Đầu cơ thì có gì sai?

Dân đầu tư chứng khoán đôi khi vẫn hay bị gọi là đám đầu cơ. Tuy nhiên, tâm lý này hình thành do một số yếu tố khách quan.

dau co thi co gi sai Thị trường phái sinh lên ngôi với vai trò đầu cơ
dau co thi co gi sai Bán khống cổ phiếu Herbalife, trùm đầu cơ Phố Wall lỗ nặng

Đánh chứng nào có phân biệt tốt xấu

Đã lăn lộn kiếm ăn trong cái thị trường khắc nghiệt này thì không có khái niệm người tốt hay kẻ xấu. Chơi chứng khoán chứ có phải làm từ thiện đâu. Anh muốn làm người tốt ư? Chuyện đùa, nói thẳng ra tất cả đều tham gia vì tiền cả thôi!

Cũng đừng lôi “thánh sống” Warren Buffett hay Irving Kahn ra. Được bao nhiêu ông đầu tư giá trị mà có lối sống chuẩn mực được như Buffett và Kahn đâu, có khối ông cũng ăn chơi trác táng đầy ra đấy.

Người ta vẫn hay khen các tấm gương tỷ phú sống tiết kiệm nhưng sự thật là ít có người nào muốn sống giống như họ. Người ta có thể khâm phục Batman nhưng lại muốn sống giống Iron Man hơn. Dân chúng ngoài miệng ai cũng khen tấm gương của Warren Buffett nhưng trong bụng lại thầm ước được như Leonardo DiCaprio. Ít ai để ý rằng có đến 99% những người đang phấn đấu trở thành tỷ phú đều là để sau này giàu có tiêu tiền như rác, cưỡi siêu xe, cặp kè chân dài…

dau co thi co gi sai
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Nguồn: CNBC

Thanh khoản thị trường sẽ giảm nếu không có “đám đầu cơ”

Nghe đâu bên Mỹ còn có ông mua cổ phiếu xong để gần 40 năm, đến khi sắp đoàn tụ ông bà rồi mới chịu bán để lấy tiền làm đám ma. Nếu trên thị trường mà ai cũng mua để vài chục năm mới bán như thế thì thanh khoản cả thị trường mỗi ngày chắc chỉ khoảng vài trăm tỷ, môi giới các công ty chứng khoán chỉ có nước cạp đất mà ăn!

Ông nào có sức mạnh cũng đi cứu người “miễn phí” như Superman và Batman thì mấy công ty an ninh, cung cấp vệ sĩ ăn cám cả lũ. Cái gì cũng nên có mức độ vừa phải chứ.

Nhiều người theo chủ nghĩa lý tưởng vẫn luôn đòi hỏi đồ ăn thì phải “ngon bổ rẻ”; hàng hóa sản xuất thì phải “nhanh nhiều tốt rẻ”; dân chơi chứng khoán thì không ai được có tư tưởng đầu cơ, phải đầu tư giá trị hết nhưng luôn đòi hỏi thanh khoản thị trường phải tăng, giao dịch phải sôi động. Người ta ôm cổ phiếu ăn cổ tức cả đời thì lấy đâu ra giao dịch sôi động? Đời làm gì có chuyện hoàn mỹ vô lý như thế.

Sợ nhất là các thành phần ghen ăn tức ở

Người viết đã từng gặp khá nhiều người miệng thì cứ xoen xoét ta đây là dân đầu tư giá trị nhưng suốt ngày toàn đi săn lùng các tin nội gián của doanh nghiệp để đánh quả. Nếu cứ chìm đắm với các thông tin kiểu như “Doanh nghiệp A chuẩn bị công bố dự án X rất lớn nhưng chưa ai biết đâu. Anh em cứ yên tâm vào hàng” hay “Công ty B chuẩn bị ký hợp đồng Y rất khủng. Anh vừa nhận được tin báo bí mật sáng nay, các huynh đệ trong nhóm cứ múc tất tay” thì đầu tư chân chính cái quái gì. Đám này rõ ràng là ngụy quân tử mà!

Theo kinh nghiệm coi phim kiếm hiệp gần 20 năm của người viết thì phàm những kẻ hay nói nhân nghĩa, đạo đức, chính nhân quân tử trong phim thì đều là phường đểu cáng, âm hiểm, hai mặt (ví dụ: Nhạc Bất Quần). Bản chất con người hay ghen ghét ganh tỵ với những ai hơn mình, thuật ngữ chuyên ngành gọi là GATO (Ghen Ăn Tức Ở). Miệng lưỡi thế gian thì ác độc lắm. Thấy người khác mua cổ phiếu trong thời gian ngắn mà thu lời nhiều (nhờ ông bà phù hộ cộng thêm đội lái hiển linh) rồi bán đi ngay thì chụp mũ là bọn đầu cơ. Thấy người ta giao dịch nhiều và ra vào hợp lý thì tố cáo là đám gây rối loạn thị trường.

Nguy hiểm hơn còn có một bộ phận không nhỏ được gọi là "chuyên gia thuần túy". Nghĩa là đám này chỉ toàn học và nghiên cứu lý thuyết là chính, kinh nghiệm đánh đấm trên thị trường thì chỉ võ vẽ một chút, hiệu quả đầu tư thì chẳng bao nhiêu. Thế nhưng khi thấy người khác cầm tiền tỷ đầu tư lướt sóng thành công thì bảo là đầu cơ, là đi ngược lại với "khuôn vàng thước ngọc" trong sách. Đọc sách mà tin hết vào sách thì thà đừng đọc.

