Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức với doanh nghiệp

Chuyển đổi số là một trong những xu hướng phát triển đã được nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, kinh doanh.

Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức với doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đồ hoạ minh hoạ: Đông Nam Á JSC.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, kinh tế số cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, thách thức. Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Bứt phá trong chuyển đổi số các giải đáp về thị trường và pháp lý" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại TP HCM, ngày 23/4.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, "chuyển đổi số" đã trở thành xu thế phát triển tất yếu trong đời sống xã hội cũng như hoạt động kinh tế. Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhanh chóng, toàn diện. 

Điển hình như UBND TP HCM đã xây dựng chương trình chuyển đổi số với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thành phố trở thành đô thị thông minh, đổi mới chính quyền và doanh nghiệp một cách toàn diện, Nhà nước cũng khuyến khích doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số để thích nghi kịp thời và đáp ứng xu hướng kinh tế hiện đại.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, Chuyên gia Công nghệ thông tin, cho rằng, sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển kinh tế là chìa khóa cho sự đột phá. 

Phương thức phổ biến hiện nay chính là chuyển đổi phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số hay còn gọi là chuyển đổi số nhằm hướng tới tự động hóa sản xuất thông minh, tạo ra năng suất lao động và giá trị gia tăng vượt trội. 

Ứng dụng chuyển đổi số cũng là giải pháp giảm thiểu chi phí trung gian và duy trì chuỗi liên kết bền vững hơn.

Chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là việc ứng dụng công cụ công nghệ thông tin mà còn phải chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, sang kinh tế chia sẻ và hơn cả là kinh tế số. 

Kết quả chuyển đổi số sẽ là sự thanh lọc, chỉ những doanh nghiệp giỏi hay các chuỗi liên kết có sức mạnh cạnh tranh cao mới có thể tồn tại và phát triển ổn định trong môi trường kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số; ví dụ như cho phép sử dụng một phần lợi nhuận trước thuế phục vụ cho chuyển đổi số. 

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng điều chỉnh các chính sách liên quan đến kế toán, thống kê, lưu trữ, báo cáo phù hợp với tiến trình chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM chia sẻ, một trong những sản phẩm nổi bật của nền kinh tế số là thương mại điện tử hay làn sóng tiêu dùng Go Online đang tăng trưởng rất nhanh, trung bình từ 30%-35%/ năm và doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng này. 

Thương mại điện tử ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt từ khi xảy ra dịch COVID-19 đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp vận hành hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc. 

Tuy nhiên, sự bùng nổ về thương mại điện tử cũng đặt ra thách thức lớn về đảm bảo chất lượng hàng hóa và trải nghiệm mua sắm cho người dùng, vấn đề bảo mật thông tin, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC phân tích, việc hình thành một phiên bản số của nền kinh tế, đặc biệt là sàn thương mại điện tử với các giao dịch gián tiếp cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả người mua, người bán và sàn thương mại. 

Cụ thể, với người tiêu dùng có thể phát sinh nguy cơ bị lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, thiếu hoặc không có thông tin chính xác về đơn vị cung cấp, việc giao nhận, hủy đơn không như cam kết ban đầu và đặc biệt rủi ro trong thanh toán. 

Trong khi đó, nhà cung cấp cũng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa mà sàn thương mại điện tử giao cho khách hàng, khả năng liên đới trách nhiệm khi hàng hóa sai sót, lỗi trong quá trình giao nhận giữa sàn và người tiêu dùng. 

Ngay cả sàn thương mại điện tử cũng đối diện nhiều rủi ro phát sinh khi đối chiếu thông tin từ người cung cấp và kiểm soát chất lượng hàng hóa để giữ uy tín với khách hàng.

Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế thấp nhất các rủi ro phát sinh trong giao dịch thương mại điện tử, người mua và người bán cần tìm hiểu thông tin của đối tác giao dịch lần đầu; người mua lưu ý với hàng hóa giá rẻ bất thường trong khi người bán cũng cần cẩn trọng với đối tượng mua hàng số lượng lớn hoặc hàng có giá trị nhưng không có đảm bảo. 

Đồng thời để tạo một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, các sàn thương mại điện tử cần nắm rõ cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. 

Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại thì hòa giải trực tuyến là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-doi-so-co-hoi-thach-thuc-voi-doanh-nghiep-20210423210551187.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/