Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Hàng nghìn tỷ đồng EIB được trao tay thỏa thuận, khối tự doanh mua ròng nhiều mã

EIB góp tới gần 30% thanh khoản toàn ngành trong tuần qua. Cụ thể, hơn 192 triệu cp EIB được giao dịch trong 5 phiên, tương đương với giá trị giao dịch là 5.000 tỷ đồng. Trong đó, 175 triệu cp đã được trao tay theo phương thức thỏa thuận.

EIB giảm mạnh nhất ngành với thanh khoản đột biến

Tuần qua (9 - 13/1), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với 14/27 mã tăng giá, 10 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu.

Trong đó, VIB là mã tăng mạnh nhất toàn ngành với mức +7%, kết tuần tại 22.050 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2023 tới nay, cổ phiếu VIB đã tăng hơn 16%, tạm thời thoát khỏi vùng giá đáy thấp nhất trong hơn một năm trở lại.

Xếp sau VIB là ACB, STB, MSB với mức tăng dao động từ 3 - 4,5%. Nhóm tăng giá trong tuần này chiếm chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE.

Ở chiều ngược lại, EIB giảm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất tuần qua với mức -8,4%, xuống còn 25.750 đồng/cp. Bên cạnh đó, ngoài OCB và TPB, nhóm giảm giá trong tuần qua chỉ còn những cổ phiếu niêm yết trên HNX hoặc giao dịch trên UPCOM. 3 mã đứng tham chiếu là SSB, BAB và MBB.

 

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thanh khoản toàn ngành đã tăng trở lại trong tuần nay khi có tới 856 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư (tăng 16% so với tuần trước đó), tương đương với giá trị giao dịch là 17.518 tỷ đồng (tăng 19%). 

Riêng sự "bùng nổ" của EIB đã góp tới gần 30% thanh khoản toàn ngành trong tuần qua. Cụ thể, hơn 192 triệu cp EIB được giao dịch trong 5 phiên, tương đương với giá trị giao dịch là 5.000 tỷ đồng. Trong đó, 175 triệu cp đã được trao tay theo phương thức thỏa thuận. Ở phiên cuối tuần (13/1) ghi nhận thỏa thuận 132,8 triệu mã EIB, tương đương 3.421 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng cổ phiếu EIB với giá trị tương đương.

Ngay trước đó, Eximbank thông báo đã nhận được đơn từ nhiệm của thành viên Ban Kiểm soát (không chuyên trách), ông Trịnh Bảo Quốc vì lý do cá nhân. 

Quay trở lại diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài EIB, còn có LPB và VPB có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu trong tuần qua. STB giảm đáng kể so với các tuần trước đó, xuống còn hơn 62 triệu đơn vị.

Các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh việc bán ròng hàng nghìn tỷ EIB, còn mua ròng 137 tỷ đồng CTG và 60 tỷ đồng STB. Trong khi đó khối tự doanh mua ròng nhiều mã như VPB, MBB, TCB, ACB, ... với giá trị mua ròng từ 40 - 70 tỷ đồng.   

  (Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Vietcombank dự kiến bầu bổ sung thành viên HĐQT, kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2021. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 chưa được công bố. 

Nhiều ngân hàng rục rịch báo lãi năm 2022. VietinBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

BIDV cho hay các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022 đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Theo đó, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. 

Hội đồng quản trị ACB vừa có quyết định bổ nhiệm ông Ngô Tấn Long giữ chức Phó Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 12/1. Đồng thời bổ nhiệm lại ông Nguyễn Khắc Nguyện giữ chức Phó TGĐ. 

Vietcombank thông báo tăng hạn mức rút tiền mặt mỗi giao dịch từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng cho các thẻ ghi nợ nội địa và thẻ ghi nợ quốc tế cá nhân do Vietcombank phát hành, bắt đầu từ ngày 12/1. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-ngan-hang-tuan-qua-hang-nghin-ty-dong-eib-duoc-trao-tay-thoa-thuan-khoi-tu-doanh-mua-rong-nhieu-ma-202311415379308.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/