Các hãng bán lẻ Hàn, Nhật cạnh tranh gay gắt ở Việt Nam, Vingroup chiếm lợi thế lớn vì là thương hiệu nội địa

Sự cạnh tranh khốc liệt ở Việt Nam từ các tên tuổi Nhật Bản như Aeon và Takashimaya cùng các thương hiệu nội địa Vingroup và Saigon Co.op khiến các nhà bán lẻ Hàn Quốc họ đuối sức.

Trong khi nhân viên văn phòng chọn đồ ăn nhẹ và văn phòng phẩm ở một cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi GS25 tại phường Đa Kao (quận 1, TP HCM), trên loa đang phát các bản nhạc Hàn Quốc phổ biến. Lẩu cay và bánh qui ngọt xếp gọn gàng trên kệ y hệt như tại Hàn Quốc.

Bị thu hút bởi chi phí lao động rẻ và dân số tăng nhanh, các hãng công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics đã đến Việt Nam từ vài chục năm trước.

Hiện nay, khi thu nhập của người dân Việt Nam tăng và điều kiện kinh doanh tại quê hương tệ hơn, nhiều hãng bán lẻ Hàn Quốc đang nối gót các công ty công nghệ lớn để khai thác tiềm năng của Việt Nam.

Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định các nhà bán lẻ này đang rơi vào thế khó vì thị trường Việt Nam đã trở nên đông đúc hơn, với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều thương hiệu nội địa lẫn đối thủ Nhật Bản.

Gặp khó ở quê nhà, các thương hiệu bán lẻ Hàn Quốc đến Việt Nam

Năm 2008, Lotte Shopping - công ty con của Tập đoàn Lotte, mở đường trước tiên, trở thành nhà bán lẻ Hàn Quốc đầu tiên tiến vào thị trường Việt Nam. 

Hiện tại, Lotte Shopping đang vận hành 14 siêu thị Lotte Mart trên khắp Việt Nam và một trung tâm thương mại tại Hà Nội.

lotte

Trung tâm mua sắm Lotte Mart quận 7. Ảnh: Nam Việt Plastic

Theo sau Lotte Shopping, E-Mart - một trong các chuỗi bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, đã khai trương siêu thị đầu tiên tại TP HCM vào tháng 12/2015.

Vui mừng vì thành công ở cơ sở đầu tiên tại quận Gò Vấp, nơi ghi nhận doanh thu lớn nhất đối với mô hình cửa hàng giảm giá (discount store) ở TP HCM, E-Mart đang lên kế hoạch thành lập một siêu thị khác ở thành phố vào năm tới.

"Thông qua cung cấp đa dạng sản phẩm Hàn Quốc kể cả thực phẩm và bánh, siêu thị đầu tiên của E-Mart Việt Nam tạo nên nét khác biệt riêng và duy trì đà tăng trưởng tốt kể từ khi ra mắt", E-Mart cho biết trong báo cáo doanh thu quí III vừa công bố hồi tháng 11.

"Chúng tôi đang chuẩn bị mở siêu thị thứ hai ở TP HCM vào năm tới", ông Kim Bo-bae, phát ngôn viên của nhà bán lẻ Hàn Quốc, tiết lộ.

Trong khi đó, GS Retail - một hệ thống bán lẻ hàng đầu khác của Hàn Quốc, đã thành lập liên doanh với Sơn Kim Group để vận hành 54 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam dưới thương hiệu GS25.

Nỗ lực thâm nhập thị trường nước ngoài của nhiều nhà bán lẻ Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh các đối thủ trực tuyến đã cắt đứt thị phần của họ ở Hàn Quốc.

Theo cơ quan xếp hạng tín dụng NICE, E-Mart và Lotte Shopping sẽ đối mặt với rủi ro tín dụng nghiêm trọng nhất vào năm tới khi mà họ đang phải vật lộn để chống lại thách thức từ Coupang, trang thương mại điện tử do SoftBank hậu thuẫn, và công ty dịch vụ giao đồ ăn Market Curly.

"Khi các công ty thương mại trực tuyến mở rộng tầm ảnh hưởng, tăng trưởng của nhiều nhà bán lẻ truyền thống bắt đầu chững lại trong năm 2019", ông Ahn Young-bok, Giám đốc NICE, cho hay.

"Tốc độ tăng trưởng doanh thu của các nhà bán lẻ truyền thống sẽ hạn chế hơn vào năm 2020 khi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá và chi phí tiếp thị cũng như giao hàng tăng cao", ông Ahn nói thêm.

Thậm chí, tình hình còn tệ hơn khi nhu cầu dành cho bán lẻ truyền thống suy yếu vì dân số Hàn Quốc già đi và người trẻ tuổi độc thân tăng, trong khi đây vốn là nhóm đối tượng có xu hướng thích mua sắm trực tuyến thay vì đến các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, tổng doanh số bán lẻ truyền thống đã giảm 100 tỉ won trong quí II xuống còn 16,7 nghìn tỉ won (tương đương 14,2 tỉ USD) vào quí III, trong khi doanh số bán lẻ trực tuyến trong cùng kì tăng 300 tỉ won lên 8,1 nghìn tỉ won.

