Thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng chậm lại

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng chậm lại đang báo hiệu khả năng lạm phát đang dần ổn định và Fed có thể sớm nới lỏng hơn.

Hôm 1/12, CNBC trích dẫn báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi đã tăng 0,2% trong tháng 10 và 5% so với năm trước. Mức tăng hàng tháng đang thấp hơn ước tính 0,3% của Dow Jones, trong khi mức tăng hàng năm là tương đương.

PCE cốt lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng và là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng.  

 

Vào tháng 9, tốc độ tăng PCE cốt lõi so với tháng liền trước lên tới 0,5%, còn so với cùng kỳ năm trước là 5,2%. Tốc độ tăng giá cả trong tháng 10 đã có dấu hiệu giảm tốc.

Khi tính đến cả thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE toàn phần đã tăng 0,3% trong tháng 10 và 6% so với năm trước. Mức tăng hàng tháng giống với tháng 9, trong khi mức tăng theo năm đã giảm từ 6,3%.

Fed sử dụng một loạt thống kê để đánh giá lạm phát. Tuy vậy, ngân hàng trung ương này ưu tiên chỉ số PCE hơn vì nó tính đến những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, chẳng hạn như đổi sang hàng hóa rẻ tiền hơn thay vì những mặt hàng đắt đỏ.

Các nhà hoạch định chính sách coi lạm phát cốt lõi là thước đo đáng tin cậy hơn vì giá lương thực và năng lượng có xu hướng dao động nhiều hơn các mặt hàng khác.

Các con số thiếu nhất quán

Bộ Thương mại Mỹ cũng báo cáo rằng thu nhập cá nhân đã tăng 0,7% trong tháng, cao hơn nhiều so với ước tính 0,4%. Trong khi đó, chi tiêu tăng 0,8%, tương đương với dự kiến.

Trong báo cáo quan trọng khác, một thước đo hoạt động sản xuất đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm vào tháng 11. Chỉ số Sản xuất ISM rớt xuống mức 49%. Hay nói cách khác, chỉ có 49% doanh nghiệp được hỏi báo cáo về việc mở rộng sản xuất trong giai đoạn này.

Chỉ số ISM đang thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với báo cáo trong tháng 10, và thấp nhất kể từ 5/2020, thời điểm COVID mới bùng phát tại Mỹ. Số lượng đơn hàng tồn đọng và nhập khẩu sụt giảm là lực cản lớn nhất đối với chỉ số này.

Chỉ số giá ISM cũng đã giảm 3,6 điểm phần trăm, xuống còn 43%, cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Đồng thời, chỉ số việc làm ISM cũng tụt thêm 1,6 điểm phần trăm, xuống còn 48,4%. 

Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết: “Dữ liệu sáng nay là một tín hiệu tốt vì đã cho thấy lạm phát lõi tiếp tục giảm”.

“Nếu lạm phát tiếp tục giảm, thì thị trường sẽ tăng cao hơn, vì các nhà đầu tư có thể kết luận rằng Fed sẽ không cần tăng lãi suất cao hoặc giữ lãi suất ở mức cao lâu như kỳ vọng trước đây”, ông nói thêm.

Trong một tin tức kinh tế khác cùng ngày, Bộ Lao động thông báo tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần là 225.000, giảm 16.000 so với một tuần trước và thấp hơn ước tính là 235.000.

Một báo cáo việc làm khác từ Challenger, Grey & Christmas chỉ ra rằng số lượng nhân viên bị sa thải theo kế hoạch đã tăng 127% trong tháng 11 so với tháng 10 và tăng 417% so với một năm trước. 

Ngay cả với sự gia tăng mạnh mẽ trong việc sa thải như hiện nay, Challenger, Grey & Christmas cũng lưu ý rằng tổng số người bị buộc thôi việc từ đầu năm đến nay đang ở mức thấp thứ hai trong bộ dữ liệu có từ năm 1993.

Dữ liệu việc làm được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, khi mà Fed đang trong chiến dịch nâng lãi suất nhằm giảm lạm phát.

Trong bài phát biểu hôm 30/12, Chủ tịch Jerome Powell cho biết đã có một số dấu hiệu rằng tốc độ tăng giá đang chậm lại. Tuy vậy, ông cũng nói thêm rằng cần có những bằng chứng nhất quán hơn trước khi Fed có thể thay đổi chính sách. Tuy vậy, ông chỉ ra rằng các đợt nâng lãi suất có thể bắt đầu chậm lại, sớm nhất là vào tháng 12.

“Sự thật là con đường tương lai của lạm phát vẫn rất không chắc chắn”, ông Powell nói.

 

Dữ liệu PCE cũng cho thấy các con số vẫn thiếu nhất quán. Lạm phát hàng hóa tăng 0,3% trong tháng 10 sau khi từng giảm liên tục trong 3 tháng trước đó. Ngược lại, lạm phát dịch vụ chỉ tăng 0,4%, giảm từ hai lần tăng 0,6% liên tiếp.

Các nhà kinh tế đang tìm kiếm sự chuyển hướng trở lại nền kinh tế dựa vào dịch vụ. Nhu cầu hàng hóa tăng từng đóng vai trò chính khiến cho lạm phát đi lên vào năm 2021. Lạm phát lương thực tăng 0,4%, trong khi giá hàng và và dịch vụ năng lượng tăng 2,5%.

Fed đang theo dõi chặt chẽ thị trường việc làm để tìm thêm các dấu hiệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang trên xu hướng tăng, và số đơn tiếp tục yêu cầu hỗ trợ đã tăng thêm 57.000 đơn, lên 1,61 triệu, mức cao nhất kể từ tháng 2.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chi-so-lam-phat-ua-thich-cua-fed-tang-it-hon-du-kien-20221228539908.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/