'Cần giải thích với Mỹ, Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá nội địa của họ'

Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Việt Nam cần giải thích rõ, dù thặng dư thương mại lớn nhưng Việt Nam hoàn toàn không cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá sản xuất tại thị trường nội địa của họ.

Chia sẻ tại Talkshow "Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam - Giải pháp tích cực để tháo gỡ" diễn ra ngày 4/4, Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho hay, việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam, có thể là một tín hiệu về các cuộc đàm phán.

Chính quyền Tổng thống Trump muốn phát đi một tín hiệu rằng các quốc gia phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để đạt được những lợi ích hài hoà hơn cho nước Mỹ.

"Vì vậy, chúng ta cần chủ động nỗ lực, tiếp cận bằng các con đường ngoại giao kinh tế để có thể đàm phán với chính phủ Mỹ để làm sao đạt được mục đích hài hoà lợi ích cho Việt Nam", ông Tuấn nói.

Hiện nay, sự mất cân bằng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang vô cùng lớn vì vậy để lấp đầy khoảng trống đó là không hề khả thi và thậm chí chính chính quyền của ông Trump cũng hiểu điều đó.

Mục tiêu của ông Trump không phải là cán cân thương mại bằng O mà là đạt được một lợi thế trong đàm phán và sự cải thiện so với tình trạng hiện nay. Đó là điều Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, ông Tuấn nhìn nhận.

Theo ông, Việt Nam có thể tăng cường nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ nhất là trong việc nâng cấp công nghệ, đào thải một số công nghệ cũ mà hiện nay chúng ta đang nhập giá rẻ nhưng tiêu tốn về năng lượng, tác động tiêu cực đến môi trường.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Nhà nước nên hỗ trợ bằng việc cung ứng vốn tín dụng, ưu đãi cho doanh nghiệp để nâng cấp công nghệ lạc hậu thay bằng các máy móc, công nghệ mới nhập khẩu từ Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể giảm thuế thêm với một số mặt hàng như hàng nông sản ôn đới, các mặt hàng này nằm ở phân khúc cao nên không cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản Việt Nam.

"Chúng ta cũng cần thúc đẩy các MOU ký kết mua hàng hoá của Mỹ để các thương vụ này không còn nằm trên giấy mà đi vào thực hiện các đơn hàng cụ thể. Những kết quả này có thể sử dụng để cho thấy thiện chí của Việt Nam trong đàm phán với Mỹ",ông Tuấn nói.

Về mặt đàm phán, cần gắn với lộ trình thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do và đầu tư Việt - Mỹ. Đã 25 năm kể từ Hiệp định Thương mại Việt Nam - Nỹ (BTA) ký kết ngày 13/7/2000, Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy thêm một Hiệp định tự do song phương mới.

"Chúng ta không chỉ cần mở cửa thương mại mà còn phải mở cửa cho đầu tư của Mỹ", ông Tuấn nói.

Một yếu tố nữa mà chính quyền Tổng thống Trump rất quan tâm, nhất là với Việt Nam là câu chuyện xuất xứ hàng hoá. Câu chuyện đội lốt xuất xứ là vấn đề mà Mỹ rất quan ngại, vì vậy trong các cuộc đàm phán với nước này, Việt Nam cần thể hiện thiện chí trong việc minh bạch hoá nguồn gốc xuất xứ, các dữ liệu về thương mại.

Đồng thời, cần cho Mỹ thấy Việt Nam đang nỗ lực hướng đến nội địa hoá nền kinh tế, phát triển các nguồn cung ứng tại chỗ chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn cung ứng bên ngoài.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright Việt Nam. (Ảnh: H.A).

Tiếp theo, Việt Nam cũng cần giải thích về thặng dư thương mại của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 100 tỷ USD với Mỹ nhưng hàng hoá Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá sản xuất tại thị trường nội địa của họ.

"Việt Nam hoàn toàn không cạnh tranh trực diện mà chỉ cạnh tranh với một nước thứ ba khi cùng xuất khẩu vào thị trường Mỹ", ông Tuấn nêu rõ.

Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, với chính sách đánh thuế đối ứng chung như Mỹ mới công bố, người tiêu dùng Mỹ sẽ không có sự lựa chọn và sẽ bị ảnh hưởng.

Áp lực về giá cả và lạm phát cũng là một yếu tố rất quan trọng. Bản thân người dân Mỹ sẽ thấy được sức nóng của các chính sách thuế của ông Trump và chắc chắn họ sẽ thúc đẩy vận động hành lang. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam cần làm rõ điều này, ông Tuấn nhìn nhận.

Ngoài ra, một yếu tố tuy rất khó để thuyết phục với chính quyền Trump nhưng cũng cần làm rõ việc Mỹ thâm hụt thương mại với nhiều nước là cơ cấu nội tại của nền kinh tế Mỹ. Hệ thống tiền tệ quốc tế hiện đã định hình dựa trên USD từ những năm 1944.

"USD là đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế thì các nước phải có thặng dư thì mới có tiền USD để dự trữ và thanh toán quốc tế. Các nước có thặng dư thì Mỹ phải thâm hụt", ông Tuấn phân tích.

Câu chuyện định hình lại đồng USD từng được đưa ra từ những năm 1985 nhằm tạo ra sự thăng bằng hơn về thương mại nhưng kết quả cũng không cải thiện được cán cân thương mại với Mỹ bởi đó là vấn đề của hệ thống tiền tệ.

Vì vậy, những chính sách hiện này cần gắn với các giải pháp ngắn hạn, trước mắt là xoa dịu căng thẳng nhưng sau đó là những chiến lược dài hạn và căn cơ hơn bởi bối cảnh địa chính trị hiện nay biến động rất mạnh và dai dẳng nên cần có những chính sách chủ động đối phó với thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, kiềm chế cạnh tranh ảnh hưởng..., ông Tuấn cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/can-giai-thich-voi-my-viet-nam-khong-canh-tranh-truc-tiep-voi-hang-hoa-noi-dia-cua-ho-202544165035328.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/