Chuyên gia: Cần cẩn trọng với 'mặt trái' của FDI trong bối cảnh lãi suất cao

Các chuyên gia cảnh báo, FDI đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng cần thận trọng với mặt trái của nó, nhất là trong bối cảnh lãi suất cao.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Mặc dù số vốn giải ngân FDI đạt kỷ lục cao nhất trong 5 năm trở lại đây, song các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận những lợi ích mà FDI mang lại về mặt vốn, công nghệ, thị trường, con người và phương thức sản xuất, song vẫn cần cẩn trọng với mặt trái của FDI nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất cao. 

 

 

Tại một hội thảo mới đây, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, đánh giá Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI mà chưa có sự bứt phá từ các nguồn lực trong nước. 

Trong năm 2022, Việt Nam thu hút hơn 18 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân trong năm. Khu vực FDI hiện chiếm đến 73% trong tổng khối lượng xuất khẩu.

"Như vậy, chúng ta lại tiếp tục trông chờ vào nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy nền kinh tế. Vậy đâu là những nội lực mà chúng ta phải khơi thông, để xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào các nguồn vốn FDI?", ông Bình chỉ ra vấn đề.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam rất coi trọng nguồn vốn FDI bởi những lợi ích về vốn, công nghệ, con người,... mà nó mang lại, song để xây dựng nền kinh tế tự chủ cần khai phóng  nguồn lực trong nước, tạo chỗ đứng cho doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. 

Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê. (Ảnh: VNA).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng Cục trưởng TCTK cũng nhìn nhận, cần cẩn trọng với mặt trái của FDI. 

"FDI đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng mặt trái của FDI đối với kinh tế Việt Nam là một số quốc gia, vùng lãnh thổ tận dụng FTA của Việt Nam ký với các nước để đầu tư xuất khẩu", nguyên Tổng cục trưởng TCTK nêu vấn đề.

Ông Lâm cũng cảnh báo khó có thể trông đợi vào động lực tăng trưởng từ vốn FDI trong những năm tiếp theo bởi xu hướng chung là suy giảm.

"Trong năm 2022, giải ngân đạt 22,4 tỷ USD, mặc dù vốn đăng ký mới suy giảm như vậy năm 2023 có thể vốn thực hiện chưa suy giảm ngay nhưng từ giai đoạn 2024 trở đi, giải ngân FDI chắc chắn sẽ suy giảm theo xu thế chung của vốn đăng ký mới", ông Lâm phân tích.  

 Tình hình vốn FDI đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2018-2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy Ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, đầu tư FDI khó có thể khả quan trong năm 2023 ở hai lý do: Kinh tế thế giới suy thoái và thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu dự kiến có thể thực thi vào ngày 31/12/2023. Điều này sẽ hoạt động đầu tư FDI suy giảm trong đó có Việt Nam.  

Một khi áp dụng thuế thu nhập tối thiểu với các doanh nghiệp đa quốc gia, không chỉ các doanh nghiệp mới hạn chế đầu tư mà cả các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam cũng sẽ không mở rộng quy mô.  

 

 Một vấn đề khác liên quan đến FDI được TS. Lê Xuân Nghĩa,Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia là việc Việt Nam có rất nhiều FTA song sức tiếp cận của các các doanh nghiệp nội còn rất yếu. 

TS. Nghĩa cho hay, một nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 27-30% doanh nghiệp Việt tận dụng được lợi thế từ các FTA còn lại là doanh nghiệp FDI hưởng lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay còn số này chắc chắn sẽ càng thấp đi. 

 TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NVCC).

Thời gian dài trước đây các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu được tiếp cận với lãi suất rất thấp đến nay mới tăng lên chút ít nhưng lạm phát cao tới gần hai con số nên lãi suất thực rất thấp, thậm chí vẫn âm. Nhìn sang Việt Nam, vừa đối mặt với khó khăn hậu COVID-19, lãi suất của chũng ta đã tăng lên 12-13% mà lạm phát chỉ 3,2% thì lãi suất thực vẫn ở mức 9%, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. 

"Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính cao như vậy thì họ có chịu được không?

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt đang bị đẩy lùi, nhường chỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên chính thị trường nội địa, bởi các doanh nghiệp FDI họ không phải chịu lãi suất từ hệ thống ngân hàng Việt Nam", ông Nghĩa chỉ ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-can-can-trong-voi-mat-trai-cua-fdi-trong-boi-canh-lai-suat-cao-202311712647456.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/