COMA 18 nợ 'chồng chất', chung cư Westa bàn giao 5 năm vẫn còn hàng chục căn hộ 'bỏ không'

Công ty cổ phần COMA 18 đang lâm vào tình cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất do nhiều năm liền kinh doanh thua lỗ. Kéo theo đó là hàng trăm hộ dân chung cư Westa chưa biết bao giờ mới đòi được sổ đỏ vì dự án đang bị thế chấp ngân hàng.

COMA 18 thua lỗ triền miên

Mới đây, cư dân chung cư Westa (Hà Đông) đồng loạt căng băng rôn phải đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) vì chậm bàn giao sổ đỏ và 2% quỹ bảo trì. Trả lời cư dân bằng văn bản, đại diện chủ đầu tư cho biết, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính do việc sản xuất kinh doanh nhiều năm liền thua lỗ, không hiệu quả, công ty phải đối mặt với các khoản nợ ngân hàng, nhà thầu, nợ thuế, nợ lương,… Đây cũng là lý do mà COMA 18 không bàn giao được kinh phí bảo trì cho cư dân và đem dự án Westa đi thế chấp ngân hàng từ năm 2011.

Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất những năm gần đây của COMA 18 (Mã: CIG) cho thấy, doanh nghiệp này đang lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính.

Năm 2016, kết quả kinh doanh của CIG lãi hơn 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, số lãi này chưa đủ bù đắp số lỗ lũy kế từ năm 2015 chuyển sang là hơn 129 tỉ đồng. Lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2016 của CIG là 127,6 tỉ đồng.

Năm 2017, LNST của COMA 18 cũng là một con số âm. Theo đó, LNST năm 2017 của CIG là hơn 233 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2017 là -127,8 tỉ đồng.

Năm 2018, kết quả kinh doanh ghi nhận con số khá bất ngờ. Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm này của COMA 18 đạt 24,3 tỉ đồng, LNST đạt 2,3 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2017 (233 triệu đồng).

Nếu xét theo kết quả kinh doanh qua các quý năm 2018, CIG ghi nhận các khoản lỗ và lãi đan xen. Cụ thể, BCTC hợp nhất các quý năm 2018 của COMA 18 ghi nhận doanh nghiệp này lỗ 819 triệu đồng trong quý 1, lãi 15,5 tỉ đồng trong quý 2, lỗ hơn 304 triệu đồng trong quý 3…

Tháng 10/2018, CIG có báo cáo giải trình về việc lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3/2018 biến động so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, ông Đỗ Quang Khuê, Tổng giám đốc Coma18 cho biết, doanh thu quý 3/2018 trên báo cáo tài chính tổng hợp và báo cáo tài chính đơn vị cấp trên - khối văn phòng công ty giảm do doanh nghiệp không còn doanh thu sản xuất cơ khí nữa.Hiện tại, CIG đang tạm thời dừng hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng do hoạt động không hiệu quả.

Trước mắt, để duy trì và tận thu, CIG đã cho thuê mặt bằng dẫn đến thu nhập khác tăng và đi vào khai thác hạ tầng các dự án khu công nghiệp. Trong đó, có khu công nghiệp Kim Thành – Hải Dương đang ở giai đoạn đầu nên chưa có doanh thu.

"Dự án chưa có doanh thu nhưng công ty đã phải chi phí quỹ lương nhân viên", đại diện COMA 18 cho hay.

Sang 3 tháng đầu năm 2019, kết quả kinh doanh của CIG ghi nhận không mấy khả quan. Cụ thể, hết quý 1/2019, CIG lỗ 81,5 triệu đồng sau thuế. Giải trình về kết quả này, COMA 18 cho biết, doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng do một thời gian dài hoạt động không hiệu quả. Hiện nay toàn bộ nhân lực của công ty đang tập trung vào dự án khai thác hạ tầng khu công nghiệp (dự án này chưa phát sinh doanh thu) nhưng công ty đã phải lo chi phí cho quỹ lương của các dự án này.

Đến hết tháng 3/2019, COMA 18 đang gánh khoản nợ khoảng 519 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,3% so cùng kỳ. Trong số này, nợ ngắn hạn là 423,4 tỉ đồng, chiếm 81,5%. Trong khi đó, tính đến hết quý ngày 31/3/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 736 tỉ đồng.

