Doanh nghiệp Việt đối chọi với COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 được dự báo sẽ ăn mòn doanh thu - lợi nhuận của nhiều ngành nghề kinh doanh; các doanh nghiệp dù lớn, nhỏ sẽ phải có biện pháp cứu lấy mình và hỗ trợ các đối tác để có thể thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Những khảo sát cho thấy giới kinh doanh đang hết sức bi quan

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra cho đến thời điểm hiện tại không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lí người dân toàn cầu. Như một hệ quả kéo theo, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần được thể hiện qua thực tế và những con số thống kê. Mới độ mở kinh tế lớn của mình, Việt Nam không nằm ngoại lệ. 

Khảo sát của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy tâm lí của giới kinh doanh và người tiêu dùng chuyển từ lạc quan sang bi quan, thậm chí còn lớn hơn cả giai đoạn 2011 - 2012 sau vài tháng xuất hiện của COVID-19. 

Thống kê mới đây của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đối với 1.200 doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đưa ra những con số đáng báo động. Nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng, sẽ có khoảng 60% số doanh nghiệp cho biết sụt giảm một nửa doanh thu; 30% cho rằng con số này từ 20 - 50%. Bi quan hơn, khảo sát cho thấy khoảng 74% doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không đủ bù đắp chi phí vận hành và lãi vay. 

Các lĩnh vực bao gồm hàng không, du lịch, vận tải có thể ghi nhận ngay tác động và cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Số liệu từ Tổng cục thống kê (GSO), bắt đầu từ tháng 2, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ các nước Châu Á đã giảm gần 30%; trong đó sự sụt giảm mạnh mẽ nhất đến từ Trung Quốc (hơn 60%) và Hàn Quốc (16%), hai quốc gia dẫn đầu về lượng khách nước ngoài đến Việt Nam, chiếm hơn 50%. 

Tại cuộc họp báo thường kì chiều 3/3, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ thông tin ngành du lịch có thể sẽ thiệt hại khoảng 7 tỉ USD do ảnh hưởng của virus corona. Con số thiệt hại đối với ngành hàng không được đại diện Cục Hàng không ước tính mới nhất khoảng 25.000 tỉ đồng. 

Hai lĩnh vực kinh doanh có mối liên hệ mật thiết với nhau bị ảnh hưởng, kéo theo hệ lụy với không ít doanh nghiệp lớn nhỏ. Trong cuộc chiến chống lại sức ảnh hưởng của COVID-19, sự liên kết và hợp sức của các doanh nghiệp là một trong những lựa chọn khả dĩ.

Các doanh nghiệp đã làm gì để đối phó với virus corona? - Ảnh 1.

Nhiều khách sạn tại TP HCM như Rex Sài Gòn, Majestic Sài Gòn, Grand Sài Gòn, Continental Sài Gòn, Kim Đô, Oscar Sài Gòn… áp dụng chương trình giảm giá đến hơn 60%. (Ảnh: Webjet Exclusives)

Kích cầu nội địa và doanh nghiệp tương hỗ lẫn nhau 

Theo chia sẻ của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: "Bản thân một tour du lịch bao gồm rất nhiều các dịch vụ khác nhau như lưu trú, ăn uống, đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí... Mỗi dịch vụ lại gắn với từng doanh nghiệp cho nên để kích cầu du lịch thì các loại dịch vụ phải liên kết với nhau".

Theo đó, xu hướng hiện tại là nhiều công ty, tập đoàn lớn kết hợp với đối tác kinh doanh, tham gia vào liên minh kích cầu du lịch để cùng vượt qua khó khăn.

CTCP Vinpearl đưa ra chương trình hoàn trả chi phí hoặc lùi thời hạn đặt dịch vụ đối với các đại lý đặt phòng từ Trung Quốc. Với người dân địa phương, Vinpearl Land và Vinpearl Safari ưu đãi giá lên tới 40%.

