Nhiều doanh nghiệp ĐBSCL thoi thóp, vẫn chưa thấy gói hỗ trợ từ năm ngoái đâu

Sức chống chịu trước ảnh hưởng của đại dịch của các doanh nghiệp nhỏ là rất yếu, trong khi doanh nghiệp quy mô lớn, áp dụng được mô hình "3 tại chỗ" thì chỉ thực hiện được 5-10% công suất.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam từ cuối tháng 4 vẫn đang diễn biến phức tạp tại tất cả tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có sức chống chịu yếu.

Doanh nghiệp ĐBSCL đuối sức trước dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Hình minh họa: Sao Ta.

Theo ý kiến tổng hợp của các doanh nghiệp ĐBSCL do VCCI Cần Thơ thực hiện, nhìn chung, đợt dịch lần thứ 4 diễn ra khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể là những khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển; chi phí cho mô hình 3 tại chỗ; các chính sách, quy định phòng chống dịch giữa các tỉnh còn chưa đồng bộ; cũng như việc triển khai các gói hỗ trợ chưa hiệu quả...

Đối với mô hình "3 tại chỗ", các doanh nghiệp được khảo sát cũng phản ánh mô hình này còn nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện. Theo đó, đa số doanh nghiệp nhỏ đều phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu; không thể duy trì sản xuất. Ngoài ra, họ không có điều kiện, hạ tầng để thực hiện mô hình này.

Các doanh nghiệp lớn hơn có thể thực hiện mô hình "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất nhưng chỉ có thể hoạt động cầm chừng.

Đáng chú ý, đa số doanh nghiệp cho biết chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao do có những rào cản về quy định bình ổn giá; chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện "3 tại chỗ"; nguyên liệu đầu vào tăng; chi phí vận chuyển... 

Ngoài ra, công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác do thiếu hụt lao động.

Đồng thời, các doanh nghiệp đều lo ngại khi gãy chuỗi cung ứng, không cung ứng được cho khách hàng nước ngoài họ sẽ chuyển qua mua ở thị trường khác và sau này không tìm lại được khách hàng. 

Doanh nghiệp ĐBSCL đuối sức trước dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tình hình doanh nghiệp 6 tháng vùng ĐBSCL. (Nguồn: VCCI Cần Thơ).

Liên quan đến vấn đề quy định cũng như chính sách chống dịch tại các tỉnh, các doanh nghiệp cho rằng còn nhiều bất cập khi giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng chính sách của Ban chỉ đạo là tốt nhưng có vấn đề trong thực thi ở các cấp. Các chính sách thiếu tính thực tiễn và thay đổi nhanh cũng khiến doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện. 

Trong đó, có thể kể đến một số quy định trong thời gian qua như: quy định về hàng hoá thiết yếu còn mơ hồ; quy định về việc có giấy xét nghiệm âm tính; quy định về ra vào tỉnh, luồng xanh… 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phản ánh chưa nhận được hỗ trợ khi đề nghị chậm nộp thuế do nguồn tiền bị gián đoạn. Có trường hợp tỉnh chậm thông báo về các trường hợp dương tính khiến doanh nghiệp bị phong tỏa đột ngột. 

Nhiều doanh nghiệp được khảo sát cũng phản ánh việc Chính quyền chậm thông tin đến doanh nghiệp trên địa bàn, khó khăn trong việc liên hệ nhờ hỗ trợ xử lý tình huống. 

Đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 từ năm ngoái. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5%-1% là quá ít đối với doanh nghiệp. Tình trạng thiếu vắc xin khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đến lượt dù nằm trong ngành thiết yếu.

Doanh nghiệp ĐBSCL đuối sức trước dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: VCCI Cần Thơ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/da-so-doanh-nghiep-nho-o-dong-bang-song-cuu-long-bi-pha-san-ngung-hoat-dong-20210817220958081.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/