Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, vốn hóa toàn ngành vượt 1,1 triệu tỉ đồng

Kết thúc tuần vừa qua, VPB là mã có mức tăng giá mạnh nhất ngành ngân hàng (+5,9%). Vốn hóa toàn ngành đạt xấp xỉ 1,12 triệu tỉ đồng, tăng 2,2% so với cuối tuần trước.

z2202461633839_b653ebba7c4a8722ef3a3731e68ae4c0.jpg

Một điểm giao dịch của VPBank. (Ảnh: Quang Hưng)

VPB dẫn đầu tăng giá

Trong tuần giao dịch vừa qua (23/11 - 27/11), số cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm áp đảo với 13/21 mã niêm yết và giao dịch trên UPCoM. 

Tính chung trong 5 ngày giao dịch, VPB là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành (+5,9%) với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá. Trước đó, VPB cũng tăng 4,1% trong tuần 16/11 - 20/11.

Ngoài VPB, HDB cũng ghi nhận mức tăng giá 5,5% trong tuần nhờ phiên tăng kịch trần vào ngày 27/11, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 10 triệu đơn vị. Đây cũng là khối lượng khớp lệnh lớn nhất của HDB kể từ tháng 1/2018.

Giá và thanh khoản HDB tăng đột biến trong bối cảnh 27/11 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu đợt 2 năm 2019 với tỉ lệ 26,92% tính số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương với tỉ lệ 35% tính trên số lượng cổ phần lưu hành tại thời điểm Đại hội cổ đông thông qua nghị quyết về tăng vốn điều lệ năm 2020.

Ngoài VPB và HDB, nhiều mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá tốt trong tuần như KLB (+4,1%), MBB (+3,6%), TPB (+3,4%) và BID (+3%).

Ngược lại, chỉ có 6 mã ngân hàng giảm giá với NVB giảm sâu nhất (-3,4%). Ngoài ra, SGB và BAB là hai mã đứng giá trong tuần.

Xu hướng tăng giá của các cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm ưu thế trong bối cảnh thị trường chung tiếp tục diễn biến tích cực.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 20,22 điểm (+2,04%) lên 1.010,22 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 10,7% lên 53.589 tỉ đồng, khối lượng tăng 1,4% lên 2.433 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,65%), lên 148,17 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 7% lên 5.805 tỉ đồng, khối lượng tăng 7,8% lên 355 triệu cổ phiếu.

127668621_200483254880187_1938980612913469774_n (1).png

Biến động giá 21 mã ngân hàng trong tuần 23/11 - 27/11. (Nguồn: QT tổng hợp)

Vốn hóa toàn ngành vượt 1,1 triệu tỉ đồng

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của 21 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở xấp xỉ 1,12 triệu tỉ đồng, tăng gần 24.400 tỉ so với mức chốt tuần trước, tương ứng tăng 2,2%. 

Đóng góp chính cho sự gia tăng vốn hóa của ngành tiếp tục đến từ ba trụ cột Vietcombank, BIDV và VietinBank. Trong đó, vốn hóa Vietcombank tăng gần 7.420 tỉ đồng lên 350.489 tỉ đồng; vốn hóa BIDV tăng gần 5.030 tỉ đồng, đạt 170.735 tỉ đồng; vốn hóa VietinBank tăng gần 3.170 tỉ đồng, lên 126.782 tỉ đồng.

Bên khối ngân hàng TMCP tư nhân, VPBank ghi nhận vốn hóa tăng gần 3.660 tỉ đồng, trong khi vốn hóa của MB, HDBank và Techcombank tăng lần lượt 1.940 tỉ đồng, 1.410 tỉ đồng và 1.070 tỉ đồng

127850143_225678618904254_5141090066417570995_n.png

Vốn hóa 21 ngân hàng chốt ngày 27/11. (Nguồn: QT tổng hợp)

Gần 379 triệu cp TCB được giao dịch kể từ đầu tháng 11

Tuần qua có tổng cộng hơn 566,7 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị 12.761 tỉ đồng; tăng 3% về khối lượng và 2,9% giá trị so với tuần trước.

Trong tuần, STB đã thay thế TCB trở thành mã có thanh khoản cao nhất ngành với hơn 89,7 triệu đơn vị.

Chỉ đứng sau STB, TCB cũng sở hữu khối lượng giao dịch "khủng" với hơn 85,6 triệu cp. Như vậy, tính từ đầu tháng 11 đến nay đã có tổng cộng gần 379 triệu cp TCB được trao tay với giá trị đạt hơn 8.624 tỉ đồng, tương đương gần 19 triệu đơn vị/phiên.

MBB, HDB, VPB, ACB và CTG cũng sở hữu thanh khoản lớn trong tuần, dao động từ 44 đến 55 triệu đơn vị.

Mặt khác, dù giảm 9,5% so với tuần trước nhưng TCB vẫn là mã có giá trị giao dịch cao nhất ngành với gần 2.031 tỉ đồng. Cùng với TCB, giá trị giao dịch của CTG, ACB, VPB, HDB, STB và MBB cũng đạt trên 1.000 tỉ đồng.

127119921_3504805976279162_6711351586947946647_n.png

Khối lượng giao dịch 21 mã ngân hàng trong tuần giao dịch 23/11 - 27/11. (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản NAB và TPB tăng mạnh

Tuần qua ghi nhận sự gia tăng thanh khoản của 10/21 mã ngân hàng. Trong đó, khối lượng giao dịch của NAB và TPB tăng đột biến, gấp lần lượt 5,3 lần và 2,7 lần tuần trước đó.

Ngoài ra, SHB, HDB, BID và STB cũng sở hữu thanh khoản tăng 30 - 60% trong tuần qua.

Ngược lại, 11 mã ngân hàng có khối lượng giao dịch giảm. Trong đó, thanh khoản KLB chỉ đạt hơn 215.000 đơn vị, giảm 99,3% so với tuần trước. Thanh khoản KLB giảm mạnh do không còn giao dịch thỏa thuận lớn như các tuần trước đó.

Cùng với NAB thì BAB, VIB, SGB và EIB là 4 mã ngân hàng có khối lượng giao dịch giảm trên 30% trong tuần.

127278966_201911808093076_3115227011897130100_n.png

Thay đổi khối lượng giao dịch so với tuần trước. (Nguồn: QT tổng hợp).

Giao dịch thỏa thuận đột biến tại TPB

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 491,3 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 11.056 tỉ đồng, chiếm 86,7% về khối lượng và hơn 86,6% về giá trị.

Hơn 75,4 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.705 tỉ đồng. Trong đó, TPB sở hữu khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn 20,6 triệu đơn vị, chiếm 57% tổng số cổ phiếu ngân hàng được mua - bán trong tuần.

Các giao dịch thỏa thuận diễn ra nhộn nhịp tại TPB trong bối cảnh TPBank thông báo 1/12 là ngày đăng kí cuối cùng nhận cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 2 cổ phiếu mới) và cổ phiếu thưởng. Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/11. 

Ngoài TPB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại HDB với gần 20 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này. 

SHB, TCB, VPB, ACB, NAB và MBB là những mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt trên 2 triệu đơn vị trong tuần qua.

127278933_197614075331977_2846643182148582803_n.png

(Nguồn: QT tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-ngan-hang-tuan-qua-vpb-dan-dau-tang-gia-von-hoa-toan-nganh-vuot-11-trieu-ti-dong-20201129160054094.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/