'Cuộc tấn công' thị trường châu Âu của các hãng ô tô điện Trung Quốc

Các nhà sản xuất ô tô điện (EV) của Trung Quốc đang nhắm tới châu Âu, với hy vọng đánh bại những “người khổng lồ” cùng ngành tại đây và nắm giữ được một phần thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ chính sách hướng tới mục tiêu không phát thải tại châu lục này.

Tuy nhiên, châu Âu là một thị trường ô tô đã quá đông đúc và cạnh tranh khốc liệt do các thương hiệu nổi tiếng thống trị tại đây từ lâu. Thị trường này đã từng tỏ ra khó chinh phục đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trong quá khứ. Liệu lần này, các nhà sản xuất đến từ thị trường tỷ dân có cơ hội thành công?

Những ấn tượng đã “ăn sâu bén rễ”

Khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tiến vào thị trường châu Âu, điều đầu tiên họ phải đối mặt và chấp nhận là định kiến rằng Trung Quốc - nơi chuyên sản xuất các sản phẩm hàng loạt với giá rẻ - khó có thể cạnh tranh về chất lượng với các nhà sản xuất châu Âu.

Ví dụ được đưa ra có thể kể đến trường hợp của Brilliance Auto Group hồi năm 2007. Chiếc xe của họ chỉ nhận được 1/5 sao trong một thử nghiệm va chạm xe hơi ở Đức – điều đã ảnh hưởng lớn tới thương hiệu của họ nói riêng và hình ảnh ô tô Trung Quốc nói chung.

Hiểu rõ định kiến này, ông William Li, Giám đốc điều hành (CEO) của nhà sản xuất EV Nio chia sẻ rằng ông nhìn thấy một con đường rất dài trước khi chinh phục được một thị trường đã phát triển, nơi vốn "rất khó để thành công".

Doanh nhân này cho biết, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể cần tới một thập kỷ để "có được chỗ đứng vững chắc" tại châu Âu. Dự báo này được chia sẻ bởi ông He Xiaopeng, CEO của hãng sản xuất xe điện Xpeng, người từng thừa nhận rằng công ty của ông cần 10 năm để xây dựng một nền tảng tốt tại thị trường này.

Nhiều người tiêu dùng châu Âu vẫn giữ quan điểm rằng một chiếc ô tô Trung Quốc không được làm với vật liệu tốt, rẻ tiền và quan trọng là không hỗ trợ cho việc làm của quốc gia. 

Nhưng nhiều người cũng cảm thấy điều đó không còn đúng trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu, nơi họ có thể dễ dàng tìm thấy phụ tùng ô tô của Đức trên một chiếc ô tô Trung Quốc và ngược lại.

Thực tế rằng các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của phương Tây như BMW và Tesla Inc hiện đang sản xuất ô tô tại cường quốc công nghệ Trung Quốc có thể giúp làm nhạt bớt này. Song chúng cần rất nhiều thời gian để xóa bỏ hoàn toàn.

Chưa hết hy vọng

Bất chấp quan điểm như vậy, vẫn có một nhóm nhỏ các nhà sản xuất EV của Trung Quốc muốn tiến vào thị trường châu Âu. Như Nio, nhà sản xuất EV này đã ra mắt chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) chạy điện ES8 của mình tại Oslo, Na Uy vào ngày 30/9. 

Đây là bước đột phá đầu tiên hướng ra thị trường bên ngoài Trung Quốc của một công ty hầu như chưa được biết đến ở châu Âu, mặc dù Nio được định giá khoảng 57 tỷ USD.

Ngoài Nio, một số các thương hiệu khác xa lạ với đa số người tiêu dùng châu Âu đã bắt đầu mở bán hoặc có kế hoạch mở bán ô tô ở châu lục này. Họ bao gồm Aiways, Tang của BYD Auto, MG của SAIC Motor, VOYAH của Dongfeng Motor và ORA của Great Wall Motors  - đều là những công ty sản xuất ô tô có tiếng của Trung Quốc.

Nhiều trong số những “người chơi” này mới chỉ bắt đầu sản xuất xe điện, nhưng họ tin rằng mình có cơ hội để thâm nhập thị trường "béo bở" của châu Âu.

Trong khi doanh số bán ô tô điện ở Liên minh châu Âu (EU) tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái và tăng 130% trong nửa đầu năm nay, các nhà sản xuất truyền thống vẫn đang từng bước chuyển các dòng xe cỡ lớn sang mẫu xe điện. Các “đại gia” này vẫn chưa thể cung cấp nhiều mẫu xe cho thị trường đang “khát” EV.

