Cha mẹ nên làm gì để trở thành tấm gương chi tiêu tốt cho trẻ nhỏ?

Trẻ nhỏ học hỏi và bị ảnh hưởng rất nhiều từ lối sống của người lớn và đây là giai đoạn tốt để bạn làm gương cho con về tài chính.

Dù tốt hay xấu, mọi thứ phụ huynh làm đều trở thành tấm gương cho trẻ. Chúng ta đang vẽ lên tờ giấy trắng ngây ngô ấy mỗi ngày dù chúng ta có ý định làm vậy hay không. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến vấn đề tiền bạc. 

Bạn đang hình thành thái độ và hành vi tài chính cho con mỗi khi bạn nói về tiền (hoặc KHÔNG nói về tiền), đi mua sắm, du lịch, làm việc,... Không bao giờ là quá muộn hay quá sớm để bắt đầu dạy con về thói quen tài chính tốt.

Một cách bắt đầu dễ dàng là lần tới, khi đi mua sắm với con, hãy để trẻ được làm quen với những mặt hàng, giá bán và những gì chúng nên lựa chọn. Dưới đây là 4 điều bạn nên làm để trở thành tấm gương tài chính tốt cho con, được trích từ cuốn sách Beyond Piggy Banks and Lemonade Stands của tác giả Liz Frazier và đăng tải trên tạp chí Forbes.

Tránh mua sắm bốc đồng

Lập danh sách: Lập danh sách trước khi đến cửa hàng tạp hóa giúp giảm bớt các quyết định mua hàng phát sinh theo cảm hửng. Hãy yêu cầu con giúp bạn liệt kê ra tất cả mọi thứ bạn cần trước khi ra khỏi nhà. Khi đã tới cửa hàng, bạn nên để con tự tìm một vài món đồ và nhắc nhở nếu con bỏ vào giỏ những gì không có trong danh sách.

Chờ đợi: Nếu con muốn một món đồ đắt tiền, hãy yêu cầu trẻ chờ 24 giờ trước khi mua. Bạn nên giải thích với con rằng nếu con vẫn thực sự thích món đồ sau một ngày thì cả nhà sẽ cùng quay lại để mua. Nếu con quên đi thì rõ ràng đó là điều quan trọng. Đặt giới hạn giá cả dựa trên tuổi và số tiền tiêu vặt cho con để con hiểu thế nào là "đắt đỏ".

Đặt giới hạn tại các sự kiện: Các sự kiện giải trí như chương trình ca nhạc, rạp xiếc, lễ hội và công viên giải trí khiến tất cả mọi người đều phấn khích, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, trước khi đến một sự kiện, hãy xác định một giới hạn về số tiền có thể chi tiêu. Điều này sẽ cắt giảm được chi phí khổng lồ cho những thứ như đồ chơi, quạt, máy tạo bong bóng, băng rôn và rất nhiều món khác.

Untitled

Dạy trẻ nhỏ về tài chính và làm một tấm gương tốt về tài chính cho con là điều các bậc phụ huynh nên làm. - Ảnh: BBC

Tập trung vào việc tiết kiệm tiền

Mang theo phiếu giảm giá: Ngay cả khi bạn không phải là người thường xuyên cắt phiếu giảm giá, việc thực hiện điều này cùng con sẽ cung cấp bài học quý giá về tiết kiệm tiền khi mua sắm. Hãy yêu cầu con tìm kiếm phiếu giảm giá khi ở cửa hàng và cho con thấy bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền khi thanh toán.

So sánh: Dù đó là thực phẩm hay đồ gia dụng, hãy tạo cho con thói quen so sánh các sản phẩm khi mua sắm. Hãy cho con xem các mặt hàng tương tự và giá tiền để giải thích cho con hiểu rằng chúng ta nên chọn mặt hàng ít tốn kém nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt. 

Mua số lượng lớn: Khi bạn có thể, hãy mua các món đồ với số lượng lớn và chỉ cho con cách bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách so sánh giá bán lẻ và bán sỉ.

Cân nhắc trước khi mua

Nghiên cứu: Nếu có một món đồ con muốn mua, hãy giải thích rằng có nhiều sản phẩm tương tự nhưng ưu điểm khác biệt nên điều quan trọng là phải mua chính xác. Ví dụ, nếu con bạn muốn có một chiếc phao, cùng còn nghiên cứu các loại phao, xem đánh giá và so sánh chất lượng để hiểu rõ nhất về món đồ trước khi chi tiền.

Các lựa chọn khác: Nếu con bạn thực sự muốn một thứ gì đó, hãy cân nhắc các lựa chọn khác trước khi mua. Đây có phải là thứ bạn có thể thuê, mượn từ bạn bè hoặc người thân hay mua đồ cũ để tiết kiệm một số tiền?

Ngừng lãng phí tiền bạc

Điều này nói dễ hơn nhiều so với thực hiện, đặc biệt là với trẻ ở độ tuổi tiểu học luôn biết cách thuyết phục phụ huynh mua đồ bằng gào khóc, cằn nhằn, làm nũng. Tuy nhiên, bạn cần phải quyết tâm từ chối nếu đó là yêu cầu lãng phí.

Trừ khi bạn đang đi mua sắm cho con, hãy ngừng mua thêm những món đồ lặt vặt chỉ với mục đích làm hài lòng hoặc giữ trẻ yên lặng ở nơi công cộng. Hãy cho con tự mang theo tiền và nói rằng con có thể tự chi tiêu nhưng không được vượt quá hạn mức.

Bạn cũng có thể hành động tích cực mỗi ngày bằng cách làm theo một số mẹo tiết kiệm tiền dưới đây để con hiểu được giá trị của tiền bạc và cách duy trì ngân sách thông minh.

Tiết kiệm năng lượng: Chi phí cho năng lượng mỗi ngày là không hề nhỏ. Yêu cầu mọi người tắt đèn khi rời khỏi phòng và yêu cầu con ngắt các thiết bị mỗi khi cả gia đình đi đâu đó sẽ hình thành cho con thói quen tốt và tiết kiệm tiền mỗi tháng.

Đi chung xe khi có thể: Giá xăng luôn tăng và thường bị lãng quên khi tính toán khoản chi phí hàng ngày hoặc kế hoạch du lịch. Đi chung xe với các phụ huynh khác khi tới sự kiện ở trường hoặc du lịch nhóm sẽ cho con hiểu rằng chi phí xăng được tiết kiệm ra sao.

Quà tặng thủ công: Thay vì mua tất cả những món quà đắt đỏ ngoài cửa tiệm, hãy thử làm một vài món đồ thủ công đơn giản. Khuyến khích con tự làm những món quà như đồ trang sức, sáng tác thơ, tranh vẽ hoặc bánh qui cho bạn bè và gia đình vào ngày sinh nhật và ngày lễ. Đó không chỉ là một cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền mà còn đem lại cảm giác vui vẻ và phấn khích.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cha-me-nen-lam-gi-de-tro-thanh-tam-guong-chi-tieu-tot-cho-tre-nho-20190809135730674.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/