'Các ví điện tử ở Việt Nam chưa cho thấy được lợi thế rõ ràng so với ngân hàng truyền thống'

Theo Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên ngành Tài chính thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, hầu hết các dịch vụ mà ví điện tử cung cấp hiện đã có mặt trong ứng dụng di động của các ngân hàng truyền thống.

Momo, Moca và ZaloPay đang thống lĩnh thị trường ví điện tử

'Các ví điện tử ở Việt Nam chưa cho khách hàng thấy được lợi thế rõ ràng so với ngân hàng truyền thống' - Ảnh 1.

Các loại giao dịch phố biển nhất của người dùng ba ví điện tử Momo, Moca và ZaloPay. (Ảnh: Cimigo).

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 30 tổ chức phi ngân hàng được cấp phép làm ví điện tử. Các tên tuổi lớn như Momo, Moca và ZaloPay đang thống lĩnh thị trường này, theo một báo cáo của Cimigo.

Momo là một trong những nhà cung cấp sớm nhất với lượng khách hàng khổng lồ (vừa cán mốc 20 triệu người dùng), trong khi Moca và ZaloPay đang tận dụng hệ sinh thái sẵn có của mình để phát triển. Chính cuộc cạnh tranh gay gắt khiến dư địa dành cho các nhà cung cấp mới khá nhỏ, buộc họ có thể phải cạnh tranh bằng việc giảm giá và "đốt tiền" rất nhiều.

Tiến sĩ Đoàn Bảo Huy, cũng là giảng viên ngành Tài chính thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, phân tích thêm, Momo đang hoạt động mạnh trong thanh toán tại các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi. 

Trong khi đó, ZaloPay (được phối hợp xây dựng từ hệ sinh thái của Zalo) thì mang đến ưu đãi hoàn tiền hấp dẫn cho dịch vụ nạp tiền trên thiết bị di động. Trong khi đó, phạm vi tiếp cận của Moca tăng nhờ hai dịch vụ cơ bản trên nền tảng của Grab là gọi xe và giao đồ ăn.

Ví điện tử chưa cho thấy được lợi thế về lâu dài so với ngân hàng truyền thống

Theo Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên ngành Tài chính thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, một trong những vấn đề lớn nhất với ví điện tử là họ chưa cho khách hàng thấy được lợi thế rõ ràng về lâu dài so với ngân hàng truyền thống.

Hầu hết các dịch vụ mà ví điện tử cung cấp như chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn điện nước, hay thanh toán hàng hoá trực tuyến hiện đã có mặt trong ứng dụng di động của ngân hàng . Ứng dụng số của các ngân hàng có thể chậm bước hơn ví điện tử ở một số dịch vụ khác, nhưng vấn đề này có thể giải quyết dễ dàng qua mua bán và sáp nhập.

Ông Anh Huy chia sẻ: "Ví điện tử cần quay trở lại với ý tưởng ban đầu là thay thế ví truyền thống - một chiếc ví không chỉ dùng để thanh toán và đựng các loại thẻ ngân hàng mà còn để lưu trữ những thứ khác như thẻ khách hàng thân thiết, thẻ thành viên và danh thiếp".

Còn theo ông Bảo Huy, hiện nay, nhiều tính năng tương tự đang có mặt trong các ví điện tử khác nhau. Điều này có nghĩa mọi người có thể sử dụng nhiều ví cho cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ, miễn họ được ưu đãi tốt nhất. Do đó, các ví điện tử cần nỗ lực rất nhiều để khiến khách hàng trung thành với mình.

Theo công bố nghiên cứu về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, ba sản phẩm ví điện tử Momo, Moca và ZaloPay chiếm tới hơn 90% thị trường ví điện tử tại Việt Nam.

Người dùng Việt Nam khá "trung thành" với ví điện tử họ đang sử dụng. Nghiên cứu của Cimigo chỉ ra 95% số người dùng Moca vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm khi công ty ngừng cung cấp khuyến mãi. Trong khi đó, tỉ lệ trung thành của Momo và ZaloPay cũng lên đến 89% và 84%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-vi-dien-tu-o-viet-nam-chua-cho-thay-duoc-loi-the-ro-rang-so-voi-ngan-hang-truyen-thong-20201209091805929.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/