Ông Alexander Klose, người đứng đầu các hoạt động ở nước ngoài của Aiways, cũng là một cựu quản lý cấp cao của Ford cho biết, thị trường EV châu Âu vẫn chưa quá "nhộn nhịp". 

Đặc biệt là khi so sánh thị trường EU với thị trường xe dùng động cơ đốt trong, nơi mỗi nhà sản xuất ô tô lớn đều có đủ các mẫu xe khác nhau để phục vụ nhu cầu thị trường. Và đó chính điều giúp các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tin rằng họ có cơ hội.

Ngoài ra, ông Klose nói thêm rằng những thất bại trong quá khứ của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc giờ khó có thể làm tổn thương các nhà sản xuất EV Trung Quốc ngày nay. Vì người tiêu dùng đã trở nên quen với các thiết bị điện tử đến từ Trung Quốc.

Ưu thế về giá cũng sẽ hỗ trợ nhiều cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Như với Aiways, chiếc SUV Crossover U5 đang bán tại Đức, Hà Lan, Bỉ và Pháp của họ có giá khởi điểm 30.000 euro (35.000 USD) ở Đức - thấp hơn giá trung bình cho một chiếc xe mới và hầu hết các mẫu xe EV có tại địa phương này. Đó còn chưa kể đến mức trợ cấp 9.000 euro cho các chủ xe EV.

Cơ hội với các mô hình kinh doanh mới

Khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chuẩn bị thâm nhập thị trường châu Âu, họ đều thử nghiệm các mô hình kinh doanh khác nhau, từ việc dựa vào các nhà nhập khẩu, lựa chọn bên bán lẻ chi phí thấp hoặc xây dựng các đại lý truyền thống hơn.

Nio ra mắt chiếc SUV điện ES8 cùng với NIO House - một phần phòng trưng bày, một phần quán cà phê và không gian làm việc cho khách hàng ở thủ đô Oslo của Na Uy.

Sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Na Uy đối với xe điện đã đưa nước này vào nhóm đi đầu đầu tại châu Âu trong quá trình chuyển đổi sang xe điện. Bà Christina Bu, Tổng thư ký của Hiệp hội các nhà sản xuất xe điện Na Uy, cho biết chính sách đó giúp đưa Na Uy thành một điểm khởi đầu hợp lý cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc muốn tiến vào thị trường EV châu Âu. 

Vì các khách hàng Na Uy đã quen với xe điện, nên doanh nghiệp giờ chỉ cần xử lý vấn đề thương hiệu chưa có tiếng tăm của họ.

Bà cho biết thêm rằng tổ chức của bà đã nói chuyện với một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc muốn tìm hiểu thông tin cụ thể về thị trường các nước châu Âu, cũng như văn hóa người tiêu dùng trước khi tung ra sản phẩm trên thị trường đó.

Nhưng không phải ai cũng lựa chọn cách tiếp cận như vậy. Trong khi Nio và Xpeng đang thuê nhân viên xây dựng cơ sở tại Na Uy, MG của SAIC Motor lại làm việc thông qua một nhà nhập khẩu ô tô để bán sản phẩm tại một số thị trường châu Âu.

Aiways cũng đang thử một cách tiếp cận khác với chi phí thấp hơn, mặc dù ông Klose nói rằng chiến lược của họ sẽ thay đổi theo thị trường. 

Ví dụ khi ở Đức, công ty bán ô tô của mình thông qua Euronics, một hiệp hội các nhà bán lẻ điện tử độc lập, thay vì xây dựng các đại lý truyền thống như tại một số nước khác.

Ngoài ra, việc có thêm nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tham gia thị trường châu Âu cũng mang lại nhiều lợi ích vì sẽ giúp các thương hiệu Trung Quốc dễ được người tiêu dùng chấp nhận hơn.

Ông Arnie Richters, Chủ tịch của liên đoàn công nghiệp Platform for Electromobility cho biết việc bán ô tô cho người châu Âu là một công việc khó khăn, đặc biệt nếu sản phẩm đó không được nhiều người biết đến. 

Song ông thừa nhận nếu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mang tới nhiều ý tưởng, công nghệ đổi mới sáng tạo, cơ hội thành công của họ cũng sẽ lớn hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-tan-cong-thi-truong-chau-au-cua-cac-hang-o-to-dien-trung-quoc-20210930221635175.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/