũng đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. 

Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần.

Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

Dịch vụ tài sản ảo, kinh doanh tiền ảo chưa được quy định trong luật

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: Quốc hội).

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật.

Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… 

Với các dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.

Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…

Với các vấn đề về trì hoãn giao dịch, để tránh lạm dụng với ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân dự thảo luật cũng đã quy định thời hạn trì hoãn không quá ba ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của luật, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dbqh-nam-ngoai-luat-tien-ao-la-manh-dat-mau-mo-cho-toi-pham-rua-tien-202211111502852.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/