Cuộc đại di cư của các mỏ đào bitcoin từ Trung Quốc đã bắt đầu

Thông điệp của chính phủ Trung Quốc đưa ra hôm 21/5 về việc thắt chặt hoạt động đào và trao đổi bitcoin đang làm ngành công nghiệp này lung lay dữ dội.

Người đàn ông quay video đeo khẩu trang, kính không gọng và đội một chiếc mũ trắng. Anh đang đứng gần lối vào một nhà kho có rất nhiều những chiếc máy tính nằm im lìm trong không gian nửa tối nửa sáng, theo Wirred.

Khi đưa camera một vòng để quay những chiếc máy, ông nói bằng Tiếng Trung. "Đây là hàng của anh. Chúng thậm chí còn chưa khởi động để đào bitcoin". Đoạn video được gửi tới một nhà đầu tư tiền mã hoá ở Thuỵ Sỹ này chỉ là một trong số rất nhiều tin nhắn tương tự được gửi đi từ Trung Quốc trong khoảng 2 tuần trở lại đây.

Cuộc di cư lớn của các mỏ đào bitcoin từ Trung Quốc đã bắt đầu - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp đào bitcoin ở Trung Quốc nín thở chờ đời quyết định từ chính phủ. (Ảnh: Financial Times)

Trung Quốc là tâm điểm ngành đào bitcoin thế giới, một ngành công nghiệp vốn tiêu tốn cực kỳ năng lượng để giải các thuật toán phức tạp. Theo Trung tâm Tài chính Thay thế của Đại học Cambridge, hơn 65% các thợ đào làm việc trên các mạng blockchain được đặt ở Trung Quốc tính đến thời điểm tháng 4/2021. Dù vậy, các mỏ đào đang vướng phải nhiều khó khăn sau tuyên bố của chính phủ Trung Quốc vào hôm 21/5 rằng Bắc Kinh sẽ "thắt chặt hoạt động đào bitcoin và trao đổi bitcoin".

Một số mỏ đào phản ứng bằng cách bán các thiết bị của mình. Theo ông Robert Van Kirk, giám đốc điều hành chợ trao đổi thiết bị đào tiền mã hoá Kaboomracks, các thợ đào Trung Quốc đang bán tháo thiết bị. Ngay cả khi các tuyên bố của chính phủ chưa được chuyển thành quy định, nhiều thợ đào đang cảm thấy nản lòng trước thái độ của các cơ quan chức năng.

"Thợ đào nhận ra rằng họ ở vị thế rủi ro khi vận hành ở Trung Quốc hơn những gì mà họ kỳ vọng", ông Van Kirk nhận định. "Họ sẽ rời đi, cho dù quyết định cuối cùng là gì". Theo ông Van Kirk, các mỏ đào đang được bán với chiết khấu sâu. Trong một số trường hợp, mức giảm có thể lên tới 40% so với chi phí thông thường.

Ông Van Kirk nói thêm rằng các doanh nhân quyết định bán mỏ đào của mình nhiều khả năng là những người có hợp đồng thuê nhà máy sắp hết hạn. Họ quyết định bán thiết bị của mình thay vì gia hạn hợp đồng vì quá nhiều yếu tố bất định trên thị trường.

Một số mỏ đào khác quyết định sẽ chuyển công việc kinh doanh đến các nơi khác. Dù vậy, hiện khá khó để dự đoán tỷ trọng mỏ đào chuyển ra khỏi Trung Quốc. Hiện tại, hashrate bitcoin (chỉ số máy đào được kết nối với mạng lưới) thấp hơn 1,5% so với số liệu ghi nhận vào ngày 21/5, theo Wired

Con số này cho thấy một cuộc di cư lớn khỏi Trung Quốc của các mỏ đào bitcoin chưa diễn ra song trong dài hạn, sự phân phối lại về địa lý của các mỏ đào là khó có thể tránh khỏi.

Đi tìm miền đất hứa tiếp theo

Nguồn tin thân cận với ngành đào bitcoin ở Trung Quốc nói rằng một số thợ đào sợ hãi đang chuyển máy móc sang Kazakhstan "chỉ sau một đêm". Với những người không thể chuyển dịch nhanh chóng, họ lên kế hoạch giảm quy mô hoạt động theo hướng phi tập trung và kín đáo hơn.

Didar Bekbauov là người đồng sáng một của Xive, công ty chuyên giúp các mỏ đào bitcoin tìm được không gian hoạt động và có các hợp đồng điện năng thuận tiện ở Trung Quốc. Bekbauov nói rằng, trong vòng 2 tuần trở lại đây, Xive liên tục nhận được yêu cầu tìm kiếm cơ hội hoạt động ở Kazakhstan của các mỏ đào Trung Quốc.

"Những người này đều đang đợi hướng dẫn làm rõ từ chính phủ Trung Quốc và họ tìm kiếm phương án B trong trường hợp chính phủ hạn chế hoặc cấm hoàn toàn đào bitcoin", Bekbauov chia sẻ.

