Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình nói gì sau khi loạt nhà thầu phụ ngừng thi công vì chưa được thanh toán công nợ?

Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nhiều khách hàng của Xây dựng Hoà Bình đã thanh toán nợ cho tập đoàn bằng bất động sản nên doanh nghiệp đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán tiền bằng bất động sản để cấn trừ công nợ.

Đầu tháng 3, nhóm thầu phụ tại một số dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) là tổng thầu như V8,V9 Vinhomes Smart City, L7 Vin Gia Lâm, CT7, CT5 Ecopark,... đã thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ (có công nợ từ tháng 7/2022 đến nay).

Các công ty thầu phụ đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty. Nhưng đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công nhân đình công, nghỉ việc gây áp lực cho công tác quản lý và điều hành sản xuất.

 Ông Lê Viết Hải. (Ảnh: Xây dựng Hoà Bình).

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với báo chí, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình cho biết trong tình hình khó khăn hiện nay, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt gặp khó khăn nên có một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng chính sản phẩm bất động sản của họ.

"Dù khá bất lợi nhưng Hòa Bình luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng những người bạn đồng hành của mình, và chúng tôi cũng rất mong nhận được sự chia sẻ đó từ các nhà thầu phụ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng", ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Ông Hải cho biết hiện tập đoàn có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho nếu các công ty thầu phụ nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Xây dựng Hòa Bình để đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất.

Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc các nhà thầu phụ vay vốn ngân hàng.

Nói thêm về những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, người đứng đầu Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết: “Trong lịch sử phát triển hơn 35 năm qua, chưa một lần nào Hòa Bình để xảy ra việc trễ hạn thanh toán nợ và lãi đến hạn cho các ngân hàng. Vì vậy, những ngân hàng lâu năm gắn bó với Hoà Bình đều rất tin tưởng và cam kết đồng hành và hỗ trợ tối đa cho chúng tôi. Tuy nhiên, do các chính sách về hạn mức tín dụng trong thời gian qua của nhà nước còn bị thắt chặt nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn".

Ông Hải cho hay tập đoàn vẫn đang tiếp tục khẩn trương thu hồi nợ và cơ cấu lại nguồn vốn của công ty, qua đó tìm cách bù đắp các thiếu hụt về tài chính khi nguồn vay từ ngân hàng chưa kịp đáp ứng đủ cho dòng tiền.

Về tình hình tài chính,quy mô tài sản cuối quý IV/2022 của tập đoàn đạt 16.926 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị 12.110 tỷ và đã phải trích lập dự phòng 774 tỷ đồng. Đầu năm 2022, giá trị trích lập dự phòng là 369 tỷ. Trong đó, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 3.661 tỷ. 

Tổng nợ phải trả cuối năm ngoái là 14.283 tỷ. Trong đó nợ vay là 6.131 tỷ, gấp 2,33 lần vốn chủ sở hữu, bao gồm 1.031 tỷ là vay dài hạn. Năm qua, tập đoàn đã đi vay tổng cộng 10.788 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 9.754 tỷ. Tổng chi phí lãi vay năm 2022 là 521 tỷ, tăng 74% so với năm 2021 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng mạnh.

Khó khăn của ngành bất động sản và phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản phải thu đẩy chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến là những nguyên nhân chính khiến tập đoàn lỗ ròng kỷ lục 1.202 tỷ quý IV/2022.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp.

Xây dựng Hoà Bình thua lỗ trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn khi thị trường bất động sản gần như nguội lạnh. Đối thủ của Xây dựng Hoà Bình là Coteccons cũng phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi từ các khách hàng hơn nghìn tỷ cuối năm 2022 và cũng là tác nhân chính khiến tập đoàn thua lỗ trong nhiều quý.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” giữa tháng 2, ông Lê Viết Hải đã chia sẻ doanh nghiệp bất động sản nuôi bộ máy nhân sự rất lớn nhưng trong hệ sinh thái ngành bất động sản nguồn nhân lực còn lớn hơn rất nhiều, khi khó khăn ập đến không chỉ người lao động tại doanh nghiệp bất động sản sẽ mất việc mà còn kéo theo công ăn việc làm và sự sụp đổ của hàng loạt các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho ngành bao gồm: Các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công xây dựng và cả các ngành tài chính, ngân hàng, tư vấn đầu tư, tư vấn thiết kế, quản lý dự án…

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chu-tich-xay-dung-hoa-binh-noi-gi-sau-khi-loat-nha-thau-phu-ngung-thi-cong-vi-chua-duoc-thanh-toan-cong-no-2023315105146606.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/