Chiến lược giao dịch thế nào khi VN-Index tiến lên 1.400 điểm nhưng thanh khoản mất hút

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục chinh phục những mốc đỉnh mới và VN-Index tiến gần hơn với mốc 1.400 điểm. Với diễn biến như hiện nay, nhà đầu tư nên có chiến lược giao dịch ra sao?

Dòng tiền e ngại khi VN-Index liên tục lập đỉnh mới

Quan sát trong tuần giao dịch (21 – 25/6), thị trường giao dịch lình xình và có xu hướng điều chỉnh giảm khi VN-Index chạm mốc 1.380 điểm. Sau 3 phiên giao dịch quanh ngưỡng này (22 – 24/6), chỉ số bứt phá trong phiên cuối tuần, đóng cửa tuần giao dịch trên mốc 1.390 điểm. Đây là điểm số cao nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chiến lược giao dịch thế nào khi VN-Index tiến lên 1.400 điểm nhưng thanh khoản mất hút - Ảnh 1.

VN-Index thiết lập mức đỉnh lịch sử mới trên mốc 1.390 điểm. Nguồn: TradingView.

Tính theo tuần, chỉ số đã có hai tuần tăng điểm liên tiếp sau khi điểu chỉ mạnh trong tuần (7 – 11/6). Tuần (14 – 18/6), VN-Index đã lấy lại toàn bộ điểm số đã mất của tuần giảm trước đó. Tuy tăng điểm, nhưng biên độ giao dịch tuần này có phần thu hẹp so với 7 tuần liền kề trước. Minh chứng bằng việc VN-Index chỉ lình xinh trong vùng 1.372 – 1.390 điểm.

Đà tăng điểm đi cùng với sự sụt giảm về thanh khoản cho thấy tâm lý e ngại của nhà đầu tư khi thị trường bước lên đỉnh cao mới. Tâm lý "chim sợ cành cong" của nhà đầu tư thể hiện rõ nét nhất qua giá trị giao dịch theo ngày trên sàn HOSE. Dòng tiền liên tục sụt giảm đi ngược đà tăng của chỉ số. 

Trong 4 phiên đầu tháng 6, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE liên tục tăng từ 20.872 tỷ đồng lên vượt ngưỡng 29.000 tỷ đồng trong phiên 4/6.

Nhưng khi thị trường sụt giảm mạnh từ phiên 7/6, tâm lý NĐT có vẻ tiêu cực hơn. Hệ quả là, thanh khoản liên tục tụt áp kể từ đó. Trong hai phiên (24 – 25/6), giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, thấp hơn 25% so với giá trị trung bình trong tháng 6.

Chiến lược giao dịch thế nào khi VN-Index tiến lên 1.400 điểm nhưng thanh khoản mất hút - Ảnh 2.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE liên tục sụt. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Nguyên nhân khiến thanh khoản giảm sâu do nhóm ngân hàng không còn giữ vị thế dẫn dắt. Giá trị giao dịch tại một mã trong nhóm này giảm sâu như VPB, LPB, STB. Trong khi cổ phiếu ngân hàng không còn dẫn sóng, các nhóm ngành khác chưa thể hút dòng tiền lớn tham gia như dầu khí, chứng khoán, bất động sản khi có những nhịp tăng giảm đan xen.

Phiên cuối tuần (25/6), cổ phiếu chứng khoán hưng phấn trước thời điểm hệ thống mới giao dịch của HOSE được đưa vào vận hành. Mặc dù vậy, đây là nhóm cổ phiếu chỉ chiếm tỷ trọng vốn hóa nhỏ trên thị trường. Cùng với đó, nhịp tăng của nhóm này mới chỉ diễn ra trong 3 – 4 phiên trở lại đây, vì vậy còn quá sớm để kết luận về nhịp "sóng dài".

Chiến lược giao dịch thế nào khi VN-Index tiến lên 1.400 điểm nhưng thanh khoản mất hút - Ảnh 3.

Giá trị giao dịch tại nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục sụt giảm trong 10 phiên trở lại đây. Nguồn: Algo Platform.

Chiến lược giao dịch ra sao khi VN-Index quanh vùng 1.400 điểm?

Bối cảnh lực cầu yếu đi trong khi chỉ số liên tục lập đỉnh tiến gần mốc 1.400 điểm, NĐT nên có chiến lược ra sao? Với diễn biến thị trường như hiện tại, các công ty chứng khoán khuyến nghị thận trọng, không nên mở vị thế mua mới. 

Cụ thể, theo chuyên gia từ Chứng khoán Agribank (Agriseco), hiện tượng dòng tiền phân hóa vào nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán là những tín hiệu tích cực đầu tiên của VN-Index khi mua công bố kết quả kinh doanh quý II cận kề. NĐT cần lưu ý mức thanh khoản hiện tại vẫn chưa cải thiện rõ ràng.

"Chiến lược giao dịch phù hợp trong giai đoạn này là giữ tỷ trọng danh mục cân bằng, có thể giải ngân thêm nếu thị trường khẳng định được xu hướng tăng ngắn hạn thông qua việc bùng nổ giá và thanh khoản", khối phân tích của Chứng khoán Agribank khuyến nghị.

Cùng quan điểm, khối phân tích KB Việt Nam cho rằng NĐT tập trung vào việc quản lý tỷ trọng ở mức vừa phải và ưu tiên cho các vị thế ngắn hạn. Việc giảm một phần tỷ trọng có thể được cân nhắc trong trường hợp chỉ số tiếp tục đi lên nhưng thanh khoản sụt giảm.

Chiến lược giao dịch thế nào khi VN-Index tiến lên 1.400 điểm nhưng thanh khoản mất hút - Ảnh 4.

Công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng với thanh khoản hiện tại. Ảnh: Lợi Hoàng.

Còn theo góc nhìn từ nhà phận phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, bao gồm trong đó là tình hình dịch COVID-19 trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu, NĐT có thể cân nhắc chốt lời tại các ngưỡng kháng cự và tạm thời ngừng giải ngân mới nhưng cũng cần tìm kiếm trước các cổ phiếu mục tiêu cho nửa cuối năm 2021.

"Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng chỉ số chưa có khả năng quay lại vùng hỗ trợ 1.350 điểm ngay trong tuần sau và NĐT vẫn còn khá nhiều thời gian để cơ cấu lại danh mục trước khi bước vào công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 trong một vài tuần tới", khối phân tích của VCBS nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng thanh khoản của thị trường là điểm mấu chốt của thị trường hiện tại. Xu hướng chỉ số sắp tới ra sao phụ thuộc nhiều vào dòng tiền sẽ đổ vào đâu. Bởi theo phân tích từ Chứng khoán Bản Việt, nếu thanh khoản thị trường gia tăng mạnh trở lại giúp VN30 lập đỉnh mới, thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào một nhịp tăng trung hạn mới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chien-luoc-giao-dich-the-nao-khi-vn-index-tien-len-1400-diem-nhung-thanh-khoan-mat-hut-20210627095643616.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/