Công ty du lịch, khách sạn, homestay tại Đà Nẵng lao đao vì dịch COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến cho các doanh nghiệp lại một phen điêu đứng. Tuy vậy, các đơn vị làm dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng vẫn lạc quan, kiên cường chống đỡ trước "cơn bão" đại dịch.

Công ty du lịch, khách sạn, homestay tại Đà Nẵng lao đao vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Khách hàng chụp ảnh khi du lịch tại Đà Nẵng trước dịch (Nguồn: Du lịch Việt Nam).

Dịch bệnh bùng phát trở lại ngay đúng trong giai đoạn toàn quốc triển khai loạt chương trình kích cầu, thu hút đông đảo khách du lịch nội địa trong đó Đà Nẵng được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn lại khiến nhiều doanh nghiệp đã khó nay lại càng khó.

Ngay sau ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện, hàng loạt biện pháp phòng chống dịch như khoanh vùng ổ dịch, thực hiện giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ, tuyên truyền trong cộng đồng đã được triển khai.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thống kê từ đầu tháng 7 đã có hơn 800.000 người đã từng đi đến Đà Nẵng và trở về các địa phương cho thấy nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Tại Hà Nội, đã có 72.000 người thực hiện khai báo y tế đã trở về từ Đà Nẵng trong tháng 7 và con số tại TP HCM theo cập nhật vào sáng nay (3/8) là hơn 36.700 người.

Không có khách lưu trú

Hoạt động từ tháng 2/2019, bà Nguyễn Thị Kim Dung, chủ một homestay trên phố Phó Đức Chính, TP Đà Nẵng, cho biết hiện tại homestay chỉ có 3/8 phòng có khách, chủ yếu là khách nước ngoài lưu trú dài hạn tại Việt Nam.

Sau đợt nới lỏng giãn cách xã hội từ cuối tháng 4, hoạt động kinh doanh của gia đình bà Dung có chút khởi sắc. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiệu suất đặt phòng homestay chưa thể khôi phục so với năm trước.

"Giai đoạn cao điểm du lịch thường rơi vào những tháng hè, nhưng năm nay hiệu suất đặt phòng không cao, rất ít ngày trong tuần hiệu suất đặt phòng đạt 100% như năm ngoái. Gia đình tôi ước tính, doanh thu những tháng hè cao điểm giảm xuống chỉ còn 50% so với cùng kì năm ngoái", bà Dung chia sẻ.

Trong những tháng phục hồi, homestay của gia đình bà Dung chỉ đón các khách du lịch nội địa lưu trú ngắn ngày. "Gia đình tôi may mắn hơn khi chỉ thuê một vài nhân viên để hỗ trợ công việc kinh doanh. Nhiều gia đình khác phải chịu áp lực chi phí lớn, rồi cũng không trụ nổi đành phải đóng cửa hoạt động", bà Dung tiết lộ.

"Với tình hình hiện tại, gia đình tôi sẽ cố gắng trụ vững từ nguồn thu đối với các khách thuê dài hạn. Tôi tin rằng sau những thành công trong công tác phòng chống dịch lần đầu, mọi thứ sẽ hoạt động tốt trở lại", bà nói thêm.

Công ty du lịch, khách sạn, homestay tại Đà Nẵng lao đao vì dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Một homestay tại Đà Nẵng (Nguồn: Booking.com).

Nằm trong vùng bị phong tỏa, bà Dương Thị Thanh Hà, chủ khách sạn Thanh Hà thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, cho biết từ 4 - 5 năm trở lại đây, có tới 50 - 60% là khách nước ngoài tới đặt phòng khách sạn, khách nội địa chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Toàn bộ khách nội địa chỉ tập trung vào các tháng 5, 6 và 7, cho nên nếu không có khách nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu hay Mĩ để bù vào thì không thể nào gánh vác nổi chi phí.

"Khi hoạt động du lịch đóng cửa một lần nữa, phía khách sạn chỉ có 3/30 phòng đang được sử dụng, tất cả là khách nước ngoài do họ bị mắc kẹt, lỡ chuyến bay không thể về nước được", bà Hà nói.

Bà chủ khách sạn này chia sẻ, hầu hết những người khi đầu tư và xây khách sạn luôn kì vọng hoạt động kinh doanh trong tương lai sẽ tốt. Với tình hình khó khăn chung như hiện nay, để nghĩ tới việc đó quả thật rất khó thực hiện.

Không ít các chủ đầu tư vào khách sạn đã và đang sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng. Khi dịch vụ đóng cửa, doanh thu bị ngưng trệ, nhưng gốc và lãi vay ngân hàng vẫn "nhảy đều" từng ngày.

Ngoài việc hỗ trợ khách lưu trú lại khách sạn, bà Hà cũng như nhiều đơn vị khác tại TP Đà Nẵng cũng chủ động hỗ trợ du khách khi khó khăn, ví dụ như khách hàng có thể chi trả các chi phí khi đã có tiền, hỗ trợ một phần trong sinh hoạt, ăn uống...

"Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng hết sức để tồn tại và vượt qua cơn "đại hồng thủy" lần này. Nếu có thể, chúng tôi cũng mong chính phủ có các chính sách giãn nợ cho phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chúng tôi cũng cố gắng tự gánh vác bởi dù sao đây cũng là khó khăn chung", bà Hà nói.

Công ty du lịch đã bình tĩnh, chủ động hơn rất nhiều

Khác với đợt dịch lần trước, các công ty du lịch tại TP Đà Nẵng đã bình tĩnh và chủ động hơn rất nhiều trong đợt bùng dịch trở lại này. Bên cạnh đó, nhiều công ty cùng giúp đỡ lẫn nhau và hỗ trợ khách du lịch trong giai đoạn khó khăn.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), cho biết đợt dịch đầu tiên đã khiến cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, chịu nhiều thiệt hại.

Công ty du lịch, khách sạn, homestay tại Đà Nẵng lao đao vì dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vitours. (Ảnh: CTV).

Trong tháng 8, công ty cũng đã dự kiến đón đoàn hơn 400 người từ Hà Nội và TP HCM tới Đà Nẵng tuy nhiên trước diễn biến bất ngờ của dịch COVID-19, tất cả đều bị hủy.

Vitours đã hỗ trợ bằng cách làm việc lại với các đơn vị cung ứng dịch vụ để cân đối chính sách phù hợp hoàn tiền lại cho khách, bên cạnh đó công ty cũng liên hệ với các hãng bay và hãng xe du lịch để hỗ trợ đưa khách rời Đà Nẵng.

"So với đợt dịch bùng phát lần đầu, khách hàng cũng đã hiểu và thông cảm với công ty hơn nên chúng tôi cũng vơi đi một phần áp lực. Mặc dù tâm lí người dân vẫn còn e ngại việc di chuyển nhưng họ cũng đã hưởng ứng nhiệt tình trong tháng kích cầu du lịch, chúng tôi coi điều đó là nguồn động lực để phục vụ hết mình cho khách hàng", ông Tùng chia sẻ.

Ông cũng nói thêm, chỉ khi có vắc xin phòng COVID-19 thì các doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động tốt. Đồng thời, sau khi đã kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ việc làm. Đối với doanh nghiệp cần có các hỗ trợ về thuế và có các chương trình khởi động lại nền kinh tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cong-ty-du-lich-khach-san-homestay-tai-da-nang-lao-dao-vi-dich-covid-19-20200802231609134.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/