Nhà đầu tư trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters).
Trong phiên giao dịch tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ tháng 6/2020 vào ngày 3/4, nhóm nhà đầu tư cá nhân, vốn đã nổi lên mạnh mẽ trên thị trường những năm gần đây, là một trong số ít những người mua vào.
Theo dữ liệu từ công ty môi giới Fidelity Investments, các nhà đầu tư cá nhân đã đổ xô mua vào nhiều tài sản ưa thích của họ, trong đó có cổ phiếu Nvidia và quỹ ETF Vanguard S&P 500, với hy vọng cú sụt giảm mới nhất của thị trường sẽ tạo ra cơ hội "đi ngược dòng" để kiếm lời dài hạn.
Amazon, Apple, Meta và Microsoft là một số công ty được giao dịch sôi nổi nhất trong số người dùng của Fidelity, với số lượng lệnh mua gấp 5-8 lần so với lệnh bán.
Ông Pedro Correia, một lập trình viên phần mềm tự do 30 tuổi, cho biết ông đang tích lũy kiến thức tài chính để xây dựng danh mục đầu tư hưu trí của riêng mình. Ông chia sẻ rằng ngay cả khi thị trường tiếp tục giảm, ông vẫn sẽ mua thêm để giảm giá vốn trung bình.
Tuần này, ông đã mua cổ phiếu của Amazon, Google và ASML. Ông tin rằng 10 năm nữa giá cổ phiếu sẽ cao hơn, vì vậy ông càng vui mừng khi giá giảm vì có thể mua được nhiều hơn.
Lời kêu gọi tận dụng đợt bán tháo để mua vào đang chi phối các diễn đàn trò chuyện của nhà giao dịch như Stocktwits và một loạt diễn đàn đầu tư trên Reddit.
Trên X, nhiều người dùng bình luận về việc thị trường chứng khoán đang "đại hạ giá" và khoe khoang về việc đã "săn" được cổ phiếu Amazon và Apple với giá rẻ.
Theo bà Emma Wu, chiến lược gia định lượng và phái sinh toàn cầu của JPMorgan, trong ba giờ giao dịch đầu tiên, các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 2,8 tỷ USD cổ phiếu, mức cao thứ hai được ghi nhận kể từ khi ngân hàng này bắt đầu theo dõi dữ liệu này 10 năm trước.
Phạm vi mua vào trải rộng từ các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đến cổ phiếu riêng lẻ, với lượng vốn đổ vào các ETF theo dõi S&P 500 tương đương với tổng lượng vốn đổ vào Nvidia và Tesla Inc.
Giữa cơn sốt mua vào, tỷ lệ cao các nhà đầu tư chọn mua ETF theo dõi S&P 500 và Nasdaq 100 cho thấy họ đang tìm cách mua vào một rổ cổ phiếu đa dạng hơn, thay vì chỉ tập trung vào các "ông lớn" công nghệ, vốn là những cổ phiếu kém hiệu quả nhất trong thời gian gần đây.
Tâm lý "mua vào khi giá giảm" từ lâu đã phổ biến trong giới đầu tư cá nhân, những người tin rằng thị trường chắc chắn sẽ tăng điểm trong dài hạn.
Trong đợt bán tháo đầu đại dịch COVID-19, nhóm nhà đầu tư cá nhân là một trong số ít nhóm mua vào khi những người khác bán ra, và nhiều người đã hưởng lợi từ quyết định đó.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư chuyên nghiệp lại không lạc quan như vậy. Theo một cuộc thăm dò của Hiệp hội các nhà quản lý đầu tư tích cực quốc gia của Mỹ, các công ty quản lý quỹ đã giảm tỷ trọng cổ phiếu Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023.
Trong khi đó, dữ liệu của Goldman Sachs Group cho thấy tháng 3 vừa qua, các quỹ đầu cơ đã bán tháo cổ phiếu toàn cầu với tốc độ nhanh nhất trong 12 năm.
Nhà quản lý quỹ nổi tiếng Bill Gross cảnh báo đây là một biến cố kinh tế và thị trường lịch sử, sánh ngang với sự kiện Mỹ từ bỏ bản vị vàng năm 1971, nhưng khác ở chỗ hậu quả tiêu cực lần này lại xảy ra ngay tức khắc.
Chỉ số S&P 500 giảm 4,8% và Nasdaq 100 giảm 5,4%, khiến tổng giá trị thị trường có thời điểm "bốc hơi" khoảng 3.000 tỷ USD. Các công ty như Apple, Nike và những công ty phụ thuộc vào sản xuất ở nước ngoài bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cu-truot-cua-chung-khoan-my-co-hoi-hay-cai-bay-202544134351924.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/