Kazakhstan hiện đã chiểm tỷ trọng 6% trong ngành công nghiệp đào bitcoin của thế giới với lợi thế ở nguồn năng lượng than đá giá rẻ và khí hậu lạnh (các mỏ đào không phải đầu tư nhiều vào hệ thống làm mát máy móc). Một lợi thế khác của Kazakhstan là nó có chung đường biên giới với Trung Quốc, đặc biệt là Tân Cương, khu vực chiếm 1/3 lượng năng lực đào bitcoin của quốc gia tỷ dân. 

Theo ông Bekbauov, Kazakhstan có thể sẽ tăng gấp đôi năng lực đào bitcoin của mình song nó hoàn toàn có thể chỉ là một điểm dừng chân của các thợ đào mong muốn tìm kiếm một "ngôi nhà khác" cho các mỏ đào của mình. Và nơi đó có thể là Bắc Mỹ.

Alex Brammer, phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của công ty tiền mã hoá Luxor Tech, vẫn nhớ đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ Trung Quốc sau thông điệp hôm 21/5. "Chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các mỏ đào lớn cố gắng tìm kiếm địa điểm hoạt động ở Bắc Mỹ", ông chia sẻ. Những câu hỏi mà Brammer nhận được có thể là: "Anh có thể lắp đặt 20.000 máy trong 14 ngày không?"

"Tôi có thể nói rằng rất nhiều mỏ đào sẽ rời Trung Quốc trong 30 đến 60 đến 90 ngày tiếp theo", ông Brammer chia sẻ thêm.

Các doanh nhân không phải người Trung Quốc sẽ là những người khơi mào cho xu hướng này, ông Van Kirk của Kaboomrack nhận định. "Chúng tôi có khách hàng đang hoạt động ở Trung Quốc song họ là người Phương Tây và cũng muốn tìm nguồn lực bên ngoài Trung Quốc", ông chia sẻ. "Họ đang tìm kiếm các địa điểm ở Mỹ và Canada".

Bắc Mỹ không phải điểm đến tiềm năng duy nhất. Các khu vực ở Bắc Âu và Mỹ Latinh cũng được cân nhắc, ông Brammer chia sẻ. Các mỏ đào muốn tìm đến những nơi ổn định về cơ chế điều hành. 

Mỹ, hiện đang là quốc gia đào bitcoin nhiều thứ 2 thế giới, tỏ ra đặc biệt hấp dẫn.

Dù vậy, việc chuyển đổi là không dễ dàng. Brammer nói rằng việc vận chuyển hàng chục nghìn thiết bị từ Trung Quốc đến Mỹ là một cơn ác mộng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị Mỹ áp dụng thuế quan có thể lên tới 25%.

Bên cạnh đó, ngay cả khi máy móc được chuyển tới, việc thiết lập hoạt động đào bitcoin mới cũng mất khá nhiều thời gian. Bammer ước tính khoảng thời gian để xây dựng một mỏ đào bitcoin quy mô lớn có thể lên tới từ 12 đến 24 tháng ở Mỹ.

Edward Evenson, giám đốc phát triển kinh doanh công ty đào bitcoin Braiins, chia rẻ rằng các mỏ đào lớn sẽ chuyển thiết bị mới mua của các nhà sản xuất bên ngoài Trung Quốc để tăng tốc độ triển khai. "Các mỏ đào nhỏ có thể không có nguồn lực hoặc mối quan hệ để làm điều này, vì thế họ phải bán thiết bị", Evenson nói. 

Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có một cuộc tháo chạy thực sự khỏi Trung Quốc. Hiện tại, hầu hết các mỏ đào Trung Quốc đều đang chờ đợi động thái tiếp theo của chính phủ. "Các mỏ đào Trung Quốc, vốn có quan điểm rủi ro cao hơn các mỏ đào từ Phương Tây, phần lớn đều đang chờ đợi", Ian Wittkopp, Phó chủ tịch công ty đầu tư mạo hiểm Sino Global Capital, nói. 

Phần lớn các mỏ đào Trung Quốc đều đã trải qua các việc tương tự trong quá khứ. Vì việc chuyển dịch có chi phí rất cao, phần lớn mỏ đào sẽ chờ đợi trước khi ra quyết định.

Đây không phải đợt sóng đầu tiên Trung Quốc nhắm vào bitcoin. "Chính phủ vẫn đưa ra các tuyên bố tương tự mối năm hoặc mỗi hai năm từ năm 2013", ông Evenson nói. Song lần này có thể khác, nhất là trong bối cảnh chính phủ Nội Mông, một mỏ đào bitcoin lớn ở Trung Quốc, đã đệ trình một đề xuất cấm đào bitcoin. 

Bắc Kinh đang muốn nhắm đến các mỏ đào lớn, tiêu tốn nhiều điện năng từ than đá ở Nội Mông hay Tân Cương trước kế hoạch nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-dai-di-cu-cua-cac-mo-dao-bitcoin-tu-trung-quoc-da-bat-dau-20210607130241982.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/