Cho vay bất động sản chiếm hơn 18% tổng dư nợ toàn hệ thống

Đến hết quí I/2019, dư nợ tín dụng bất động sản bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng đã tăng 3,29% chiếm 18,08% trong tổng dư nợ toàn hệ thống.

Cho vay bất động sản chiếm hơn 18% tổng dư nợ toàn hệ thống - Ảnh 1.

Nguồn: Tuổi trẻ

Theo báo cáo trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát, NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế.

Năm 2018, tín dụng toàn hệ thống tăng 13,89% so với cuối năm 2017. Tính đến ngày 29/4, tăng trưởng tín dụng đạt 4,44%. NHNN nhận định trong những năm gần đây, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỉ trọng cao nhất 25,1%, tiếp đó là các lĩnh vực như tín dụng tiêu dùng (19,66%), bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) là 18,08%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (18%),...

Cho vay bất động sản chiếm hơn 18% tổng dư nợ toàn hệ thống - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ NHNN

Mặc dù tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng trong các tháng đầu năm nhưng NHNN cũng nhận định việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng.

Các qui định pháp luật đối với thị trường BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các qui định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới. Hơn nữa, việc đầu tư kinh doanh BĐS là kênh đầu tư có kì vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu tại một số phân khúc bất động sản…

Đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.

Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,42% so với cuối năm trước (cùng kì tăng 5,89%). Lạm phát cơ bản cũng được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 là 1,48%, 4 tháng đầu năm 2019 là 1,84%).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cho-vay-bat-dong-san-chiem-hon-18-tong-du-no-toan-he-thong-20190518082749563.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/