Các nước trên thế giới thu thuế trên sàn thương mại điện tử như thế nào?

Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử trong những năm gần đây đã đặt ra những thách thức lớn đối với các chính phủ trong việc thu thuế từ những hoạt động của mô hình này.

Mỗi năm các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đều thu về hàng tỷ đồng doanh thu bán hàng của các sàn đến người tiêu dùng (B2C, C2C). Những hoạt động bán hàng trên các sàn TMĐT đang diễn ra ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia. Song, việc thu thuế với những hoạt động này luôn là bài toán nan giải đối với nhiều chính phủ.

Các nước trên thế giới thu thuế trên sàn thương mại điện tử như thế nào? - Ảnh 1.

Bên trong kho hàng Amazon. (Ảnh: NBC News).

Các giao dịch trên sàn TMĐT đều phải chịu một số khoản thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) tại đại chỉ người mua hàng. Tuy nhiên, người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế họ phải nộp cho mỗi quốc gia họ bán hàng đến.

Chính bởi thế, nhiều quốc gia trên thế giới đang xem xét hoặc đã ban hành nhiều đạo luật yêu cầu các sàn TMĐT phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại quốc gia, vùng sở tại.

Tại Trung Quốc, cơ quan thuế nước này yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sàn TMĐT phải thực hiện thu hộ, nộp hộ thuế cho người bán. Ngoài ra, các doanh nghiệp này phải xuất hóa đơn cho khách hàng, khai báo thông tin về hoạt động mua bán và các thông tin về thuế có liên quan của các giai dịch cho cơ quan thế. Các thông tin này cần phải được lưu trữ tối thiểu 3 năm.

Doanh số bán hàng TMĐT ở Liên minh châu Âu đã tăng hai con số vào năm 2017 và đạt 602 tỷ EURO, tuy nhiên gian lận thuế VAT đã khiến các quốc gia thành viên EU thiệt hại 50 tỷ euro mỗi năm. Mặc dù EU có các quy tắc tiêu chuẩn về VAT nhưng chúng lại được áp dụng khác nhau tại mỗi quốc gia.

Đó là lý do tại sao Liên minh châu Âu đã thông qua nhiều quy định mới để giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ các nghĩa vụ thuế VAT hơn. Bắt đầu từ năm 2021, các trang bán hàng trực tuyến như Amazon, eBay được yêu cầu thu thuế VAT từ các thị trường TMĐT nước ngoài bán hàng hóa vào Liên minh châu Âu.

Theo đó, từ tháng 7/2020, bất kỳ nhà bán hàng online hay sàn giao dịch TMĐT nào cũng đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên thuộc EU bất kỳ nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU. Các công ty bán hàng trực tuyến phải thu VAT ngay cả khi giao dịch diễn ra thông qua các kho hàng có trụ sở tại EU, theo quy định được Ủy ban Châu Âu thông qua vào ngày 11/12/2018.

Bên cạnh đó, việc miễn thuế VAT khi nhập khẩu các lô hàng nhỏ có giá trị lên đến 22 euro sẽ bị xóa bỏ. Điều này có nghĩa là tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU bây giờ sẽ phải chịu thuế VAT.

Tại Đức, một dự luật đã được thông qua vào 23/11/2018 quy định các nền tảng TMĐT phải chịu trách nhiệm về thuế VAT chưa thanh toán của người bán ở Đức. Tất cả các sàn TMĐT hoạt động tại nước này sẽ phải chịu trách nhiệm theo dõi việc tuân thủ thuế VAT của người bán trong nước và nước ngoài từ 1/10/2019.

Khi cơ quan thuế của Đức thông báo cho nền tảng về việc không thanh toán, các nhà khai thác phải trực tiếp thu hồi khoản lỗ hoặc họ tự chịu trách nhiệm về các khoản thanh toán, theo hóa đơn.

Trong khi đó tại Anh, quốc gia này đã yêu cầu các sàn TMĐT phải có trách nhiệm bảo đảm khách hàng ở nước ngoài của họ đã đăng ký VAT tại Anh. Các công ty không tuân thủ phải đối mặt với án phạt khoảng 10.000 bảng Anh, thậm chí là kết án hình sự.

Các nền tảng trực tuyến ở Úc và New Zealand chịu trách nhiệm thanh toán thuế GST đối với doanh số bán hàng được thực hiện trên nền tảng của họ. Kể từ ngày 1/7/2018, các điều khoản này cũng áp dụng đối với hàng hóa giá trị thấp, có giá trị từ 1.000 đô la Úc (712 USD) trở xuống.

Cục thuế Ấn Độ vào tháng 10 đã đưa ra “thuế thu tại nguồn” gây ra nhiều tranh cãi, yêu cầu các trang thương mại điện tử như Amazon thu thuế GST và nộp cho chính phủ. Quy định này yêu cầu các công ty phải đăng ký tại mỗi bang trong số 29 bang nơi các nhà cung cấp của họ hoạt động. Các công ty cho biết việc đăng ký bổ sung và biểu mẫu thuế rất nặng nề.

Tại Việt Nam, Thông tư 40 của Bộ Tài chính quy định, từ ngày 1/8 tới đây, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, mới đây tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 24/7, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế cho đến ngày 1/1/2022 sẽ thực hiện.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-thu-thue-tren-san-thuong-mai-dien-tu-nhu-the-nao-20210727073914128.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/