Thị trường Việt Nam hiện ra đầy hấp dẫn trong mắt nhiều thương hiệu

Việt Nam mang đến cơ hội tăng trưởng mà các nhà bán lẻ Hàn Quốc bỏ lỡ tại quê nhà. Trong giai đoạn 2013 - 2018, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) ở mức 10,97%, theo "big 4" ngành kiểm toán Deloitte.

Nikkei cho biết tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam dự kiến đạt 180 tỉ USD vào năm 2020, tăng 26,6% so với năm 2018.

Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng thu hút sự cạnh tranh gay gắt, không chỉ từ các thương hiệu địa phương mà còn cả nhiều nhà bán lẻ Nhật Bản. Mới đây, vào đầu tháng 12, hãng thời trang nhanh Uniqlo đã mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, thu hút đông đảo người mua sắm chỉ trong ngày đầu tiên khai trương.

img1415-15756052710131535655635

Khung cảnh náo nhiệt trước cửa cửa hàng Uniqlo nhìn từ bên kia đường Lê Thánh Tôn. Phía sau là một hàng dài khách hàng đang chờ đợi buổi lễ khai trương diễn ra và tiến vào bên trong cửa hàng. Rất đông giới truyền thông xuất hiện để ghi nhận sự kiện, cho thấy buổi ra mắt của Uniqlo có "sức nóng" khá khủng. Ảnh: Yên Khê

"Mặc dù ngành bán lẻ của Việt Nam có tiềm năng phát triển to lớn, mức độ cạnh tranh cũng rất khốc liệt", ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng Giám Đốc Deloitte Việt Nam cho hay.

"Trên nhiều loại hình bán lẻ, chúng tôi nhận thấy các đại gia trong và ngoài nước đang tham gia vào một cuộc chiến giành ưu thế trên thị trường thông qua theo đuổi các chiến lược mở rộng mạnh mẽ", ông Nguyên chia sẻ.

Thị hiếu thay đổi có thể là một nhân tố quan trọng trong trận chiến đó.

Vingroup đang nằm đâu trong cuộc chiến bán lẻ với đối thủ ngoại ở Việt Nam?

Nikkei dẫn câu chuyện của Trang Hà, nữ nhân viên văn phòng của một công ty Hàn Quốc tại TP HCM. Khi cô và bạn bè ở độ tuổi 20, Lotte Mart ở quận 7 (một trong số các siêu thị đầu tiên của Lotte Shopping tại thành phố) là địa điểm gặp mặt và mua sắm yêu thích của họ.

Vào thời điểm đó, Lotte Mart mang đến trải nghiệm mua sắm mới và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng Việt Nam. Độ phổ biến của các chương trình truyền hình Hàn Quốc và K-pop cũng khuyến khích khách hàng tìm đến những mặt hàng liên quan đến "xứ sở kim chi", tuy nhiên đó là chuyện của 5 hoặc 6 năm về trước.

Khi có nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước mở cửa hàng trên toàn thành phố, cuộc đua thu hút người tiêu dùng lại trở nên khốc liệt hơn.

Trang Hà cho biết hai thương hiệu Aeon và Takashimaya của Nhật Bản xuất hiện thường xuyên hơn khi cô và bạn họp bàn địa điểm vui chơi.

1

Takashimaya trang hoàng lộng lẫy đón khách đến vui chơi dịp Giáng sinh năm nay. Ảnh: Yên Khê

"Các nhà bán lẻ Nhật Bản có sức hút lớn hơn đối với người tiêu dùng địa phương vì họ cung cấp dịch vụ tốt hơn và trang trí hấp dẫn hơn cho các dịp lễ hội khác nhau", Trang Hà chia sẻ.

Trong khi cô đánh giá cao các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản và Hàn Quốc về dịch vụ và lựa chọn, quyết định mua sắm ở đâu phụ thuộc vào yếu tố thuận tiện.

Các "tay chơi" địa phương cũng có lợi thế tương đối lớn. Vingroup, "đại gia" gia nhập thị trường bán lẻ vào năm 2014, đã có 122 siêu thị và hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước. Ưu tiên của tập đoàn này là mở cửa hàng tại các vị trí đắc địa.

Hơn nữa, vào tháng này, Vingroup tuyên bố sẽ sáp nhập hoạt động bán lẻ với hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng của Masan Group để thành lập công ty bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Các trung tâm thương mại kết hợp giữa nhiều lựa chọn giải trí và mua sắm là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt giữa các tay chơi. Theo Deloitte, có tổng cộng 200 trung tâm như vậy trên cả nước.

Vingroup chiếm 60% thị trường trung tâm thương mại tính theo diện tích sàn ở Hà Nội và TP HCM, theo sau là Aeon và Lotte.

Khi cuộc đua ngày càng khốc liệt tại hai thành phố lớn, thương hiệu địa phương Saigon Co.op đang nhắm đến các tỉnh phía tây nam, nơi còn ít các cơ sở giải trí chất lượng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-hang-ban-le-han-nhat-canh-tranh-gay-gat-o-viet-nam-vingroup-chiem-loi-the-lon-vi-la-thuong-hieu-noi-dia-20191218164613561.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/