Công an TPHCM thông tin chính thức vụ bắt lãnh đạo IPC và Sadeco

Ngày 22/5, Công an TPHCM cho biết, trên cơ sở hồ sơ tài liệu do Thanh tra TPHCM chuyển giao và qua kết quả điều tra có đủ tài liệu, chứng cứ xác định Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ngày 22/5, Công an TPHCM cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TPHCM đã tiếp nhận hồ sơ và Kết luận số 33/KL-TTTP-P6 ngày 18/10/2018 của Thanh tra TPHCM trong đó có kiến nghị điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco có dấu hiệu gây thiệt hại cho tài sản của công ty và của Nhà nước.

Trên cơ sở hồ sơ tài liệu do Thanh tra TPHCM chuyển giao và kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TPHCM có đủ tài liệu, chứng cứ xác định Tề Trí Dũng (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco) và Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Sadeco) có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Công an TPHCM thông tin chính thức vụ bắt lãnh đạo IPC và Sadeco - Ảnh 1.

Công an TPHCM đang mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco. Ảnh Văn Minh

Cụ thể, cả hai có vi phạm pháp luật hình sự trong việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và trong việc quản lý, sử dụng nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát tại Sadeco.

Đến ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc về tội "Tham ô tài sản" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 353 và Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Lộ 'nhóm lợi ích' thâu tóm tài sản nhà nước?

Trước đó như Tiền Phong đưa tin, Thanh tra TP HCM đã có kết luận và chỉ ra nhiều sai phạm, thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của IPC.

Từ đây bóng dáng của một nhóm cán bộ “cùng hội, cùng thuyền” gắn bó mật thiết về lợi ích đã hiện rõ thông qua việc lũng đoạn ngân sách và tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra…

Công an TPHCM thông tin chính thức vụ bắt lãnh đạo IPC và Sadeco - Ảnh 2.

Bị can Tề Trí Dũng

Kết luận thanh tra chỉ ra việc kinh doanh bất động sản của IPC xảy ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể: Tại dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TPHCM). Năm 2016, ông Tề Trí Dũng đã tự ý ký 4 hợp đồng chuyển nhượng, ông Trần Đăng Linh ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 20.000 m2, đơn giá từ 7 triệu đồng/m2, mà không thông qua đấu giá.

Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang mở rộng điều tra làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bà Hồ Thị Thanh Phúc để duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng Hội đồng Quản trị (HĐQT) cho các thành viên HĐQT sử dụng trái quy định, tạo điều kiện cho một số thành viên HĐQT chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Có nhiều chứng cứ cho thấy lợi dụng danh nghĩa là Tổng Giám đốc Sadeco, bà Phúc đã đề xuất để ông Tề Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sadeco duyệt chi nhiều khoản tiền “khủng” cho mình và các thành viên HĐQT để chiếm đoạt số tiền lớn của nhà nước.

Công an TPHCM thông tin chính thức vụ bắt lãnh đạo IPC và Sadeco - Ảnh 3.

Kết luận Thanh tra TPHCM chỉ ra nhiều sai phạm tại IPC. Ảnh Văn Minh

Điều đáng nói, ông Tề Trí Dũng giữ vai trò đại diện vốn của IPC tại 4 đơn vị thành viên của IPC. Ông Dũng được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc IPC vào tháng 5/2015 theo Quyết định số 138/QĐ-UBND-TC do ông Tất Thành Cang, khi đó đang là Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký.

Liên quan đến các phi vụ chuyển nhượng cổ phần, đạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm doanh nghiệp nhà nước đang ăn nên làm ra của IPC và Sadeco, vai trò của ông Tất Thành Cang khi đó giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nổi lên khá rõ. Từng là Phó Chủ tịch UBND TPHCM và Văn phòng Thành ủy TPHCM có cổ phần trong IPC, không thể nói ông Tất Thành Cang không biết khi duyệt phương án tái cơ cấu, Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu IPC không được giảm tỷ lệ vốn sở hữu để nhà nước giữ quyền chi phối tại Sadeco.

Tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco... IPC đã yêu cầu Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố trình UBND TPHCM phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%. Theo Thanh tra TPHCM, văn bản 495 chỉ truyền đạt ý kiến cá nhân của ông Tất Thành Cang, không phải của tập thể Thường trực Thành ủy.

Trước khi bị công ty Nguyễn Kim “thâu tóm”, nhóm cổ đông nhà nước sở hữu 62,8% vốn điều lệ của Sadeco, trong đó Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm giữ khoảng 2% vốn; công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy) nắm giữ khoảng 15% vốn.

Càng khó hiểu hơn khi Thanh tra TPHCM vừa vào cuộc, dù thu được khoản lợi khổng lồ, lần lượt các công ty Nguyễn Kim, Tuấn Lộc … đã trả lại số cổ phần đã mua cho IPC. Theo điều tra của Tiền Phong, vào năm 2015, nhờ mua được 5 triệu cổ phiếu Sadeco sau đó bán lại cho công ty Nguyễn Kim, công ty Exim đã thu được lợi nhuận lên tới hơn 150 tỷ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cong-an-tphcm-thong-tin-chinh-thuc-vu-bat-lanh-dao-ipc-va-sadeco-2019052211035347.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/