Đất nền chưa có dấu hiệu sôi động trở lại, người mua vẫn chờ bắt đáy

Thanh khoản phân khúc đất nền ở cả hai miền Nam, Bắc vẫn rất trầm lắng, người mua vẫn trong tâm lý chờ bắt đáy. Theo chuyên gia, các cơn sốt đất sẽ không xảy ra trong năm nay.

(Ảnh minh họa: H.L).

Ngày 22/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTĐĐ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Quyết định này đã phần nào ảnh hưởng tới giao dịch đất nền tại Hà Nội.

Tuy nhiên, ngày 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2869 về việc bãi bỏ Văn bản 1685. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc điều chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Theo các chuyên gia của Batdongsan.com, việc giao dịch đất nền trầm lắng kéo dài từ năm 2022 đến nay do nhiều nguyên nhân như nguồn vốn, lãi suất, nguồn cung.

Dữ liệu của đơn vị cho thấy đất nền các khu vực như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm trong quý đầu năm nay đều có giá rao bán giảm khoảng 1 - 13% so với quý IV/2022, mức độ quan tâm cũng giảm khoảng 4 - 24% tùy từng khu vực. Trong đó, giá đất nền giảm nhiều nhất ở huyện Thanh Trì (giảm 13%) và mức độ quan tâm giảm nhiều nhất ở huyện Gia Lâm (giảm 24%).

Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan.com.vn đánh giá, việc cho phép tách thửa trở lại là một tia sáng nhỏ cho thị trường đất nền Hà Nội. Tuy nhiên, để thị trường đất nền phát triển bền vững hơn thì cần trợ lực lớn hơn như đẩy mạnh dịch chuyển các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, dự án, trường đại học ra ngoại thành Hà Nội; đầu tư quyết liệt hơn cho các khu đô thị vệ tinh phía Tây như Hòa Lạc, Xuân Mai và phía bắc Sông Hồng như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh.

Cùng với đó, thị trường cần các gói cho vay mua bất động sản với lãi suất phù hợp hơn, dưới 10% thay vì trung bình 11 - 13% và ưu tiên việc cho vay với những bất động sản được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra dòng tiền và ổn định hơn là các bất động sản đầu cơ.

Ông Nguyễn Quốc Anh cũng nhận định các cơn sốt đất sẽ không xảy ra trong năm nay và thị trường đang có một vài tín hiệu tích cực hơn so với quý I/2023. Ông cho rằng, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền ổn định.

Theo vị này, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa nhanh và có tiềm năng phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính hay đô thị mới. Ví dụ như đất nền ở các thành phố lớn, những khu vực có tiện ích và kết nối hạ tầng đầy đủ, gần kề các khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng trong trung hạn.

“Những tỉnh có đầu tư FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ổn định, ít khi sụt giảm sâu. Chỉ có những loại đất đầu cơ không có giá trị sử dụng cao, ở các tỉnh/thành phố chưa có hạ tầng và kết nối tốt hoặc những khu vực mà cả ngày mới thấy một chiếc xe ô tô đi qua và mua xong để đó thì mới bị giảm giá, thậm chí giảm cực sâu mà không có thanh khoản. Vì vậy trong giai đoạn này, người mua đất nền có nhiều sự lựa chọn và cần tính toán hướng đi dài hạn với đất nền thay vì lướt sóng đầu cơ”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Tại Đà Nẵng và vùng phụ cận, báo cáo mới đây của DKRA cho biết, trong tháng 4/2023, thị trường đất nền không ghi nhận nguồn cung mở bán mới tại các khu vực. Thị trường liên tục khan hiếm từ thời điểm tháng 10/2022 đến nay. Mặt bằng giá thứ cấp vẫn tiếp tục đà giảm từ so với đầu năm 2023, thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất thấp.

Các dự án đã triển khai lâu năm, trì hoãn về tiến độ hạ tầng, cũng như không hoàn thiện pháp lý đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực cho thị trường thời gian qua. 

Còn tại thị trường bất động sản TP HCM và vùng phụ cận, trong tháng 4, phân khúc đất nền dự án ghi nhận nguồn cung mới giảm mạnh, chỉ tương đương 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Bình Dương chiếm chủ lực về nguồn cung với tỷ lệ đạt 76,1%.

Sức cầu thị trường ở mức thấp chỉ bằng 18% so với tháng 4/2022, tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2. Các chính sách chiết khấu mạnh tay cho phương án thanh toán nhanh (14% - 20%), hỗ trợ lãi suất/ân hạn nợ gốc,… được nhiều chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Theo chuyên gia DKRA, tín hiệu tích cực từ việc ngân hàng có dấu hiệu giảm lãi suất, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho thị trường trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể tác động mạnh mẽ đến thanh khoản của thị trường thời gian qua, người mua vẫn trong tâm lý chờ bắt đáy. Mặt bằng giá sơ cấp phân khúc này vẫn đi ngang so với lần mở bán trước đó, thị trường thứ cấp không có nhiều biến động về giá so với tháng trước tuy nhiên thanh khoản vẫn rất trầm lắng. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dat-nen-chua-co-dau-hieu-soi-dong-tro-lai-nguoi-mua-van-cho-bat-day-202352316029227.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/