Theo phản ánh của báo chí, ngày 18/4, COMA 18 tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 lần 1 nhưng không thành công do chỉ có 101 cổ đông đại diện cho 18,7% vốn điều lệ tham dự. Hiện COMA 18 có khoảng 556 cổ đông đại diện 31,5 triệu cổ phần.

Ngày 3/5 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu CIG vào diện cảnh báo từ ngày 9/5 do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2018 quá 15 ngày theo quy định.

Dự án giao nhà cách đây 5 năm, hiện vẫn còn 45 căn hộ "ế" khách

Theo BCTC tổng hợp quý 1/2019 của CIG, hết quý này, hàng tồn kho của doanh nghiệp này là 316,8 tỉ đồng, trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án tòa nhà cao cấp Westa là 295,6 tỉ đồng. Tại báo cáo tài chính hợp nhất 2018, Công ty kiểm toán CPA Việt Nam đưa ý kiến ngoại trừ với số dư chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Westa là 292,09 tỉ đồng (đến ngày 31/12/2018).

COMA 18 nợ chồng chất, số phận Westa sẽ đi về đâu? - Ảnh 5.

Cư dân chung cư Westa căng băng rôn đòi COMA 18 trả sổ đỏ và 2% quỹ bảo trì (Ảnh: Cư dân cung cấp)

Theo kiểm toán, dự án này chưa được quyết toán vốn đầu tư và xác định phương án kinh doanh cho phần tài sản của chủ đầu tư dự án, nên việc xác định doanh thu được thu hồi và lãi lỗ của dự án chưa được xác định. Do đó, đơn vị kiểm toán không đưa ý kiến về khả năng thu hồi khoản mục này và ảnh hưởng của nó đến khoản mục khác trên báo cái tài chính.

Về ý kiến trên của kiểm toán, mới đây, COMA 18 đã có văn bản giải trình và cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đã thuê Công ty kiểm toán để quyết toán vốn đầu tư dự án Westa, đến nay còn vài nhà thầu chưa hoàn thiện hồ sơ quyết toán nên kiểm toán chưa đủ căn cứ để ra số liệu cụ thể. Ngoài ra, còn một số vướng mắc như chưa xác định được giá thuê tầng thương mại do tòa nhà nằm ở vị trí không thuận lợi cho việc kinh doanh, dự án vẫn còn 45 căn hộ có diện tích to chưa bán được. Theo tìm hiểu, chung cư Westa có tổng số 300 căn hộ thương mại.

Bên cạnh đó, COMA 18 cũng cho biết, dự án tòa nhà Westa có tổng mức đầu tư 667 tỉ đồng, doanh thu được ghi nhận lũy kế tính đến cuối năm 2018 là 493,9 tỉ đồng (tương ứng với 232 căn), phần còn lại của dự án chưa bán được và đã bán nhưng chưa bàn giao (45 căn) và khu hạ tầng, văn phòng kinh doanh thương mại dịch vụ.

Về khu hạ tầng, văn phòng kinh doanh thương mại dịch vụ thuộc dự án Westa, CIG cho biết chưa xác định phương án kinh doanh và chi phí lãi vay liên quan trực tiếp tới dự án đang trong quá trình thỏa thuận với ngân hàng. Do đó, chưa thể xác định lỗ lãi một cách cụ thể về khả năng thu hồi của số dư chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án này.

Dự án Westa được khởi công năm 2009 do Coma 18 làm chủ đầu tư. Lúc đó, Coma 18 vẫn là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 51% phần vốn chi phối thuộc Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) thuộc Bộ Xây dựng.

Đến cuối 2015, doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản. Doanh nghiệp mất kiểm soát mọi hoạt động, tình hình tài chính mất cân đối, vốn chủ sở hữu giảm mạnh, dòng tiền thấp, áp lực thanh toán nợ đến hạn cao, Cục Thuế Hà Nội tiến hành cưỡng chế nợ thuế, nợ lương người lao động, nợ trích trả cơ quan bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng lớn, thiếu việc làm, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn…

Tháng 5/2016, Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) thoái 51% phần vốn thuộc sở hữu nhà nước tại Coma 18 thông qua hoạt động chuyển nhượng cổ phần dưới hình thức khớp lệnh qua sàn cho các nhóm cổ đông, nhà đầu tư tư nhân nhỏ lẻ. Hiện tại Coma 18 là doanh nghiệp cổ phần 100% vốn tư nhân.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/coma-18-no-chong-chat-chung-cu-westa-ban-giao-5-nam-van-con-hang-chuc-can-ho-bo-khong-20190611153239184.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/