Hòa Bình (HBC) sẽ phát hành 74 triệu cổ phiếu huy động vốn

Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 24/8, Chủ tịch Lê Viết Hải dành nhiều thời gian để nói về chiến lược xuất khẩu ngành xây dựng với tham vọng 13 tỷ USD doanh thu trong 10 năm tới và kế hoạch huy động vốn cho chiến lược nói trên.

 

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ bất thường của HBC diễn ra ngày 24/8. (Ảnh: NL).

Chiều 24/8, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2022, thông qua các vấn đề liên quan đến kế hoạch kinh doanh đến năm 2032 cũng như phương án phát hành cổ phiếu cho đối tác Nhật Bản.

Phát hành 74 triệu cổ phiếu, đối tác Nhật dự kiến mua 5 triệu cp với giá 32.500 đồng/cp 

Tại đại hội, cổ đông HBC đã thông qua kế hoạch 437.500 tỷ đồng doanh thu và 21.875 tỷ đồng lợi nhuậnđến năm 2032. Công ty sẽ thưởng cho ban điều hành, cán bộ trọng yếu 10% lợi nhuận nếu đạt mục tiêu lãi gần tỷ USD vào năm 2032, tương đương số tiền thưởng khoảng 2.187 tỷ đồng.

Công ty dự kiến sẽ thưởng thêm 50% phần vượt mức kế hoạch lợi nhuận 21.875 tỷ đồng nói trên. Chế độ thưởng sẽ được duy trì khi doanh thu tăng 5 lần trong 5 năm và lợi nhuận tăng trên 5%.  

Đồng thời, cổ đông cũng thông qua phương án phát hành 74 triệu cổ phiếu để huy động vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh và thực hiện mục tiêu chiến lược 10 năm tới.

Ban lãnh đạo cũng cho biết đối tác Nhật Bản là Sanei Architecture Planning Co., Ltd có ý định mua 5 triệu cổ phiếu phát hành thêm với giá 32.500 đồng/cp, gấp 1,6 lần thị giá cổ phiếu HBC chốt phiên 24/8 là 20.300 đồng/cp. Với mức giá này, ước tính HBC có thể thu về 162,5 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ. Số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động thi công xây dựng (sắt, thép, nhôm, xi măng…). 

Đợt phát hành cổ phiếu của HBC dự kiến được tiến hành trong quý III hoặc quý IV, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Mục tiêu đạt 13 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài trong 10 năm tới

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải, sau đại dịch xuất hiện tình trạng trượt giá do lạm phát, đầu tư nước ngoài không đạt được làn sóng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, ngành du lịch chưa hồi phục như mức trước dịch nên Việt Nam thiếu đi nguồn ngoại tệ do khách du lịch nước ngoài mang lại.

Hơn nữa, mặc dù có nhiều chủ đầu tư phát triển dự án nhưng việc đưa vào khai thác không hiệu quả, nhà nước kiểm soát tín dụng, nhiều dự án không được triển khai hoặc đang triển khai chậm. Việc thanh toán cho nhà thầu chậm trễ cũng tác động tới ngành xây dựng ít nhiều.

Do đó, HBC xác định con đường thoát ra khỏi sự bất lợi của thị trường trong nước là phát triển thị trường nước ngoài. Ban lãnh đạo công ty đã tìm kiếm thêm cơ hội phát triển ở thị trường quốc tế và có nhiều chuyến công tác tại một số thị trường mục tiêu như Australia, Canada, Mỹ và sắp tới là châu Âu. 

Ông Hải nhìn nhận, tại Việt Nam, tình trạng cung lớn hơn cầu khiến các nhà thầu đối mặt với sự cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Trong khi đó ở nước ngoài thì ngược lại, tức cung lại thấp hơn cầu rất nhiều. Riêng ở Australia, nguồn cầu nhà ở là 1,5 triệu căn, nhưng nhà thầu trong nước không thể đáp ứng được tiến độ công trình do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số công ty còn đi đến phá sản.

Do đó, HBC nhận thấy đây là thời điểm chính xác thực hiện chiến lược xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài.

Nhìn nhận lại 4 năm qua, vị Chủ tịch gốc Huế cho biết kết quả kinh doanh của HBC không cải thiện nhiều. "HBC như một loài cá voi nhưng hiện nay đang được nuôi trong một cái ao chật chội. Vì vậy, phải tìm đường ra biển lớn thì cá voi mới sống được. Đây là con đường HBC phải đi để tìm đường sống cho chính mình", ông Lê Viết Hải nói.

HBC đặt kế hoạch đến năm 2032, doanh thu đạt hơn 19 tỷ USD, trong đó mục tiêu ở thị trường nước ngoài là 13 tỷ USD, còn lại là thị trường nội địa. Mục tiêu lợi nhuận là 5% doanh thu.

Ông Hải khẳng định đây là mục tiêu không quá lớn nếu biết khai thác hiệu quả. Trước đây, các công ty ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Australia có thể đạt được mức biên lợi nhuận ròng 5%. Hơn nữa, nguồn nhân lực của công ty như người lập dự toán, nhân sự 2D, 3D,.. ở Việt Nam có chi phí lao động thấp hơn so với nước ngoài nên sẽ tạo được tính cạnh tranh so với nguồn lực của nước sở tại.

HBC đã chọn 4 thị trường trọng yếu là Canada, Mỹ, Úc và châu Âu. Tại các nước này, giá vật liệu xây dựng rất cao, qua đó có thể giúp công ty dễ đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường kinh doanh minh bạch, nhu cầu nhà ở tăng theo số lượng dân nhập cư, sự thiếu hụt vật liệu xây dựng tại các nước này,... cũng là nguyên nhân khiến công ty lựa chọn.

Về chiến lược, đầu tiên HBC có thể mua lại các công ty xây dựng ở nước ngoài để hưởng lợi tệp khách hàng cũng như thuận lợi trong việc đầu tư ở một số dự án. Sau đó, thông qua chuỗi cung ứng, HBC sẽ cung cấp vật liệu xây dựng với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng hơn so với tại thị trường đó.

Một thế mạnh của HBC là có thể tiết kiệm 30 - 40% chi phí thiết kế, tư vấn cho các gói thầu trọn gói của tập đoàn tại nước ngoài. Ngoài ra, HBC có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhiều thập kỷ và đã xây dựng được mạng lưới quốc tế. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chu-tich-tap-doan-hoa-binh-hbc-chia-se-chien-luoc-xuat-khau-nganh-xay-dung-muc-tieu-doanh-thu-13-ty-usd-tu-thi-truong-nuoc-ngoai-trong-10-nam-toi-202282421355629.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/