Tương tự Vinpearl, Sungroup cũng đã áp dụng một số chính sách như hỗ trợ không hủy phạt đối với các đoàn khách bị hủy do tình trạng của dịch bệnh; gia hạn thêm thời gian sử dụng vé đã mua trước của các đối tác...

Trong các phương án mà các doanh nghiệp ngành du lịch đề xuất với Chính phủ, việc tăng cường truyền thông với du khách quốc về hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh và giảm thuế phí, giãn nợ với các ngân hàng... là những giải pháp được đề cập. 

Trong giai đoạn khách du lịch thấp điểm, cả Vinpearl và Sungroup thực hiện đóng cửa tạm thời hoặc điều tiết vận hành một số khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi tại các điểm đến du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang. Việc tạm dừng hoạt động để bảo trì bảo dưỡng là một biện pháp vừa giúp tiết kiệm chi phí vận hành, mặt khác cũng là bước chuẩn bị tốt cho giai đoạn du lịch hồi phục sau dịch.

Ứng phó cùng lúc với cả dịch COVID-19 và việc sụt giảm lượng hành khách di chuyển là công việc mà các hãng hàng không phải làm. Vệ sinh máy bay thường xuyên, bảo hộ cho phi hành đoàn và hành khách được các hãng hàng không của Việt Nam hết sức chú ý. Bên cạnh đó, các giải pháp kích cầu dịch chuyển nội địa thông qua đường hàng không được các hãng bay đẩy mạnh thực hiện. 

Bốn hãng hàng không của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar đồng loạt tung ra các chính sách khuyến mãi hấp dẫn. Có thể kể đến các chương trình giá vé rẻ của Vietnam Airlines và Bamboo Airways, vé Vietjet Air giảm 50% hay Jetstar mua 4 vé hoàn một... 

Các hãng hàng không của Việt Nam cũng đồng thời chủ động trong việc dừng khai thác đường bay đến các thị trường mà dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp để hạn chế lây lan, bao gồm Trung Quốc đại lục từ đầu tháng 2 và Hàn Quốc từ đầu tháng 3. 

Các doanh nghiệp đã làm gì để đối phó với virus corona? - Ảnh 2.

Vietjet giảm 50% giá vé cho tất cả đường bay. (Ảnh: Vietjet)

Bán lẻ cũng là lĩnh vực bị tác động nặng nề do tâm lí người dân hạn chế mua sắm trực tiếp và tụ tập đông người. Các trung tâm thương mại (TTTM) phải đối diện với tình cảnh thưa thớt khách hàng. Một số đơn vị kinh doanh mặt bằng TTTM tại TP HCM thông tin với TBKTSG lượng khách đến trong giai đoạn này giảm tới hơn 60%, tương tự với siêu thị là khoảng 40%. 

Sự sụt giảm này khiến cho các đơn vị kinh doanh thuê mặt bằng bên trong TTTM không thể ngồi yên, bởi thực tế mô hình này giống như một dạng cộng sinh giữa bên cho thuê và bên bán hàng. 

Theo ghi nhận, các chủ TTTM đã có những động thái ưu đãi đối với khách hàng thuê của mình CTCP Hưng Thịnh Retail, chủ đầu tư các TTTM ở TP HCM như Moonlight Plaza (quận Thủ Đức) và Saigon Mia (huyện Bình Chánh), hay ở Vũng Tàu là TTTM Vung Tau Melody cho biết giảm giá thuê từ 20 - 40%. 

Hay doanh nghiệp vận hành chuỗi TTTM lớn nhất Việt Nam, CTCP Vincom Retail (thành viên của Tập đoàn Vingroup) cũng mới tung gói tài trợ lên tới 300 tỉ đồng cho các đối tác trên 79 điểm trên toàn quốc. Vincom Retail cho biết phần lớn của gói hỗ trợ sẽ được dành cho việc giảm giá tiền thuê mặt bằng cho đối tác, một phần dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chong-dich-covid-19-doanh-nghiep-tu-cuu-minh-nhung-dung-quen-doi-tac-2020030422502458.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/