Cú sập khó tránh khỏi của ngành công nghiệp dầu mỏ Nga

Sản lượng dầu thô của Nga đã giảm và sẽ tiếp tục lao dốc trong nhiều tháng cũng như vài năm tới vì Moscow không thể chuyển toàn bộ lượng dầu xuất từ phương Tây sang Trung Quốc và Ấn Độ.

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thảo luận để tiến tới cấm nhập khẩu dầu thô của Nga trong 6 tháng tới và từ bỏ hoàn toàn các sản phẩm tinh chế khác vào cuối năm. Dự kiến, khối kinh tế chung sẽ cấp miễn trừ cho Hungary và Slovakia trong hai năm để đổi lấy sự ủng hộ của hai nước này đối với đề xuất cấm vận mới.

Giữa lúc này, các khách hàng ở châu Âu cũng như các tập đoàn thương mại thế giới đang ngày càng tránh xa dầu của Nga. Cùng lúc, loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây đã buộc các nhà khai thác ở xứ sở Bạch Dương phải giảm sản lượng dầu.

Giờ đây, Nga đơn giản là không có đủ kho chứa dầu và các khách hàng mới của họ tại châu Á sẽ không tài nào mua toàn bộ lượng dầu thô mà châu Âu sắp từ chối, oilprice.com kết luận.

Giới phân tích còn nhận định, các lệnh cấm vận và trừng phạt đối với cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine sẽ làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga trong nhiều năm tới.

Chưa kể, việc khó tiếp cận các công nghệ khai thác của phương Tây còn khiến các giếng dầu bị hư hại và sản lượng của Nga đi xuống. Khi đó, nhiều giếng dầu sẽ không bao giờ có thể “hồi sinh” để bơm dầu trở lại.

Từng bước sụp đổ của ngành dầu mỏ Nga

Khi Nga mới tấn công Ukraine vào cuối tháng 3, Standard Chartered đã cảnh báo rằng Nga sẽ phải đóng cửa một số cơ sở khai thác dầu vì họ không thể bán toàn bộ lượng dầu thô dự kiến bán cho thị trường châu Âu sang các khu vực khác.

Đại gia ngân hàng Anh cho biết: “Chúng tôi dự đoán người mua sẽ tiếp tục tránh né các sản phẩm năng lượng từ Nga. Đồng thời, các nhà khai thác tại đất nước Liên Xô cũ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, thiết bị và công nghệ. Chung quy, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm trong ít nhất ba năm tới”.

Hơn hai tháng sau, áp lực từ phương Tây đối với ngành công nghiệp năng lượng của Nga đã leo thang đến độ EU sắp sửa cấm vận dầu mỏ của nước này.

Dù đề xuất của khu vực Eurozone đang vấp phải sự phản đối từ một vài nước như Hungary, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng EU cuối cùng sẽ đạt được thỏa hiệp để ban hành lệnh cấm chính thức.

Mặt khác, trong khi phương Tây quyết liệt chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - các khách hàng không thể khước từ những lô dầu giá rẻ từ xứ sở Bạch Dương, đã ra sức gom hàng.

Tuy nhiên, hai nước này cũng không thể bù đắp hoàn toàn khoản lỗ mà phương Tây gây ra cho các công ty dầu khí Nga. Hơn nữa, Nga sẽ phải mất nhiều năm để chuyển hướng dòng chảy năng lượng sang các nước châu Á mới nổi.

Ông Daria Melnik, nhà phân tích cao cấp của Rystad Energy, cho hay: “Việc chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á sẽ mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng”.

“Trong trung hạn, chúng ta sẽ chứng kiến sản lượng và doanh thu từ dầu mỏ của Nga giảm mạnh”, vị chuyên gia cảnh báo với nền tảng oilprice.com.

Ông Putin ghé thăm một giàn khoan dầu của Lukoil tại Biển Caspi, năm 2010. (Ảnh: Reuters).

Trao đổi với Insider, nhà phân tích Matt Smith của Kpler, có nhận định tương tự: “Một lệnh cấm vận của EU lên dầu thô của Nga chắc chắn sẽ làm ngành công nghiệp dầu khí nước này chao đảo.

Nga sẽ chật vật tìm kiếm các khách hàng thay thế và phải giảm sản lượng. Cuối cùng, nguồn doanh thu mà nền kinh tế Nga phụ thuộc vào sẽ tụt dốc”.

Tương tự với chính phủ các nước phương Tây, các hãng thương mại quốc tế lớn cũng thông báo sẽ giảm hoặc loại bỏ việc mua dầu thô của Nga trong vài tuần tới.

Bloomberg dẫn lời nguồn tin thân cận cho biết, gã khổng lồ Vitol có kế hoạch giảm bớt các hoạt động kinh doanh liên quan dầu thô Nga vào cuối năm nay.

Bản thân Moscow dường như đã lường trước sự đi xuống của ngành công nghiệp dầu mỏ địa phương. Hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov dự đoán, sản lượng dầu của Nga có thể sụt 17% trong năm nay vì các lệnh trừng phạt. Riêng trong tháng 4, sản lượng đã mất 9% so với tháng trước đó.

Ở cuộc phỏng vấn cùng CNBC, CEO Bernard Looney của BP cảnh báo, nguồn cung bị mất từ Nga hiện rơi vào khoảng 1 triệu thùng/ngày và có thể tăng gấp đôi trong tháng 5. Còn Rystad Energy dự đoán so với năm 2021, sản lượng dầu của Nga có thể mất 2 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

“Tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn do doanh nghiệp khai thác thiếu vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài. Điều này sẽ khiến hoạt động khai thác chững lại. Kết quả là, sản lượng của Nga sẽ không thể quay trở lại mức trước xung đột kể cả vào năm 2026”, Rystad đưa ra dự báo u ám.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cu-sap-kho-tranh-khoi-cua-nganh-cong-nghiep-dau-mo-nga--202251018220253.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/