CPI 8 tháng ước tăng 2,6%, Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được lạm phát?

Theo ước tính của TCTK, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 0,006% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58%-2,6% so với cùng kỳ năm 2021 và cả năm trong khoảng 3,4-3,7%.

Báo cáo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá cách đây ít ngày, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, kinh tế đất nước phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của hàng hóa thế giới đã đẩy. hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên, nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt 

Số liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 0,006% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58%-2,6% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo CPI bình quân cả năm trong khoảng 3,4-3,7%. 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự bảo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37-3,87%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,7% (dao động khoảng 0,3%). 

Điều này cho thấy, lạm phát đã được kiểm soát khá tốt và khó có thể cao hơn mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra. Điều này tạo dư địa cho phát triển kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì CPI của Việt Nam nằm trong nhóm cận thấp. Trong 7 tháng tăng CPI 2,54%, nằm trong nhóm CPI tăng cận thấp, khoảng 2-3%, tương đương với các nước: Malaysia, Indonesia, Brunei,…; trong khi đó nhiều nước EU, Mỹ, Canada nằm trong nhóm CPI tăng cao trên 8%.

 TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Ảnh: tinnhanhchungkhoan).

Việt Nam đang kiểm soát rất tốt lạm phát

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cũng cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt vấn đề lạm phát.

Mặt bằng giá cả hàng hoá dịch vụ phụ thuộc vào mức giá bình quân của các mặt hàng chiến lược, hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu của các ngành sản xuất. Nhu cầu tiêu dùng và cân đối cung - cầu các hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong hình thành mặt bằng giá hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế. 

Về thuận lợi, phần lớn các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế chúng ta chủ động được nguồn cung như: lương thực, thực phẩm; dịch vụ giáo dục, y tế, điện và các loại hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp luôn chủ động, linh hoạt tìm kiếm và đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá và dịch vụ cho nhu cầu của nền kinh tế.

Giai đoạn từ đầu năm đến nay, Việt Nam luôn chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm nên hạn chế được tốc độ tăng giá của mặt hàng này trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế, nhất là sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Nguyên Tổng cục trưởng TCTK nhìn nhận, việc chủ động nguồn cung với giá ổn định lương thực và thực phẩm là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát những tháng đầu năm 2022. 

Chính phủ cũng luôn chủ động, phối hợp hiệu quả với Quốc hội xử lý khẩn trương, đầy trách nhiệm trong điều hành giá hàng hoá và dịch vụ để kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Chính phủ đã trình Quốc hội 2 lần giảm mức thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu xuống mức giá sàn. Gần đây Chính phủ cũng đã chỉ đạo kịp thời khi giá thịt lợn có xu hướng tăng cao.

Đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng, Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo để tránh tình trạng tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý. Một loạt các nhóm hàng và dịch vụ có tác động lớn tới lạm phát cũng được kiểm soát rất chặt chẽ, như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, điện chưa tăng giá theo lộ trình. 

Tuy nhiên, theo TS. Lâm, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức từ việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu. Việc đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với bất ổn địa chính trị chưa được khắc phục và chưa có hồi kết cũng là thách thức không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam nói riêng cũng như đối với kinh tế thế giới nói chung.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (Ảnh: Hạ An).

Lạm phát chủ yếu từ chi phí đẩy

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng nền kinh tế đang phục hồi tương đối tốt, các lĩnh vực chính, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… đang trở về trạng thái trước dịch. Xuất khẩu tăng trưởng tích cực khoảng 15%. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trưởng tích cực 6-8%, trong đó đầu tư FDI cũng ghi nhận sự tích cực.

Đáng chú ý, lĩnh vực tiêu dùng, mảng bán lẻ phục hồi về trạng thái trước dịch, tăng danh nghĩa khoảng 16%, cần trừ lạm phát sẽ còn khoảng 12%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Các dự báo hiện nay cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% với lạm phát ở khoảng 4% trong năm nay và năm tới.

"Trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu chúng ta có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá heo thì hoàn toàn có cơ sở để tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%", TS. Lực cho hay. 

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính ,Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam chủ yếu từ nhập khẩu, lạm phát từ nội tại không nhiều khi chính sách tài khoá và tiền tệ rất linh hoạt. 

Giai đoạn kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam không in thêm tiền, không phát hành tiền trong ngân sách chi tiêu từ đó giúp kiểm soát lạm phát.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cpi-8-thang-uoc-tang-26-viet-nam-hoan-toan-kiem-soat-duoc-lam-phat-2022826114247345.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/