Các ứng dụng nhái phất như diều gặp gió sau khi TikTok bị cấm cửa tại Ấn Độ

Theo Bloomberg, các ứng dụng video ngắn nói riêng đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng chóng mặt trong hai năm qua ở Ấn Độ kể từ khi TikTok bị cấm cửa tại quốc gia tỷ dân này.

Jiya Kiran Valambhia có lẽ là một ví dụ cho sự thành công của một cá nhân với tư cách là nhà sáng tạo nội dung trên TikTok. Đều đặn mỗi ngày, nữ TikToker đều đăng tải một video nhảy dành cho hơn 300.000 người theo dõi của cô. Công việc này có thể giúp Jiya đạt thu nhập khoảng 500 USD/ngày, một khoản kha khá đối với cô gái 14 tuổi đến từ thị trấn nhỏ Jamnagar, miền Tây Ấn Độ.

Năm 2020, Ấn Độ thực hiện siết chặt quy định với các ứng dụng đến từ Trung Quốc - thứ vốn được coi là mối đe dọa với chủ quyền và an ninh quốc gia, trong đó có TikTok. Điều đó buộc Jiya phải chuyển qua Josh - một ứng dụng "Made in India", có nhiều điểm tương đồng với TikTok.

 (Đồ họa: Vượng Phát).

Hồi tháng 6/2022, lực lượng quân sự của hai nước Ấn - Trung đã có một cuộc giao tranh ác liệt dọc theo biên giới tranh chấp của họ trên dãy Himalaya. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng theo thông tin công bố và đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất với quân đội Trung Quốc trong hơn 4 thập kỷ.

Sau vụ việc, căng thẳng bắt đầu leo thang và các quan chức Ấn Độ cho biết họ lo ngại các sản phẩm internet do Trung Quốc sản xuất như TikTok và WeChat có thể được sử dụng cho mục đích chính trị.

Dù cho công ty mẹ của TikTok là ByteDance khẳng định họ tuân thủ tất cả luật pháp của Ấn Độ và chưa chia sẻ thông tin về người dùng Ấn Độ với chính phủ Trung Quốc. Nhưng trong hai năm kể từ đó, Nhiều ứng dụng Trung Quốc liên tục bị Ấn Độ cho vào danh sách đen. Hiện có hơn 200 dịch vụ trong số đó.

Điều này dường như đang mang lại lợi ích lớn cho các công ty địa phương, hàng chục công ty startup cây nhà lá vườn của Ấn Độ đã bắt đầu xây dựng các ứng dụng video ngắn, trò chơi, nhắn tin kể từ sau khi lệnh cấm được chính phủ ban hành.

Theo Bloomberg, các ứng dụng video ngắn nói riêng đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng chóng mặt trong hai năm qua, với Josh và các đối thủ như Roposo, Moj và MX TakaTak đang thu hút hàng trăm triệu người dùng và thu hút hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư toàn cầu như Google và Goldman của Alphabet,..

Những nhà đầu tư này nhắm mục tiêu vào Bharat (từ để chỉ những người Ấn Độ không nói tiếng Anh sống bên ngoài những thành phố giàu có nhất của đất nước), ước tính nhóm này có khoảng 150 triệu người dùng hàng thasng.

VerSe Innovation có trụ sở tại Bangalore, công ty sản xuất ứng dụng và cũng điều hành trang tổng hợp tin tức Dailyhunt, vào tháng 4 đã công bố thương vụ huy động được 805 triệu USD từ các nhà đầu tư, đưa mức định giá công ty chạm 5 tỷ USD.

 Bedi (trái) và VerSe co-founder, Virendra Gupta. (Ảnh: VerSe).

VerSe đã cho ra mắt ứng dụng Josh, chỉ 4 ngày sau khi lệnh cấm TikTok bắt đầu, mong muốn đưa ra giải pháp thay thế cho hơn 200 triệu người Ấn Độ đang sử dụng TikTok. Umang Bedi, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của VerSe, đồng thời là cựu giám đốc hoạt động tại Ấn Độ của Meta, cho biết nhóm của anh ấy đã liên hệ với 200 influencer (người có sức ảnh hưởng) hàng đầu trên TikTok, những người sở hữu hàng triệu lượt theo dõi và chiêu mộ họ với những bản hợp đồng hậu hĩnh.

Ông nói: “Những người sáng tạo đó đã nhanh chóng mang lại cho chúng tôi tính hợp pháp. VerSe cũng đã thu hút hàng nghìn người sáng tạo khác, từ đầu bếp, nhạc sĩ, ca sĩ và diễn viên hài nổi tiếng... 200.000 người sáng tạo hiện sử dụng nền tảng của chúng tôi".

Không chỉ gà nhà, các công ty công nghệ Mỹ cũng đang tìm cách tận dụng cơ hội này để chiếm lấy thị trường khổng lồ của Ấn Độ. Một năm sau lệnh cấm TikTok, Instagram đã trở thành ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất của đất nước.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa Thung lũng Silicon và chính phủ Ấn Độ về các vấn đề như kiểm duyệt và hạn chế mã hóa cũng được xem là trở ngại khó. VerSe tin rằng các công ty công nghệ của Mỹ chỉ tập trung vào một phần của thị trường Ấn Độ và các công ty trong nước vẫn có phần trên miếng bánh khổng lồ ấy.

Virendra Gupta, đồng sáng lập VerSe, cho biết: “Facebook và Instagram phần lớn dành cho những người dùng internet thành thạo ở Ấn Độ nhưng họ không có đủ nội dung bằng tiếng địa phương. Chúng tôi đang điều hành các nhà máy sản xuất nội dung bằng tiếng Ấn Độ. Các công ty ở Thung lũng Silicon đã bỏ lỡ quá trình này ”. Gần một tỷ người Ấn Độ dự kiến ​​sẽ xem các video dạng ngắn trong ba năm tớivà Bedi bày tỏ tham vọng có ít nhất một nửa trong số đó xem Josh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-ung-dung-nhai-phat-nhu-dieu-gap-gio-sau-khi-tiktok-bi-cam-cua-tai-an-do-2022414143959562.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/