Chủ tịch Hiệp hội Du lịch: 'Có tình trạng giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng'

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch Việt Nam hiện đang đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao nhưng chất lượng phục vụ chưa tương ứng cũng như thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi cần có chiến lược giữ và nâng cao chất lượng nhằm cạnh tranh với các quốc gia khác.

Trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, mặc dù du lịch nội địa đã phục hồi khá tốt song lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dịch COVID-19 làm thay đổi tâm lý của khách du lịch, nhiều thị trường trọng điểm của Việt Nam chưa thực sự mở cửa hay tình trạng suy thoái kinh tế thế giới làm suy giảm nhu cầu của du khách quốc tế,...

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước và 733.000 lượt du khách quốc tế. So với kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt, lượng khách nội địa tính đến thời điểm này đã vượt 12 triệu lượt, đó là chưa kể giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng, số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại, với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Cùng với đó, 90% các cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, ngành du lịch đặc biệt là việc đón du khách quốc tế vẫn chưa thực sự phục hồi và phát triển như kỳ vọng. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ hơn để du lịch Việt Nam thực sự phục hồi bền vững.  

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình. (Ảnh: TTXVN). 

Nâng cao chất lượng, cạnh tranh cùng Thái Lan, Singapore

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để du lịch phục hồi bền vững sau dịch bệnh COVID-19 cần có những giải pháp giữ và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác.

Ngành du lịch Việt Nam hiện đang đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng, tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ sau dịch COVID-19 khiến du lịch chưa thực sự phục hồi.

Bên cạnh đó, lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam chưa thuận lợi bằng những quốc gia khác.  

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất cần thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của các hiệp hội, nòng cốt là các doanh nghiệp du lịch lớn, tại một số thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch,…

Ngoài ra, theo ông Vũ Thế Bình cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, nhất là tại các cơ sở lưu trú 2 sao, 3 sao, về kỹ năng mềm, thái độ phục vụ, ngôn ngữ giao tiếp, chú ý ứng dụng mạnh mẽ công nghệ.

"Trong lúc đang tập trung vào du lịch nội địa thì phải quan tâm ngay đến đào tạo nhân lực du lịch phục vụ khách quốc tế", ông Bình nói.

Liên quan đến vấn đề cấp thị thực nhập cảnh, đại diện Bộ Công an cho biết hiện Bộ Công an đã cấp thị thực điện tử cho công dân của khoảng 80 quốc gia, miễn thị thực cho 25 quốc gia. 

Đối với cơ cấu tính giá điện cho dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng trước khi quyết định điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Đồng thời, Bộ VHTT&DL, các hiệp hội, DN du lịch phải chủ động nghiên cứu, đề xuất rất cụ thể về chính sách ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất… để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch

 

 Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

Kết hợp giữa du lịch và thương mại, dịch vụ

Đóng góp giải pháp nhằm phát triển du lịch, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, để phát triển du lịch một cách bền vững, bên cạnh các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, đồng thời cũng cần tăng tính liên kết giữa các chủ thể du lịch với thương mại, dịch vụ.

Trên thực tế, sự phối hợp giữa các ngành: Vận tải, hàng không, du lịch, thương mại dịch vụ vẫn chưa thực sự khăng khít. Giai đoạn sau dịch COVID-19 là giai đoạn để chúng ta tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đợt dịch bệnh vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp ý thức hơn về vấn đề liên kết để cùng tồn tại, phát triển. Như giai đoạn năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã liên kết lại với nhau đưa ra các combo du lịch giá rẻ nhằm kích cầu thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, tuy nhiên, chỉ điều này là chưa đủ, ông Phú nhìn nhận.

Theo ông Phú, khách du lịch không chỉ có nhu cầu tham quan danh lam thắng cảnh, nghỉ ngơi, vui chơi và còn khám phá ẩm thực, văn hoá cũng như mua sắm, hưởng các dịch vụ khác mà họ có nhu cầu. Chính vậy, ngành du lịch phải luôn luôn gắn với thương mại và dịch vụ.

Một số quốc gia đã rất thành công với mô hình này như Thái Lan hay Singapore, bên cạnh lịch trình tham quan danh lam thắng cảnh là lịch trình mua sắm ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. 

Tấm vé máy bay giá rẻ của hãng hàng không một nước không chỉ đơn thuần là sáng kiến để nhằm thu hút khách cho riêng mình, mà là sự kết hợp giữa các hãng hàng không với đơn vị lữ hành, thương mại ở nước đó.

Đây là một đòi hỏi tất yếu khách quan trong quá trình phát triển du lịch ở Việt Nam ngày càng bền vững và hiệu quả. Rõ ràng hàng hoá lưu niệm, sản vật địa phương cũng phải được hết sức quan tâm, đầu tư để tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, với ngành thương mại, cần chuẩn bị quỹ hàng hoá phù hợp du khách trong nước và quốc tế. Hàng hoá phải luôn luôn đổi mới, lắng nghe ý kiến của khách một cách cầu thị.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chu-tich-hiep-hoi-du-lich-co-tinh-trang-gia-ca-dich-vu-tang-cao-chat-luong-phuc-vu-chua-tuong-ung-2022818133024318.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/