Nếu George Soros mà không phải tỷ phú mà là một ông vô gia cư nghèo kiết xác nào đó, người đọc xong mấy cuốn sách phức tạp của ổng có khi sẽ tuyển thẳng ông ấy vào nhà thương điên. Đặc biệt là cái thuyết phản hồi, đọc xong vẫn như chưa đọc. Đọc thêm lần nữa có khi tẩu hỏa nhập ma! Mark Zuckerberg ngày nào cũng mặc một cái áo thun màu xám đi làm thì xã hội sẽ bảo rằng anh chàng này thật là có cá tính, con người sống rất đơn giản, chú trọng hiệu quả công việc không bậm tâm đến vật chất bên ngoài... Nhưng nếu một anh nhân viên cỏn con nào đó làm vậy thì không chừng giang hồ sẽ đồn thằng này thần kinh có vấn đề, ăn mặc lôi thôi, làm mất hình tượng công ty cần phải đuổi gấp... Cuối cùng thì túi tiền anh nào to thì anh ấy nói có lý thôi! Gà chết thì không cãi lại nước sôi, nhà nghèo không bì được với đại gia.

Thị trường biến động khá thất thường

Ai chẳng muốn mua xong kê cao gối ngủ để mấy năm sau tỉnh dậy mà bán. Nào có ai tham gia thị trường mà muốn đầu cơ hay giao dịch nhiều đâu. Còn chẳng phải do thị trường biến động thất thường quá ư?

Đến ngay như thị trường chứng khoán Trung Quốc kia đi trước Việt Nam mấy chục năm thế mà cũng lên xuống thất thường đấy thôi. Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải chẳng phải đã mất gần 40% giá trị trong 6 tháng cuối năm 2015 hay sao? Trung Quốc còn thế, Việt Nam chắc gì đã khá hơn.

dau co thi co gi sai
Biến động Shanghai Composite Index trong vòng 4 năm qua. Nguồn: TradingView

Nếu ví dụ ở Trung Quốc chưa đủ thuyết phục thì người viết xin lấy ngay một ví dụ ở Việt Nam cho nóng hổi tính thời sự. Giả sử nhà đầu tư A mua PVD trong vùng giá 14,000-16,000 vào tháng 10/2017 và kỳ vọng lãi 100% sau 5 năm. Tuy nhiên, chỉ cần 4 tháng sau giá PVD đã lên gấp đôi. Vậy thì khi đó nhà đầu tư A bán ra thì cũng bị coi là đầu cơ hay sao? Chẳng lẽ cứ phải giữ vững "lập trường" chờ cho đến nay nó về lại đáy cũ (coi như công cốc) thì mới là "đầu tư dài hạn" đúng nghĩa? Cơm dâng tới miệng sao có thể cấm người ta ăn, tiền tới tay ai lại không thích. Chẳng lẽ còn phải giả bộ thanh cao hay sao?

dau co thi co gi sai
Biến động PVD trong vòng 12 tháng qua. Nguồn: VietstockUpdater

Tâm lý phòng ngừa rủi ro

Dân tình ngày nay khôn hơn xưa rồi. Đã qua bao nhiêu mất mát, thua lỗ nên họ đã biết sợ rồi. Đâu ai còn phong thái “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có” nữa. Kiểu như tâm lý của người đi lính ngày xưa, họ không mong trở thành tướng tá gì chỉ mong không mất mạng, kiếm chút tiền còm là may mắn lắm rồi.

Khi bạn thấy một đứa trẻ đang ăn ngấu nghiến một cái bánh thì đừng hấp tấp kết luận: “Thằng này ham ăn”. Biết đâu nó ăn như thế chẳng qua là nó sợ những đứa côn đồ khác có thể giật lấy đồ ăn của nó.

Người tốt trong xã hội ngày càng ít đi. Trong thời buổi như hiện nay ông nào mà biết chắc chắn 100% mã nào sẽ lên thì còn không rút sổ tiết kiệm, cầm cố ngay sổ đỏ để mua chứng khoán chứ hơi đâu rảnh rỗi mà đi rêu rao trên mạng và lôi kéo người khác làm gì? Suy cho cùng vẫn là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Con người dù giỏi đến đâu cũng không thể chắc chắn tương lai. Nghe đâu còn có ông chuyên gia cứ hễ phát biểu thị trường lên thì hôm sau sẽ xuống, còn hô xuống thì thị trường lại tăng phi mã. Thậm chí còn được "truy tặng" danh hiệu "Chỉ báo ngược của thị trường".

Năm đồng trong tay vẫn quý hơn mười đồng sắp có. Đôi khi con người ta bán ra không hẳn là vì đầu cơ ngắn hạn hoàn toàn mà một phần bởi vì họ sợ mất đi lợi nhuận mà họ đang có. Vì vậy, đầu cơ mà không phải là đầu cơ. Chẳng qua chỉ là một chữ SỢ mà thôi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dau-co-thi-co-gi-sai-54090.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/