Chuyên gia: Thị trường nội địa khó khăn, công nhân mất việc, người dân kẹt tiền trong chứng khoán, bất động sản

Theo TS. Đinh Thế Hiển, bối cảnh năm nay khác nhiều so với năm 2008 khi thị trường tiêu dùng nội địa không có quá nhiều thuận lợi.

Chiều 26/11 tại TP Cần Thơ,  VietnamBiz, Tạp chí Doanh nhân Việt Nam và Công ty Greenpan phối hợp tổ chức hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng".

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển đã có những nhận định về bối cảnh vĩ mô và dự báo thời điểm doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng vốn. 

Theo TS. Đinh Thế Hiển, hiện nay có nhiều tranh cãi về việc nới thêm room tín dụng 2%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên 16% nhằm đẩy mạnh cung tiền. Tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn giữ chính sách cung tiền thận trọng và ưu tiên kiềm chế lạm phát. 

Ông cũng đề cập đến vấn đề nền kinh tế đang có xu thế phát triển từ thâm dụng vốn. Nợ trên vốn của doanh nghiệp ở mức cao là 1,5 lần; tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây.

"Sự khó khăn về tài chính hiện nay ở các công ty, mạnh nhất là ở khối bất động sản, đang tác động đến các công ty khác, trong đó có thủy sản do vấn đề chúng ta đã thâm dụng vốn.

Tỷ lệ thâm dụng vốn tăng rất mạnh trong giai đoạn từ 2020 đến nay, và hiện chúng ta đang rất khát vốn", ông nói.

Xét về doanh nghiệp, mức thâm dụng vốn của các công ty niêm yết là rất lớn. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu vượt 122%, nghĩa là các công ty niêm yết đang dùng vốn nhiều hơn để tạo ra doanh thu.

Trong khi đó, cần lưu ý những công ty niêm yết là các doanh nghiệp tương đối tốt, có hệ thống huy động vốn tốt mà mức thâm dụng vốn vẫn tăng mạnh. Điều này cho thấy hiện tượng thiếu vốn và khát vốn.

Theo ông, nền kinh tế thiếu tiền do thâm dụng vốn, dẫn đến khan tiền, chứ không phải do Chính phủ siết cung tiền bởi tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng còn nhiều hơn các năm trước. 

 

 

Dự báo triển vọng năm 2022, ông cho rằng bức tranh có nhiều mối lo. Bối cảnh kinh tế tiếp tục xấu đi, ở trong nước, gần đây liên tiếp có nhiều thông tin về việc đơn hàng từ các đối tác thương mại lớn bị giảm.  

Mối lo thứ hai, theo vị chuyên gia là tiêu dùng trong nước cũng có thể gặp khó khăn. Hồi năm 2008 khi thế giới chao đảo, ông cùng nhóm nghiên cứu đã báo cáo lên Chính phủ về việc có thị trường 100 triệu dân tiêu dùng nội địa cứu lại.

"Tuy nhiên bối cảnh năm nay không được như năm 2008. Thị trường nội địa có thể gặp khó khăn. Khó khăn thứ nhất đến từ suy giảm việc làm ở công nhân khu công nghiệp, tình trạng này đang xảy ra. Thứ hai, người dân đang kẹt tiền trong đầu tư chứng khoán, bất động sản, nên một bộ phận cũng không dám đầu tư, chi tiêu", TS. Đinh Thế Hiển nói. 

 

Ông cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ mất 6 tháng để ổn định hệ thống tài chính vĩ mô.

"Quý IV/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý I/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến quý II/2023 hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.

Nhiều ngân hàng đang chờ sẵn chỉ tiêu cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để đến quý I/2023 họ lập tức giải ngân. Dòng vốn sẽ bớt khó khăn. Vì thế doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cố gắng chịu đựng, cùng lắm trong 4-5 tháng nữa, dòng vốn ngân hàng sẽ về và đến quý II/2023 sẽ tăng mạnh, ông nói.      

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-thi-truong-noi-dia-kho-khan-cong-nhan-mat-viec-nguoi-dan-ket-tien-trong-chung-khoan-bat-dong-san-2022112717139851.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/