Chương trình và dự án phát triển là gì? Vị trí, chức năng chủ yếu

Chương trình và dự án phát triển là công cụ triển khai tổ chức thực hiện chiến lược và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình và dự án phát triển là gì? Vị trí, chức năng chủ yếu - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Issuu)

Chương trình và dự án phát triển

Khái niệm

Chương trình và dự án phát triển trong tiếng Anh tạm dịch là: Development Programme and Project.

Chương trình và dự án phát triển là công cụ triển khai tổ chức thực hiện chiến lược và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, nó đưa ra các mục tiêu và tổ chức bảo đảm nguồn lực để thực hiện mục tiêu đối với các vấn đề mang tính bức xúc, nổi cộm và đột phá của nền kinh tế trong thời kì kế hoạch.

Nếu như trong nền kinh tế tập trung, hệ thống kế hoạch thường được thể hện cụ thể bằng các chỉ tiêu pháp lệnh thì trong nền kinh tế thị trường, thực hiện các chương trình quốc gia giải quyết các vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội là một phương pháp kế hoạch hóa được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. 

Ở Việt Nam cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, phương pháp kế hoạch hóa quản lí theo các chương trình, dự án phát triển quốc gia cũng được áp dụng rộng rãi từ năm 1992.

Vị trí, chức năng chủ yếu

Vị trí hay chức năng chủ yếu của các chương trình và dự án phát triển trong hệ thống kế hoạch hóa bao gồm:

- Cụ thể hóa chiến lược, qui hoạch và kế hoạch 5 năm, đưa nhiệm vụ của kế hoạch vào thực tế cuộc sống. 

Có thể nói, cùng với kế hoạch hàng năm, các chương trình dự án là công cụ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm đối với các vấn đề bức xúc, đột phá. Với chức năng này, một chương trình quốc gia phải bao hàm các mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu biện pháp và các giải pháp để thực hiện.

- Chức năng thứ hai, nó là một phương pháp để xử lí các vấn đề gay cấn nhất về kinh tế - xã hội của một quốc gia. Các vấn đề cần phải xây dựng và quản lí bằng chương trình quốc gia là các vấn đề nổi cộm, bức xúc cần xử lí riêng, các khâu đột phá, các mắt xích, các khâu trọng yếu của nền kinh tế.

- Hiện nay, theo xu hướng đổi mới kế hoạch hóa, các chương trình, dự án phát triển lại được xem như là cơ sở để thực hiện phân bố nguồn lực như: vốn đầu tư, ngân sách... thay cho hình thức phân bổ theo đối tượng như trước kia.

Thực hiện kế hoạch hóa theo chương trình quốc gia và dự án phát triển là biện pháp để khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội cho kinh tế tăng trưởng một cách bền vững. 

Việc hình thành và quản lí, điều phối theo các chương trình, dự án một mặt thực hiện được quan điểm đầu tư có trọng điểm, đầu tư vào các vấn đề nổi cộm, các mắt xích then chốt trong mọi khía cạnh kinh tế - xã hội - chính trị - quốc phòng của đất nước. 

Mặt khác, đây chính là nghệ thuật thu hút các nguồn vốn bên ngoài từ các nhà tài trợ đầu tư cho dự án. Đầu tư theo dự án là nâng cao tiềm lực kinh tế một cách thiết thực, tạo khả năng cạnh tranh và quan trọng là có địa chỉ cụ thể để tính toán hiệu quả.

(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuong-trinh-va-du-an-phat-trien-la-gi-vi-tri-chuc-nang-chu-yeu-20200421110604869.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/