COVID-19 tạo thách thức lớn, ngành xi măng tìm giải pháp vượt thời khắc ảm đạm

Ngành xi măng đang trải qua giai đoạn khá khó khăn, doanh số suy giảm, cung vượt cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, cngành hàng vẫn nỗ lực vượt khó, đầu tư máy móc thiết bị, đa dạng sản phẩm, nâng cấp chất lượng để đón đầu thời hậu COVID-19.

Gặp khó cả nội địa và xuất khẩu

Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy là xi măng cũng là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn từ dịch COVID-19 khi lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều sụt giảm mạng trong những tháng đầu năm nay.

Cụ thể, trong tháng 4/2020, xuất khẩu xi măng chỉ đạt 690.000 tấn, giảm 33% so với tháng 4/2019 và giảm 25% so với tháng 3/2020.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu xi măng đạt hơn 3,9 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kì năm 2019.

Tại thị trường nội địa, tổng lượng xi măng tiêu thụ tháng 4 đạt hơn 1,9 triệu tấn, giảm 11% so với tháng 4/2019 và giảm 13% so với tháng 3/2020. Cộng dồn 4 tháng qua, lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 19,25 triệu tấn, giảm 4% so với 4 tháng đầu năm 2019.

Thị trường vật liệu xây dựng thiệt hại lớn vì dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tháng 4 năm 2020. Nguồn: Hiệp hội xi măng Việt Nam.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết: "Khó khăn với ngành xi măng là khó khăn mang tính thời điểm. 

Tháng 1 và tháng 2 là thời điểm cận Tết và Tết nên tiêu thụ xi măng trong nước giảm, tháng 3 tiêu thụ tốt hơn 2 tháng trước nhưng đến tháng 4 do thực hiện lệnh giãn cách xã hội, lượng tiêu thụ xi măng lại giảm.

Kéo theo đó, các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp nhiều khó khăn cả ở thị trường tiêu thụ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, mặc dù sản xuất vẫn duy trì tốt".

Thị trường vật liệu xây dựng thiệt hại lớn vì dịch Covid-19  - Ảnh 2.

Xuất khẩu xi măng sụt giảm 4 tháng liên tiếp. Nguồn: Hiệp hội xi măng Việt Nam.

Cũng theo ông Cung, trong quí I/2020, thị trường bất động sản TP HCM chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc nhà ở. 

Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về vật liệu xây dựng như: sắt thép, xi măng, gạch xây, gạch men, thiết bị nội thất… đều giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do các chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc nhiều địa phương hạn chế phê duyệt dự án mới, kéo theo đó các doanh nghiệp vật liệu xây dưng cũng gặp khó. 

Ngoài ra, các dự án công trình xây dựng lớn, trọng điểm về hạ tầng giao thông bị ngưng trễ do tác động từ dịch COVID-19 cũng tác động trực tiếp đến thị trường vật liệu xây dựng nói chung và xi măng nói riêng.

Trong khi đó, nhận định của Ban lãnh đạo CTCP Xi măng Bỉm Sơn về xu hướng ngành xi măng năm 2020 cho biết, cả nước có 86 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước ước khoảng 69 - 70 triệu tấn, dư thừa hơn 30 triệu tấn.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất buộc phải xuất khẩu, do vậy áp lực về tiêu thụ xi măng nội địa rất lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ.

Tuy nhiên, theo dự báo sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng, cùng với việc áp dụng thuế tự vệ của Philippines có thể sẽ khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam càng gặp nhiều khó khăn hơn, cạnh tranh về giá càng gia tăng.

Trong khó khăn vẫn tìm cửa sáng

Mặc dù triển vọng ngành xây dựng, vật liệu xây dựng trong năm 2020 không khả quan, nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng, đây chính là giai đoạn thị trường tự điều chỉnh, tiến tới tái cấu trúc, nói cách khác, thị trường sàng lọc yếu tố chưa phù hợp để phát triển theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn.

Với Xi măng Bỉm Sơn, Trong năm 2020, công ty đặt mục tiêu đẩy nhanh triển khai thực hiện đầu tư dự án Kho nguyên liệu mới. 

Về tiến độ dự án, Xi măng Bỉm Sơn đang hoàn thành lập dự toán gói thầu, HSMT gói thầu số 1 “Cung cấp thiết kế, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật”; để thẩm định, phê duyệt, phát hành HSMT và lựa chọn nhà thầu.

Đối với dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện, công ty phối hợp với tư vấn FL.Smidth, Kawasaki và CCID tính toán làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án để phê duyệt. 

Theo đó, Hội đồng quản trị Xi măng Bỉm Sơn dự kiến sẽ trình HĐĐCĐ thông qua kế hoạch sản xuất clinker tăng 7% so với năm ngoái; sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker dự kiến tăng trưởng lần lượt 12% và 99%. Mục tiêu doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 4.647 tỉ đồng, tăng trưởng 21%.

COVID-19 tạo thách thức lớn, ngành xi măng tìm giải pháp vượt thời khắc ảm đạm - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết mặc chưa có số liệu của tháng 5/2020 nhưng khi bước qua tháng 5 tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động đầu tư xây dựng trở lại bình thường nên nhu cầu tiêu thụ xi măng có xu hướng tăng trở lại.

Tín hiệu đáng mừng khác là vẫn có nhiều doanh nghiệp gần như không giảm, tiêu thụ không giảm, thậm chí còn có doanh nghiệp ghi nhận giá trị gia tăng cao hơn năm ngoái.

"Ví dụ như doanh nghiệp Trung Đô (Vinh) mọi chỉ tiêu đều vượt so với cùng kì năm ngoái hay Gốm Đất Việt cũng tương đương với năm ngoái vì họ vẫn sản xuất và tiêu thụ được tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Thực tế, vật liệu xây dựng vẫn không kém lắm so với các ngành hàng khác như hàng không, du lịch. Một số doanh nghiệp lớn vẫn đang nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tối ưu hóa năng lực sản xuất, cân đối sản lượng theo mùa vụ. Còn lại, nhiều doanh nghiệp tập trung vào tiêu thụ nội địa và phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước", ông Cung chia sẻ.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng một xu hướng mà doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng có thể hướng đến trong thời gian tới là giảm sản lượng, đổi mới công nghệ để tăng chất lượng. 

Bởi đã đến thời kì doanh nghiệp không nên chỉ coi trọng doanh thu mà phải coi trọng lợi nhuận và đặc biệt là chất lượng sản phẩm.

Đây cũng chính là điểm mấu chốt mà các doanh nghiệp xi măng Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế để luôn đối diện, chủ động giải quyết khó khăn thách thức của giai đoạn hậu dịch bệnh.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/covid-19-tao-thach-thuc-lon-nganh-xi-mang-tim-giai-phap-vuot-thoi-khac-am-dam-20200619115736647.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/